Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Cải cách thủ tục thuế: 9% doanh nghiệp thừa nhận trả chi phí ngoài
Thanh Thủy - 18/11/2019 16:15
 
Việc áp dụng thuế điện tử đã giúp hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cán bộ giải quyết thủ tục hành chính nhưng khảo sát cho thấy việc phát sinh chi phí ngoài vẫn tồn tại, tập trung ở các bộ phận kiểm tra thuế, thanh tra thuế, kê khai và kế toán thuế.

Sáng 18/11, Nhóm nghiên cứu Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo đánh giá hài lòng của doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính thuế. Đây là cuộc khảo sát độc lập được thực hiện lần thứ ba sau đợt khảo sát năm 2014 và 2016, phản ánh tín hiệu cải thiện ở nhiều nhóm lĩnh vực phản ánh mức độ hài lòng người nộp thuế trong 5 năm qua.

Chi phí ngoài quy định trong thủ tục thuế tiếp tục là vấn đế tồn tại dù đã có sự cải thiện. Báo cáo kết quả khảo sát các doanh nghiệp về sự phổ biến của chi phí ngoài quy định, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, cho biết 64% doanh nghiệp nói “Không”, chỉ có 9% thẳng thắn thừa nhận có phải bỏ ra chi phí ngoài quy định và 27% doanh nghiệp lựa chọn không trả lời.

Trong các doanh nghiệp khảo sát, nếu phân loại theo khu vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh thừa nhận đang chi trả chi phí ngoài cao nhất (9%). Chỉ 7% doanh nghiệp FDI và 2% doanh nghiệp nhà nước khi được hỏi thừa nhận đã chi các khoản chi phí ngoài. Trong trường hợp phân loại theo tuổi đời hoạt động, các doanh nghiệp  hoạt động dưới 5 năm có tỷ lệ trả chi phí ngoài quy định cao nhất (xấp xỉ 10%), tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm là 9,2%.

Việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp nhưng động lực để doanh nghiệp muốn chính thức hóa hoạt động lại không nhiều. Chi phí ngoài đang tạo ra định kiến cho doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động. Do vậy, theo ông Đậu Anh Tuấn, cơ quan thuế cần có biện pháp hiệu quả hơn nhằm tiếp tục giảm thiểu chi phí thuế ngoài quy định.

Áp dụng thuế điện tử đã giúp hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cán bộ giải quyết thủ tục hành chính, từ đó giảm phiền hà và các khoản chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hành chính. Các khoàn chi phí ngoài vẫn tồn tại, tập trung ở các bộ phận kiểm tra thuế, thanh tra thuế, kê khai và kế toán thuế, kết quả khảo sát cho hay.

Công tác thanh tra, kiểm tra thuế cũng là điểm cần cải thiện. Ông Tuấn cho rằng cần tránh tình trạng thanh kiểm trả trùng lặp và hiện tượng cán bộ áp dụng quy định về thuế theo hướng suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế nhận thấy còn những điểm hạn chế cần điều chỉnh. Ông Phi Vân Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội khẳng định một trong các giải pháp mà cơ quan này sẽ tập trung thực hiện thời gian tới là tăng cường kỷ cương kỷ luật công chức thuế thông qua việc triển khai nhật ký thanh kiểm tra, giám sát việc xử lý kết quả sau thanh kiểm tra và xử lý hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Một số điểm có thể cải thiện khác khi thực hiện thủ tục hành chính thuế hiện này còn là phải làm sao để đơn giản, dễ hiểu và thống nhất cách hiểu thông tin hướng dẫn về thủ tục hành chính thuế. Từ góc độ tư vấn thuế cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Trí Dũng, trưởng phòng tư vấn thuế kiểm toán Deloite, cho biết doanh nghiệp sẽ khó theo dõi khi văn bản quy định sửa đổi nhiều. Nhiều doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí tìm hiểu, kiến nghị để làm rõ cách hiểu để thực hiện cho đúng quy định pháp luật cũng như phải bỏ thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan thuế nhưng có thể chỉ nhận lại câu trả lời chung chung, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Một ví dụ được ông Dũng dẫn ra là về thủ tục miễn giảm và hoàn thuế với dự án đầu tư mở rộng. Ở khâu này, nhiều doanh nghiệp phản ánh quy trình tương đối phức tạp chưa thống nhất giữa cơ quan thuế với nhau và với các bên liên quan.

Bên cạnh những điểm còn tồn tại trên, cuộc khảo sát lần này cũng cho thấy điểm sáng khá rõ từ cải thiện trong việc thông tin về chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính thuế đã dễ tiếp cận hơn. Dịch vụ thuế điện tử đã trở nên phổ biến với các doanh nghiệp hiện nay. Số liệu thống kê của Cơ quan thuế được Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết tỷ lệ các doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế điện tử đến 10/2019 đã đạt 99%. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết cơ quan quản lý đã tạo hành lang pháp lý phục vụ cải thiện hệ thống công nghệ thông tin, đồng thời, đã yêu cầu cơ quan thuế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và giảm thời gian tạo thuận lợi tối đa cho dn khi nộp thuế. 

Thứ trưởng Trần Xuân Hà
Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh vai trò ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thuế

Thống kê riêng trong nhóm doanh nghiệp mà VCCI khảo sát, 98,4% doanh nghiệp đã khai thuế điện tử, 96,8% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử và thực tế tỷ lệ đã nộp thuế điện tử cũng lên tới 92%. Bộ phận nhỏ không dùng thuế điện tử do thói quen hoặc chưa phát sinh thuế phải nộp, cũng có trường hợp doanh nghiệp nghi ngại về bảo mật.

Khảo sát cũng cho thấy độ chính xác tương đối tốt của việc lựa chọn đơn vị thanh kiểm tra. Khi được tự đánh giá về mức độ rủi ro thuế ngành lĩnh vực của doanh nghiệp đang hoạt động, ngành có mức độ rủi ro cao cũng chính là ngành thường được cơ quan thuế kiểm tra.

Ưu đãi thuế “thông minh” hơn để hút vốn đầu tư nước ngoài
Mỗi năm, Việt Nam thất thu 50.000 tỷ đồng vì ưu đãi thuế kéo dài. Tính toán này của Tổ chức Oxfam khiến dư luận không khỏi giật mình. Nhưng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư