Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 01 năm 2025,
Cần nhiều giải pháp để chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí
Hoài Sương - 26/06/2024 07:11
 
Các cơ quan báo chí đã từng bước thực hiện chuyển đổi số và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về nguồn vốn đầu tư, công nghệ… tác động.

Các cơ quan báo chí đang từng bước chuyển đổi số

Ngày 25/6, UBND TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo tháng 6 với chủ đề “Nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số phục vụ ngành báo chí” tại TP.HCM.

Thạc sỹ Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM thông tin, TP.HCM hiện có 19 cơ quan báo chí, gồm 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí. Trừ 3 tạp chí khoa học, còn lại 16 cơ quan báo chí đã từng bước thực hiện việc chuyển đổi số nhằm tạo ra những giá trị mới.

Hoạt động chuyển đổi số đang được đầu tư tại các cơ quan báo chí.

Cũng như nhiều cơ quan báo chí khác trong cả nước, các cơ quan báo chí TP.HCM đã thực hiện chuyển đổi số từ các khâu như: Chuyển đổi số trong sản xuất nội dung, cá nhân hóa và ngữ cảnh hóa nội dung; dùng thuật toán để phân tích hành vi, thói quen, nhu cầu, sự quan tâm của người dùng, để từ đó tạo ra và phân phối nội dung phù hợp tới các “phân khúc” người đọc, xem, nghe; đa dạng hóa các hình thức sáng tạo nội dung…

Ngoài ra các cơ quan báo chí TP.HCM đã từng bước thực hiện chuyển đổi số theo điều kiện của mình và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng như: Triển khai việc gửi và biên tập tin bài qua hệ thống CMS; phóng viên sử dụng thành thạo nhiều thiết bị (chụp ảnh, ghi hình...) hiện đại, các phần mềm (dựng phim, thu âm...) mới… để hỗ trợ tác nghiệp đa thể loại báo chí, nhất là các video, longform…

Thạc sỹ Nguyễn Văn Khanh, Phó giám đốc Trung Tâm Báo chí TP.HCM cho hay, TP.HCM đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DX Center). Trung tâm này sẽ có các nền tảng hỗ trợ cơ quan báo chí trong chuyển đổi số cũng như nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội.

“TP.HCM cũng đã thành lập Trung tâm Giám sát an ninh mạng TP.HCM (SOC) để giúp các cơ quan nói chung, báo chí nói riêng giải quyết, khắc phục kịp thời khi gặp sự cố nghiêm trọng về an toàn thông tin. Các hoạt động này nhằm hỗ trợ cơ quan báo chí chuyển đổi số thuận lợi và nhanh chóng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Khanh chia sẻ.

Thách thức không nhỏ

Thách thức đầu tiên chính là sự thiếu tự chủ về công nghệ, buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác. Hiện phần lớn trong nhóm cơ quan báo chí đang sử dụng nền tảng kỹ thuật gồm máy chủ, CMS của các doanh nghiệp cung cấp; hệ thống an toàn thông tin đi theo đơn vị cung cấp CMS; hệ thống lưu trữ đám mây.

“Số cơ quan báo chí tự phát triển CMS ít. Rất ít đơn vị hoàn toàn tự chủ được server, CMS, bảo mật hoặc cloud vì rất tốn kém về tiền bạc và cần đội ngũ nhân sự quản lý, vận hành”, Thạc sỹ Nguyễn Văn Khanh chia sẻ.

Hiện nay, phần lớn các hệ thống thông tin do cơ quan báo chí đang vận hành khai thác chưa được xác định cấp độ an toàn thông tin. Song song với đó, các cơ quan báo chí bố trí, dành nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo đảm an toàn thông tin cũng chưa đáp ứng. Điều này khiến các cơ quan báo chí lệ thuộc và có thể bị chi phối về nội dung và lợi ích bởi các công ty công nghệ.

Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, báo chí thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều tác động. Đó là việc cạnh tranh quyết liệt giữa báo chí và mạng xã hội khi thông tin trên mạng xã hội ngày càng đa dạng, phong phú, nhanh chóng. Xu hướng sụt giảm của báo in và thay đổi cách đọc truyền thống gần như không thể thay đổi được và có chiều hướng ngày càng bị ảnh hưởng sâu rộng.

Do đó, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM kiến nghị, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và sự am hiểu về công nghệ số trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên…

Đồng thời, các cơ quan báo chí phải tiếp tục chủ động phát triển các sản phẩm số theo xu hướng hiện đại, bám sát nhu cầu thực tiễn của công chúng, quan tâm thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với công chúng…

“Cần có giải pháp xây dựng các “hệ thống dùng chung” hoặc “giải pháp dùng chung” cho các cơ quan báo chí như: Cơ sở hạ tầng kỹ thật, cơ sở dữ liệu, nguồn lực con người, nguồn vốn... thay vì để từng cơ quan thực hiện rời rạc, manh mún vừa khó thực hiện do không đủ nguồn lực vừa lãng phí”, ông Nguyễn Minh Hải cho hay.

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024: Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng
Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 diễn ra từ ngày 25 - 29/6/2024 tại Hải Phòng. Ngày hội được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư