Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cần Thơ đề xuất điều chỉnh vị trí quy hoạch 3 khu công nghiệp
Trúc Giang - 06/04/2020 11:54
 
Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (CEPIZA) vừa có đề xuất điều chỉnh quy hoạch vị trí 3 khu công nghiệp (KCN) gồm KCN Ô Môn, KCN Bắc Ô Môn và KCN Thốt Nốt (giai đoạn 2).

Cụ thể, KCN Ô Môn (600 ha) và KCN Bắc Ô Môn (400 ha, thuộc địa bàn quận Ô Môn) chuyển về vị trí mới nằm cặp đường tỉnh 922 mới đi huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, cắt ngang dự án đường cao tốc Sóc Trăng đi Cần Thơ, An Giang và Campuchia, rồi nhập 2 KCN này lại hình thành một KCN có quy mô 1.000 ha. Bên cạnh đó, điều chỉnh vị trí xây dựng KCN Thốt Nốt (giai đoạn 2, diện tích 400 ha) thuộc quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh, dời KCN này vào sâu trong hướng huyện Vĩnh Thạnh.

.
CEPIZA đánh giá, đô thị khu vực quận Ô Môn đang phát triển, có chi phí giải tỏa bồi hoàn rất cao, nhà dân nhiều, tập trung cặp sông rạch, nền đất thấp...làm cho suất đầu tư tăng cao. Trong ảnh: Một góc đô thị quận Ô Môn, TP. Cần Thơ (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Cơ sở để CEPIZA đưa ra điều chỉnh vị trí quy hoạch 3 KCN trên là, từ khi TP. Cần Thơ trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương thì giá đất tại các quận nội thành biến động tăng hàng năm rất nhanh. Các KCN Cần Thơ đều nằm trên địa bàn các quận và gần khu dân cư, nhà dân ở trong quy hoạch KCN nhiều, làm tăng chi phí đền bù cho nhà đầu tư, dẫn đến giá cho thuê lại đất rất cao, gấp 3 lần so với các giá cho thuê tại các KCN ở các tỉnh lân cận. Cũng vì nằm trên địa bàn quận - địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi, nên các KCN này không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Trong khi đó, hiện nay, địa bàn các huyện của TP. Cần Thơ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; giá đất tương đối thấp, chỉ bằng 1/3 so với các quận nội thành, nên chọn vị trí quy hoạch KCN nằm xa khu đô thị để chi phí đền bù thấp, giá cho thuê lại đất sẽ cạnh tranh hơn. Ngoài ra, vị trí KCN mới nằm cạnh các tuyến đường cao tốc, đường dự mở có cơ sở hạ tầng tốt sẽ thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp, dễ thu hút đầu tư hơn; tạo điều kiện cho vùng nông thôn phát triển và giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động tại địa phương.

Theo Sở Xây dựng TP. Cần Thơ, trước đề xuất trên của CEPIZA, Sở này đã có công văn gửi lấy ý kiến và nhận được sự thống nhất của các sở ngành và địa phương có liên quan trong việc rà soát tổng thể định hướng phát triển KCN làm cơ sở xem xét điều chỉnh quy hoạch KCN Ô Môn và Thốt Nốt theo tình hình thực tế.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP. Cần Thơ trong Công văn số 522/SXD-QHKT ngày 28/02/2020 gửi UBND TP. Cần Thơ do ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở này ký thì, việc điều chỉnh KCN Ô Môn và KCN Bắc Ô Môn là phù hợp với tình hình thực tế do có những thay đổi liên quan đến kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn quận. Việc đầu tư đường tỉnh 922 mới sẽ tạo được sự thuận lợi lớn trong giao thương liên vùng và tạo nên động lực phát triển cả khu vực. Trong khu vực này có điều kiện kết nối hệ thống giao thông cấp vùng (Quốc lộ 91, 91B, đường cao tốc dự kiến, sân bay Cần Thơ, hệ thống cảng tại khu vực Trà Nóc), có điều kiện phát triển các ngành sản xuất, hoạt động công nghiệp, dịch vụ và đô thị. 

Đối với điều chỉnh KCN Thốt Nốt (giai đoạn 2), Sở Xây dựng TP. Cần Thơ cho rằng, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28/8/2013, trong đó định hướng quy hoạch KCN Thốt Nốt với quy mô khoảng 1.530 ha, nằm dọc theo cầu Vàm Cống và chủ yếu thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Do đó, nội dung kiến nghị của CEPIZA về việc điều chỉnh KCN Thốt Nốt (giai đoạn 2) về huyện Vĩnh Thạnh là phù hợp. Tuy nhiên, việc xác định vị trí cụ thể phải phù hợp với định hướng quy hoạch cung thành phố được duyệt.

Từ các cơ sở nêu trên, Sở Xây dựng TP. Cần Thơ kiến nghị UBND TP. Cần Thơ thống nhất chủ trương và định hướng điều chỉnh vị trí quy hoạch KCN Ô Môn và KCN Bắc Ô Môn theo đề xuất của CEPIZA. Sở Xây dựng sẽ lồng ghép phương án cụ thể vào đồ án Quy hoạch phân khu của quận Ô Môn đang được lập, lấy ý kiến Bộ Xây dựng làm cơ sở để UBND thành phố phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu quận Ô Môn, đồng thời sẽ cập nhật vào Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đang được lập. Còn đối với KCN Thốt Nốt (giai đoạn 2), Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP. Cần Thơ giao CEPIZA xác định vị trí cụ thể phù hợp theo quy hoạch chung được duyệt để đề xuất xem xét điều chỉnh các văn bản pháp lý có liên quan về Quy hoạch các KCN theo quy định.

Trước đề xuất của CEPIZA, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam giao CEPIZA phối hợp với các sở ngành và địa phương có liên quan hoàn thiện Đề án và Tờ trình UBND thành phố trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh cục bộ các KCN Cần Thơ; làm việc với các Công ty phát triển hạ tầng KCN rà soát tổng thể tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã cấp phép đầu tư, tình hình cho thuê đất, cho thuê lại đất trong các khu chế xuất, KCN trên địa bàn thành phố, báo cáo và đề xuất trình UBND thành phố. Đòng thời, giao Sở Xây dựng sớm hoàn chỉnh hồ sơ tham mưu UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung TP. Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1515/QĐ/TTg ngày 28/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

Được biết, các KCN: Ô Môn, Bắc Ô Môn và KCN Thốt Nốt (giai đoạn 2) đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Công văn số 2209/TTg-KTN ngày 15 tháng 12 năm 2008.

Đối với KCN Ô Môn, theo CEPIZA, hiện nay, tại khu này chi phí giải tỏa bồi hoàn rất cao, nhà dân nhiều, tập trung cặp sông rạch, nền đất thấp...làm cho suất đầu tư tăng cao. Khu này còn gần nhà máy xi măng và hệ thống lưới điện của nhà máy nhiệt điện Ô Môn, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, nên nhiều năm qua có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát nhưng ít chọn làm địa điểm đầu tư. KCN Bắc Ô Môn có vị trí quy hoạch liền kề KCN Ô Môn nên cũng trong tình trạng tương tự.

Vị trí quy hoạch KCN Thốt Nốt (giai đoạn 2) nằm cặp đường dẫn cầu Vàm Cống đi Kiên Giang và Quốc lộ 91 đi An Giang, gần trung tâm quận Thốt Nốt, giá đất và chi phí bồi hoàn hiện nay ở tại vị trí này rất cao, không hấp dẫn nhà đầu tư; mặt khác khi đô thị quận Thốt Nốt phát triển sẽ là áp lực lớn về môi trường cho khu công nghiệp này.
KCN Nam Đình Vũ giai đoạn II sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư từ giữa năm 2020
Tận dụng tốt cơ hội từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đến nay, giai đoạn I của KCN Nam Đình Vũ đã được lấp đầy đến 75%, còn giai đoạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư