Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Cam go cuộc chiến với web lậu
Tú Ân - 20/08/2023 10:21
 
Các bộ phim chiếu rạp, phim truyền hình, talk show, chương trình thể thao… đang bị chiếu trộm, cắt ghép chiếu trên web lậu, TikTok, YouTube, gây thiệt hại lớn cho xã hội.
Nhiều trang web lậu vi phạm bản quyền, gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất chương trình.

Nhà đài kêu trời

Chỉ vài ngày sau khi công chiếu bộ phim truyền hình “Gia đình mình vui bất thình lình”, hàng loạt video bị cắt xén đã xuất trên YouTube, TikTok. Cùng với đó, hàng chục web lậu đã chiếu lại bộ phim này mà không được sự đồng ý của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Đây chỉ là một trong nhiều bộ phim ăn khách của VTV bị vi phạm bản quyền.

“Sự vi phạm này diễn ra ở các chương trình như giải trí, thể thao, thời sự, nhiều nhất là phim truyền hình của VTV, gây thiệt hại lớn đến việc kinh doanh của Đài. Ngoài ra, nhiều chủ thể vi phạm còn sử dụng những chương trình này để câu khách, dẫn đến những bình luận, chia sẻ mang tính lệch lạc, ảnh hưởng đến nội dung phim”, ông Nguyễn Thanh Vân, Phó trưởng ban Ban Kiểm tra VTV cho biết.

Hay như bộ phim “Doctor Lof - Bác sỹ hạnh phúc” của BHD đang chiếu trên nền tảng trả phí Netflix và các nền tảng không trả phí DANET và YouTube, nhưng thời gian qua đã bị phát tán trên nhiều trang web lậu mà không được sự đồng ý của nhà sản xuất.

“Doctor Lof - Bác sỹ hạnh phúc” là bộ phim nổi tiếng, vì vậy, việc mua lại bản quyền của dự án phim tốn số tiền không nhỏ, lên đến hàng tỷ đồng. Việc phim bị rò rỉ trên mạng còn làm ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín của các nền tảng trực tuyến chính thức hiện nay”, đại diện BHD chia sẻ.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong thời gian qua, Cục đã nhận được nhiều yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền nội dung, đa số là các nội dung về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc… Các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che dấu thông tin chi tiết và thực hiện xuyên biên giới từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết, hiện nay, việc vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra công khai trên nhiều nền tảng, nội dung bị vi phạm thuộc sở hữu của các đơn vị sản xuất nội dung số được phát sóng và đăng tải trên các nền tảng truyền thông, gây thiệt hại cho chủ sở hữu. Các hành vi vi phạm bản quyền phổ biến như: thực hiện livestream, phát trực tiếp trên các mạng xã hội hoặc website; copy nguyên trạng các nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa các video, sau đó đăng tải trái phép lên Internet.

Tính đến tháng 6/2023, Trung tâm Đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam đối với hơn 800 website vi phạm bản quyền.

Còn theo Liên minh Sáng tạo và Giải trí thuộc Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (ACE), thị trường Việt Nam là một trong những điểm nóng của khu vực châu Á về vi phạm bản quyền với sự tồn tại dai dẳng của nhiều cái tên như Phimmoi, 123movies, Putlocker... hay như các web phim lậu sever ở nước ngoài như ustvgo.net, Zoro.to… do người Việt vận hành. Trong đó, chỉ riêng Zoro.to đạt trên 200 triệu lượt truy cập mỗi tháng từ Mỹ, Ấn Độ, Anh. Trước khi bị hạ, Zoro.to thường xuyên nằm trong top 10 web được truy cập nhiều nhất tại Mỹ, xếp ngang hàng những trang chiếu phim, video trực tuyến lớn như Disney Plus, HBO Go, trên cả YouTube và Netflix.

“Tình trạng vi phạm bản quyền có thể khiến Việt Nam chịu tổn thất ít nhất 20% doanh thu tiềm năng của ngành công nghiệp nội dung. Đây là mất mát rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến một vài công ty, mà kéo theo những hệ lụy lớn hơn, như doanh nghiệp không thể tái đầu tư cho nội dung, thị trường lao động suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến chính người tiêu dùng. Ngoài ra, nó còn liên quan đến các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, phát tán mã độc...”, ông Jan Van Voorn, Phó chủ tịch điều hành ACE chỉ rõ.

Theo báo cáo của Media Partners Asia, ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam tạo ra doanh thu 249 triệu USD vào năm 2022, trong đó doanh thu từ lượng thuê bao chiếm 15% và video theo yêu cầu (AVOD) chiếm 85%.

Tính đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu người, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD.

Có chặn được web lậu?

Tại Hội nghị về phát thanh truyền hình mới đây, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận xét, việc bảo vệ bản quyền của các doanh nghiệp truyền hình trong nước rất phân tán. Đa phần chỉ dồn lực bảo vệ các nội dung độc quyền như giải thể thao, trong khi với nội dung không độc quyền như phim, trách nhiệm là của chung và không ai làm.

Thời gian qua, đã có những đoàn đại diện của các xưởng phim lớn trên thế giới đến làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề vi phạm bản quyền trên nhiều website Việt Nam. Với các trường hợp này, Bộ cho biết, có thể xử lý trong vài phút bằng cách yêu cầu nhà mạng chặn truy cập. Tuy nhiên, để xử lý triệt để, cần một chiến dịch lớn.

“Bộ Thông tin và Truyền thông không ngần ngại triển khai một chiến dịch rà quét, chặn, hạ các trang web vi phạm bản quyền ở quy mô lớn trong thời gian tới. Thậm chí có thể làm với một quy mô lớn chưa từng có”, ông Lâm chia sẻ và cho rằng, giải pháp cần thực hiện các quy trình gồm thống kê rà quét, thu thập thông tin, đấu tranh, song song với “nắn dòng quảng cáo”, để dòng tiền không chảy vào các trang có nội dung xấu.  

Đối với giải pháp chặn truy cập, có thể thấy, thời gian qua, nhiều website phim lậu cứ “chặt” đầu này lại mọc lên đầu khác. Sau khi chặn một tên miền, chủ website lại tạo hàng loạt tên miền mới để tiếp tục hoạt động, điển hình như trường hợp của phimmoi.

Chia sẻ về giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền phim, đại diện Tập đoàn Canal+ cho biết: “Tại Pháp, chúng tôi chặn tất cả các trang web lậu có thể truy cập được từ Pháp, bất kể nguồn phát là ở Pháp hay ở các nước khác. Điểm quan trọng khác, chúng tôi thấy rằng, cần phải rút ngắn thời gian tiến hành chặn qua việc có thể thiết lập một công cụ để kết nối giữa đơn vị phát sóng/chủ sở hữu quyền, vừa để thu thập các trang web cần phải chặn cùng với các bằng chứng và kết nối với các ISP để việc chặn truy cập có thể được thực thi một cách gần như tự động bởi các ISP. Ngoài ra, tuy việc chặn các trang web là quan trọng, nhưng việc chặn các máy chủ phát lậu cũng vô cùng quan trọng, vì thế phải chặn các địa chỉ IP, bởi các máy chủ không có DNS”. 

Ông Jan Van Voorn thì chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi sử dụng các chiến lược, giải pháp linh hoạt, không chỉ áp dụng những biện pháp xử lý truyền thống như làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, xử lý hình sự, dân sự… Với mục tiêu đóng cửa vĩnh viễn các website vi phạm, tránh tình trạng đóng trang này thì trang khác được lập mới, từ năm 2018, chúng tôi có thêm giải pháp “knock and talk” (gõ cửa và nói chuyện).

Qua điều tra độc lập và tìm ra người vận hành trang web lậu, đại diện ACE sẽ gặp trực tiếp và làm việc với họ. Nếu thỏa thuận qua “knock and talk” không hiệu quả, tổ chức mới chuyển hồ sơ đến các cơ quan quản lý đề nghị hỗ trợ. Kết quả là, chỉ có 5% vụ việc mà ACE xử lý phải đưa lên cấp cao hơn, còn 95% vụ việc đều được giải quyết thành công”.

Theo các chuyên gia, cuộc chiến với web lậu, kênh TikTok, YouTube vi phạm bản quyền là vô cùng cam go, bởi lợi nhuận từ quảng cáo rất lớn. Đối tượng vi phạm tìm đủ mọi cách vượt qua “tường lửa” kỹ thuật. Trong nhiều giải pháp thì giải pháp hữu hiệu nhất là sự tẩy chay, không click vào xem của người dùng. Vì vậy, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dùng cần được ưu tiên hàng đầu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư