Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Các doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng trong vụ “chuyến bay giải cứu”
Huệ Nguyễn - 10/07/2023 11:29
 
Cơ quan chức năng xác định, 23 đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng nhằm “bôi trơn” để được cấp phép các chuyến bay và “chạy án” sau khi bị lộ.

25 cựu quan chức nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng

Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều công dân ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam, có khoảng hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện các “chuyến bay giải cứu”.

Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp triển khai các chuyến bay sau khi được duyệt; còn lại là doanh nghiệp cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép chuyến bay, sau đó bán quyền được tổ chức các chuyến bay cho đơn vị khác.

Bị cáo Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty BlueSky. Ảnh: Bộ Công an.

Để được tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, doanh nghiệp phải có văn bản chấp thuận của Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ; có văn bản chấp thuận chủ trương cách ly y tế của UBND các tỉnh, thành phố liên quan.

Trong khi đó, quá trình chuẩn bị, doanh nghiệp còn phải song song ký hợp đồng và đặt cọc tiền thuê tàu bay với hãng hàng không, thuê khách sạn..., nên nếu không được chấp thuận các chuyến bay, lưu trú cách ly khi về nước, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn về tài chính.

Do đó, để được phê duyệt, nhiều doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau, trực tiếp hoặc qua trung gian đã móc nối, đưa tiền số lượng lớn cho những người có nhiệm vụ, quyền hạn.

Cơ quan điều tra xác định, Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Bầu Trời Xanh (Công ty BlueSky) đã dùng các pháp nhân BlueSky, BlueTrip, TravelSky liên kết với một số doanh nghiệp để đưa công dân về nước.

Kết quả, nhóm công ty của Sơn, Hằng được cấp phép thực hiện 109 chuyến bay cách ly y tế, từ tháng 11/2020 đến tháng 12/2021. Quá trình thực hiện, Sơn và Hằng đã đưa hối lộ 63 lần, với tổng số tiền gần 39 tỷ đồng.

Tương tự, để được giải quyết cấp phép 66 chuyến bay cho Công ty An Bình và 5 công ty liên kết, Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc An Bình đã đưa hối lộ 7 cá nhân có thẩm quyền thuộc Bộ Ngoại giao và Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, với số tiền gần 35 tỷ đồng.

Ngoài ra, các công ty Nhật Minh, Minh Ngọc, Hoàng Long Luxury, Lữ Hành Việt, ATA, Masterlife...và một số doanh nghiệp khác, cũng nhiều lần đưa hối lộ để được giúp đỡ.

Theo thống kê, trong vụ án này, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ với số tiền hơn 226 tỷ đồng; trong đó 25 cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng để “tạo điều kiện” cấp phép các chuyến bay.

Doanh nghiệp dùng gần 62 tỷ đồng để “chạy án”

Sau khi có thông tin cơ quan chức năng vào cuộc điều tra hành vi đưa hối lộ, cuối tháng 1/2022, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng đã thông qua Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội nhờ tiếp cận, đưa hối lộ cho Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để nhờ giúp không bị xử lý hình sự và được Hưng đồng ý. Thời điểm này, Hưng là Điều tra viên thụ lý chính vụ án.

Sau nhiều lần trao đổi thông tin, Hưng đã hướng dẫn Hằng và Sơn thay đổi lời khai theo hướng Hằng nhận tội, còn Sơn tuy là Giám đốc, nắm 70% cổ phần, nhưng không biết việc Hằng đưa hối lộ.

Cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội.

Ngày 16/9/2022, Hưng bị điều chuyển công tác sang giữ chức vụ Trưởng phòng Chính trị, Hậu cần Cục An ninh điều tra Bộ Công an và không còn nhiệm vụ, quyền hạn điều tra vụ án. Tuy nhiên, Hưng vẫn tiếp tục liên lạc, trao đổi với Tuấn, nhiều lần gặp Hằng để trao đổi thông tin, thể hiện rằng mình vẫn đang giải quyết vụ việc, nhiều lần yêu cầu đưa thêm tiền.

Sau 13 lần đưa tiền cho Tuấn để nhờ chuyển cho Hưng “lo giúp” Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự, nhưng Sơn vẫn bị khởi tố, bắt giam nên tháng 12/2022, Hằng và Sơn đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyễn Anh Tuấn gửi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định, tổng cộng Hằng và Sơn đã đưa hối lộ 2,65 triệu USD (tương đương khoảng 61,7 tỷ đồng). Do đó, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội phạm tội “Môi giới hối lộ” số tiền trên.

Số tiền trên, Tuấn khai nhận đã chuyển cho Hưng 2,25 triệu USD, giữ lại 400.000 USD, trong đó đưa 1,25 triệu USD trong giai đoạn Hưng còn làm Điều tra viên thụ lý chính vụ án.

Trái lại, Hưng không thừa nhận tội danh, hành vi của mình, mà cho rằng bản thân chỉ hướng dẫn Hằng ra tự thú, nhưng không nhận tiền của Hằng hay Tuấn.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, Hưng đã nhận 800 nghìn USD (tương đương gần 19 tỷ đồng) khi đã chuyển công tác, không có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các công việc liên quan vụ án. Do đó, Hưng bị cáo buộc đã “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” số tiền này.

Cựu trợ lý Phó thủ tướng nhận hơn 4,2 tỷ đồng trong vụ “chuyến bay giải cứu”
Được giao tham mưu, đề xuất và trình lãnh đạo phê duyệt cấp phép chuyến bay, Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng đã nhận hơn 4,2 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư