Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cà Mau đốc thúc tiến độ các công trình trọng điểm
Huy Tự - 22/08/2022 19:37
 
Tín hiệu lạc quan về phục hồi và tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2022 là tiền đề để Cà Mau tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai nhanh các công trình trọng điểm trên địa bàn.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau (bìa phải) kiểm tra tiến độ các công trình trọng điểm. Ảnh: Trúc Đào

Kinh tế Cà Mau nhiều khởi sắc

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau, tuy giá cả nguyên, nhiên liệu có nhiều biến động trong những tháng đầu năm, nhưng Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2022 của tỉnh vẫn tăng 7,4% so tháng trước, tăng 10,3% so cùng kỳ; lũy kế 7 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, sản lượng điện, khí hóa lỏng và khí thương phẩm có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng các sản phẩm chủ lực khác của Cà Mau đều tăng khá. Cụ thể, sản lượng chế biến tôm tháng 7 đạt 15.558 tấn, lũy kế 7 tháng đạt 115.219 tấn, bằng 73,4% kế hoạch, tăng 13,8% so cùng kỳ. Sản lượng phân bón đạt 114.577 tấn, lũy kế đạt 685.542 tấn, bằng 68,6% kế hoạch, tăng 13,4% so cùng kỳ.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 120 triệu USD, lũy kế 7 tháng đạt 847,9 triệu USD, bằng 73,7% kế hoạch và tăng 42,7% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 113,7 triệu USD, lũy kế 688,3 triệu USD, bằng 64,3% kế hoạch, tăng 25,3% so cùng kỳ; xuất khẩu phân bón đạt 6,3 triệu USD, lũy kế 159,4 triệu USD, vượt 104,4% kế hoạch, tăng 254,7% so cùng kỳ. Tỉnh đang tập trung đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhằm hạn chế rủi ro khi thị trường có nhiều biến động và cạnh tranh cao.

Tính đến cuối tháng 7, Cà Mau giải ngân 1.487,5 tỷ đồng, đạt gần 40% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Trong đó, các nguồn vốn đầu tư giải ngân khá gồm: vốn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý 46,3%; vốn xổ số kiến thiết 48,1% và vốn đầu tư từ ngân sách huyện, thành phố 63,9%...

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng khá so với cùng kỳ. Trong tháng 7, có 62 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký 978,4 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng có 418 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 8.190 tỷ đồng, vốn bình quân 19,6 tỷ đồng/doanh nghiệp, giải thể tự nguyện 80 doanh nghiệp và tạm ngưng hoạt động 206 doanh nghiệp.

Tính chung từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã thu hút 7 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 1.063,2 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 433 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 141.094 tỷ đồng (trong đó có 10 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 156,8 triệu USD).

UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, kiểm tra các công trình, dự án đã giao nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trường hợp công trình, dự án không đảm bảo điều kiện, tiến độ thi công theo quy định, thì xem xét, thu hồi công trình, dự án theo đúng quy định.

Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau (quy mô 1.200 giường) đạt 33,5%; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Cà Mau đạt 90,7%; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang đo đạc, kiểm đếm.

Hoạt động du lịch dần phục hồi và phát triển, trong tháng 7, đã đón 164.892 lượt khách du lịch đến Cà Mau; lũy kế đến nay đã đón 940.791 lượt khách, tăng 40,6% so với cùng kỳ. Tỉnh đang chuẩn bị tích cực, chu đáo các điều kiện để tổ chức tốt các sự kiện thuộc Chương trình Cà Mau - Điểm đến 2022 như: Ngày hội Cua Cà Mau, Lễ Thượng cờ - Thống nhất non sông, Ngày hội Ẩm thực Đất Mũi, Giải chạy bộ Đất Mũi Marathon Cà Mau 2022 - Cúp Petrovietnam…

Tập trung toàn lực vào các công trình trọng điểm

Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công hoàn thành đúng kế hoạch năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh Cà Mau trong năm 2022, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong việc đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-UBND, ngày 9/2/2022 về đẩy mạnh thu, chi ngân sách nhà nước, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

Kiểm tra tiến độ xây dựng các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn huyện Cái Nước và Trần Văn Thời vào giữa tháng 8/2022, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải biểu dương các địa phương, đơn vị thi công cùng nhà thầu nỗ lực vượt qua khó khăn của biến động kinh tế, thị trường và điều kiện thời tiết, sự đồng thuận hỗ trợ tạo điều kiện của người dân trong dự án để triển khai thi công đúng tiến độ đề ra.

Hiện phần gói thầu xây lắp của Dự án thành phần 2 xây dựng trục Đông - Tây đã hoàn thành các phần việc, khối lượng đúng kế hoạch. Ở các gói thầu, nhà thầu đang thi công đóng cọc, bê tông mố, trụ cầu và lắp dầm, với tổng khối lượng thực hiện đạt trên 40%. Các dự án cầu sông Ông Đốc; tuyến kết nối đầm Thị Tường cũng đang đạt tiến độ khả quan, hứa hẹn hoàn thành từng hạng mục đúng thời gian dự kiến.

Đoàn kiểm tra cũng kiểm tra thực tế tình hình triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến trục Đông - Tây; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối vào khu vực Đầm Thị Tường và Dự án Đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc.

Theo chủ đầu tư, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến trục Đông - Tây, phần tuyến và cầu đoạn Km0+00 - Km18+00 đang triển khai thi công 16/16 gói thầu xây lắp, các gói thầu đang đóng cọc và thi công bê tông mố, trụ cầu…; phần đường dẫn đang san lấp cát. Khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 40%. Thời gian dự kiến thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán năm 2023, tổng nguồn vốn dự án thành phần này là 803,188 tỷ đồng, thời gian thực hiện là giai đoạn 2021-2024.

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối vào khu vực Đầm Thị Tường đang triển khai thi công 3 gói thầu xây lắp. Khối lượng thực hiện ước đạt trên 70% và dự kiến thông xe kỹ thuật trong tháng 10/2022. Dự án Đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc tại huyện Trần văn Thời đang thi công 3 gói thầu xây lắp, khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 30%, địa phương và chủ đầu tư đang tập trung vận động một vài trường hợp còn vướng mắc trong khâu bồi hoàn, xác định vị trí cụ thể, nhằm khẩn trương giao mặt bằng để nhà thầu triển khai nhanh dự án quan trọng này. 

Tại buổi kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đảm bảo tiến độ đề ra, phấn đấu đến hết tháng 9/2022 thông xe kỹ thuật đến Đầm Thị Tường; các sở, ngành, địa phương có hướng mời gọi, đầu tư phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Đầm Thị Tường; tạo nút giao thông tại vị trí giao lộ trục Đông - Tây và Quốc lộ 1 để đảm bảo an toàn giao thông. Riêng Dự án Đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc, UBND huyện Trần Văn Thời cần giải quyết dứt điểm khâu giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công đúng tiến độ. 

Mới đây, ngày 16/8/2022, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Duy Lâm đã cùng đoàn công tác của Bộ đến kiểm tra hiện trường Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Cà Mau (Gói thầu Xây lắp 01) do đang có những vướng mắc nên tiến độ chậm so với kế hoạch. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án 7 cam kết quyết tâm hoàn thành Dự án trước ngày 31/12/2022 theo kế hoạch.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị, đẩy nhanh những vị trí vướng mặt bằng, giải phóng mặt bằng đến đâu cần sớm bắt tay vào làm ngay. Các nhà thầu phải khẩn trương, phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức thi công phù hợp, báo cáo những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời mong muốn sớm đưa dự án vào khai thác, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp vận tải.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 7, tính đến ngày 14/8, giá trị sản lượng cả Dự án đạt 540,627/1.237,724 tỷ đồng (đạt 43,7% giá trị các hợp đồng); lũy kế đạt 540,627/710,923 tỷ đồng, tương ứng 76,05% (chậm 23,95%, tương đương 170,296 tỷ đồng). Nguyên nhân chậm thi công là giá nhiên liệu tăng cao dẫn tới giá cước vận chuyển nguyên vật liệu tăng, làm ảnh hưởng tới chi phí xây dựng công trình; nguồn cung cát bị hạn chế, chưa đáp ứng được kế hoạch đề ra, một số nhà thầu còn chủ quan chưa tập trung tối đa nguồn lực để triển khai thi công.

Ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có công trình, dự án trọng điểm tập trung quyết liệt trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, làm một cách chặt chẽ, cụ thể từng hộ; các chủ đầu tư phải quyết liệt trong thực hiện nhằm hoàn thiện đầy đủ, chặt chẽ, chính xác về mặt hồ sơ, thủ tục từng dự án, chú trọng khâu khảo sát, thiết kế, kiểm tra cụ thể tiến độ, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm, hàng tuần báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để kịp thời có ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Vốn đầu tư công không thiếu, vấn đề là chính quyền các cấp và chủ đầu tư phải có quyết tâm cao đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm. Phải thấy được trách nhiệm trước nhân dân, vì công trình sớm hoàn thành ngày nào sẽ tạo điều kiện rất lớn, cơ hội và động lực quan trọng để kinh tế - xã hội địa phương phát triển, tạo sức lan tỏa và hiệu quả của kinh tế địa phương.

- Ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau
Đưa Cà Mau trở thành trung tâm logistics của Tiểu vùng Mekong mở rộng
Cà Mau nằm ở vị trí địa chiến lược trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, có tiềm năng trở thành trung tâm kết nối trên Hành lang phát triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư