Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cải cách đăng ký kinh doanh là yêu cầu khách quan
Bá Thư - 31/08/2013 14:45
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc cải cách đăng ký kinh doanh (ĐKKD) và xây dựng Hệ thống thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia là yêu cầu khách quan, được triển khai một cách tích cực trên cơ sở những định hướng đổi mới của Chính phủ, kế thừa kết quả của các địa phương và đang phát huy hiệu quả thực tế.

Theo ông Mạnh, những năm vừa qua, chương trình cải cách công tác đăng ký kinh doanh đã đạt được nhiều kêt quả quan trọng, đã giải quyết cơ bản những hạn chế được nhìn thấy rõ trong thực tiễn trước đây, như cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin kém hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương và giữa trung ương với địa phương, dẫn đến tình trạng trùng tên doanh nghiệp; nhầm lẫn, chồng chéo; doanh nghiệp phải làm quá nhiều giấy tờ, thủ tục liên quan, chồng lấn giữa đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế…nhưng, khi cần xác minh, nắm bắt thì không thể có được thông tin chính xác, cập nhật, từ đó phát sinh nhiều xung đột, thậm chí bị kẻ gian lợi dụng để trục lợi.

Đó là chưa kể, các thủ tục ĐKKD còn làm thủ công, chưa được ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, vừa có hiệu suất thấp, vừa tạo kẽ hở cho sự can thiệp của cán bộ vào quy trình, tạo đất sống cho những tiêu cực mà nhà đầu tư, doanh nghiệp và dư luận xã hội đã nhiều lần lên tiếng.

Cải cách đăng ký doanh nghiệp là yêu cầu khách quan, nhằm khắc phục những hạn chế trong thực tiễn (Ảnh Đức Thanh)

Chính vì thế, từ năm 2007, tại Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP về một số giải pháp xử lý những vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng và cải cách một số thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai một bước đột phá trong thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp với các nội dung quan trọng như sau:

Thứ nhất, hợp nhất các thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp để có thể đơn giản hóa và giảm thời gian thực hiện cả ba thủ tục ĐKKD, khắc dấu và đăng ký mã số thuế doanh nghiệp trong thời hạn tối đa là 05 ngày làm việc.

Thứ hai, áp dụng một mã số duy nhất để định danh cho doanh nghiệp gọi là mã số doanh nghiệp; từ đó tạo điều kiện kỹ thuật cho việc chia sẽ thông tin tin về đăng ký doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như giữa cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKKD; nối mạng thông tin ĐKKD để thực hiện bảo hộ tên doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và triển khai thí điểm việc ĐKKD qua mạng.

Tích cực triển khai chỉ đạo trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông, các bộ, ngành và địa phương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp, trong đó đã nghị định hóa “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, hợp nhất mọi thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp vào một khâu gọi chung là “đăng ký doanh nghiệp”; tạo khung pháp lý cho việc tin học hóa công tác đăng ký doanh nghiệp; chia sẽ thông tin trên phạm vi cả nước và được đánh giá là một trong những điển hình của cải cách hành chính.

“Trong quá trình xây dựng Nghị định 43 cũng như quá trình chuẩn bị các điều kiện về hệ thống kỹ thuật để triển khai khung pháp lý mới này trong thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương; xin ý kiến đầy đủ các cơ quan có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố. Riêng các địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn, như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, đại diện Sở KH&ĐT trực tiếp tham gia Ban soạn thảo Nghị định, các tổ công tác xây dựng Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia nhằm phát huy tốt nhất kinh nghiệm và thực tiễn ở các địa phương”, ông Mạnh cho biết.

Trước khi có Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, tại một số tỉnh, thành phố đã xây dựng hệ thống phần mềm riêng để hỗ trợ cho việc cấp đăng ký kinh doanh cục bộ tại địa phương.

Do vậy, để đảm bảo có thể kế thừa những kết quả cũng như kinh nghiệm của địa phương, trong quá trình xây dựng Hệ thống, Bộ KH&ĐT đã tham khảo kỹ các địa phương về từng nội dung chi tiết của Hệ thống, đặc biệt, đối với TP.Hồ Chí Minh, Bộ KH&ĐT đã mời các cán bộ có kinh nghiệm xây dựng phần mềm ĐKKD của Thành phố tham gia sâu vào suốt quá trình xây dựng Hệ thống, từ khâu xây dựng đặc tả kỹ thuật, đến khâu kiểm tra thử nghiệm trước khi đi vào vận hành.

Hệ thống được bắt đầu triển khai từ năm 2008 và đến cuối năm 2010 thì cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Hiện nay, việc thực hiện nghiệp vụ đăng ký doanh nghiệp của gần 600 cán bộ trên phạm vi cả nước được thực hiện hoàn toàn trên Hệ thống, với sự phối hợp của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh và Sở KHĐT các địa phương.

Không dừng ở đó, nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân và cơ quan ĐKKD, Bộ KH&ĐT đã triển khai hoàn thiện và mở rộng các chức năng mới cho Hệ thống Thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia, đặc biệt là ứng dụng đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, nhằm tạo thêm một kênh mới cho người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu áp lực hồ sơ cho cơ quan ĐKKD.

Ứng dụng đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử nhằm tạo thêm
kênh đăng ký mới cho người dân và doanh nghiệp, giảm thiểu áp lực hồ sơ cho cơ quan ĐKKD

Theo ông Mạnh, trong quá trình xây dựng quy định pháp lý về đăng ký doanh nghiệp qua mạng, một số địa phương đề nghị chỉ xây dựng quy định và ứng dụng cho phép áp dụng việc đăng ký theo phương thức sử dụng chữ ký số công cộng.

Tuy nhiên, nhận thấy hiệu quả của ứng dụng đăng ký qua mạng trước đây của một số địa phương đã tự xây dựng và tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn khi đăng ký qua mạng, quy định tại Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT và theo đó là ứng dụng đăng ký qua mạng của Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia đã hỗ trợ cho hai phương thức nộp hồ sơ đăng ký qua mạng.

Phương thức thứ nhất, doanh nghiệp có thể sử dụng chữ ký số công cộng và thanh toán qua mạng để hoàn toàn nộp hồ sơ đăng ký và nhận kết quả không dùng hồ sơ giấy. Đây là phương thức đăng ký qua mạng theo tiêu chuẩn quốc tế, dữ liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được lưu trữ điện tử, gắn với chữ ký số công cộng.

Phương thức thứ hai, doanh nghiệp có thể đăng ký để được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh, sử dụng cho việc để nộp hồ sơ qua mạng. Sau khi hồ sơ được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ giấy để đối chiếu khi nhận kết quả. Quy trình này được kế thừa và phát triển từ quy trình đăng ký qua mạng một số địa phương như TP.HCM trước đây đã tự phát triển.

“Việc cho phép áp dụng đồng thời hai phương thức nói trên có thể hiểu là sự linh hoạt của Hệ thống. Phương thức thứ hai phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương là còn nhiều người dân chưa có chữ ký số, đồng thời vẫn hướng tới chuẩn cao hơn, chặt chẽ và hiệu quả hơn khi áp dụng được như phương thức thứ nhất”, ông Mạnh phân tích và cho biết, đến nay, doanh nghiệp vẫn đang áp dụng cả hai phương thức này để đăng ký doanh nghiệp tùy theo điều kiện của mình.

Theo khảo sát của Phóng viên, việc truy cập Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia để được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh và thực hiện các thao tác khai, nộp hồ sơ trực tuyến khá đơn giản, chỉ tương tự như việc đăng ký một hộp thư điện tử. Quy trình này, do đó, có thể khẳng định là phù hợp với số đông người kinh doanh trong điều kiện hiện nay.

Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia ra đời đã giúp thực hiện các mục tiêu:

+ Chuẩn hóa và tin học hóa quy trình nghiệp vụ đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Tự động hóa một số quy trình nhằm giảm tối đa sự can thiệp trực tiếp của cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh vào các quy trình nghiệp vụ.

+ Tạo lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống với thông tin được tích hợp đầy đủ và thống nhất từ cơ sở dữ liệu doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố. Dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp tại Hệ thống là thông tin gốc có giá trị pháp lý cao nhất.

Sự ra đời của Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp góp phần tăng cường tính minh bạch của thông tin doanh nghiệp, hướng tới cung cấp cho cộng đồng và các cơ quan quản lý nhà nước những thông tin chính xác, cập nhật và kịp thời về các doanh nghiệp Việt Nam làm căn cứ thực tiễn cho công tác hoạch định chính sách vĩ mô

+ Thiết lập được cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương và địa phương, đặc biệt là giữa Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính, giữa Sở KH&ĐT với Cục Thuế các tỉnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư