Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bước tiến mới trong quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế
Nguyên Đức - 15/09/2015 16:33
 
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, thời gian tới, sẽ có bước tiến mới trong quản lý nhà nước về các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu và cả khu kinh tế ven biển (gọi chung là KCN, KKT).
.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT/BKHĐT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ban quản lý KCN, KKT. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

Suốt 25 năm phát triển mô hình KCN, KKT, đây là lần đầu tiên có một thông tư liên tịch giữa hai cơ quan quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các ban quản lý KCN, KKT ở các địa phương. 

Thực tế thì chức năng, nhiệm vụ của các ban quản lý KCN, KKT đã được quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP và Nghị định 164/2013/NĐ-CP về KCN, KKT và nhiều văn bản liên quan khác. Và hiện nay, theo quy định tại Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố, đều đã có các thông tư liên tịch quy định chức năng, nhiệm vụ của các sở ngành khác, như kế hoạch và đầu tư, tài nguyên - môi trường…, chỉ riêng ban quản lý KCN, KKT là chưa.

Cũng do chưa có một văn bản chung để thống nhất chức năng, nhiêm vụ của ban quản lý các KCN, KKT, nên chức năng, nhiệm vụ của ban này được áp dụng không thống nhất ở các địa phương, cơ cấu tổ chức cũng khác nhau, việc phối hợp với các sở, ngành chức năng khác trong thực hiện công tác quản lý nhà nước cũng rất khó khăn.

Hơn nữa, sau khi Nghị định 29/2008/NĐ-CP có hiệu lực, ban quản lý các KCN, KKT đều phải sáp nhập làm một, nên khối lượng công việc lớn, đòi hỏi phải có một thông tư liên tịch quy định thống nhất, cụ thể và bao trùm các chức năng, nhiệm vụ của ban quản lý KCN, KKT.

Thông tư liên tịch mới nêu trên giải quyết được tất cả các hạn chế nêu trên, do vậy, tôi cho rằng, sẽ có một bước tiến mới trong quản lý nhà nước về KCN, KKT trong thời gian tới.

Vậy trong Thông tư 06, chức năng, nhiệm vụ của ban quản lý các KCN, KKT được quy định ra sao, thưa ông?

Có 12 nhiệm vụ, quyền hạn của ban quản lý các KCN, KKT được quy định trong Thông tư. Chúng tôi đã phân chia rất rõ, đâu là nhiệm vụ phải tham mưu cho UBND tỉnh, đâu là nhiệm vụ phải thực hiện theo phân cấp ủy quyền, như giúp UBND cấp tỉnh quản lý việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng, phát triển KCN; KKT; thực hiện chức năng quản lý về đầu tư, quy hoạch và xây dựng, môi trường, lao động, thương mại…

Số lượng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ cũng được quy định là không quá 5 phòng, với các tên gọi cụ thể. Trong trường hợp cần thiết, có thể thành lập các văn phòng đại diện ở các KCN, KKT ở xa.

Ngoài ra, do một số đặc thù, ví dụ với các địa phương có số lượng lao động làm việc trong KCN, KKT từ 50.000 lao động trở lên, thì được bổ sung, thành lập phòng quản lý lao động. Hay với các địa phương có từ 200 dự án đầu tư trở lên đang hoạt động với tổng đầu tư đăng ký trên 2,5 tỷ USD hoặc 100 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 5,0 tỷ USD trong KCN, KKT, thì được bổ sung, thành lập phòng hỗ trợ và giám sát hoạt động đầu tư.

Phải khẳng định rằng, những nhiệm vụ, quyền hạn này được quy định rõ ràng, cụ thể, góp phần quan trọng để ban quản lý KCN, KKT thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, cũng như trong phối hợp với các ngành chức năng khác thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ông nói rằng, Thông tư 06 sẽ tạo bước tiến mới trong quản lý nhà nước về KCN, KKT. Vậy điều này có tác động thúc đẩy thu hút đầu tư vào đây không?

Chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, phối hợp với các sở ngành chức năng tốt hơn sẽ góp phần quan trọng để thu hút đầu tư vào các KCN, KKT. Hơn nữa, theo quy định tại Thông tư 06, ban quản lý KCN, KKT có chức năng thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, bao gồm cả hỗ trợ sau đầu tư, thực hiện giám sát đầu tư, n không chỉ thu hút đầu tư tốt hơn, mà hậu kiểm cũng tốt hơn.

Đây là công việc rất quan trọng, bởi với cơ chế thông thoáng như hiện nay - doanh nghiệp được làm những gì mà Nhà nước không cấm - với thủ tục thành lập doanh nghiệp và đầu tư gộp làm một, thời gian chỉ 3-5 ngày, thì giám sát sau đầu tư càng phải chặt chẽ hơn bao giờ hết. Khi quản lý nhà nước về KCN, KKT được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, tôi tin là vốn đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào đây.

Quảng Ngãi đẩy tiến độ GPMB Khu kinh tế Dung Quất
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Ban quản lý KKT Dung Quất phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án tạm cư cho các hộ dân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư