Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Cẩn trọng trước làn sóng "xua" ga đường sắt ra khỏi nội đô
Bảo Như - 28/11/2019 08:24
 
Lạng Sơn là địa phương mới nhất gia nhập “làn sóng” muốn di dời các ga thuộc hệ đường sắt quốc gia ra khỏi nội đô, khi đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam di dời ga trung tâm Lạng Sơn về một ga xép, hàng hóa cách vị trí hiện hữu khoảng 20 km.
Nghe bài viết này tại đây :
.
Lạng Sơn là địa phương mới nhất gia nhập “làn sóng” muốn di dời các ga thuộc hệ đường sắt quốc gia ra khỏi nội đô.

Trước đó, hàng loạt ga Đà Nẵng, Nha Trang, Diêu Trì - Quy Nhơn (tuyến Bắc - Nam), Phú Thọ (trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai) cũng bị chính quyền các địa phương “xua” khỏi khu vực nội đô.

Ngoại trừ việc di dời ga Đà Nẵng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và nhận được sự đồng thuận của cơ quản lý nhà nước chuyên ngành và đơn vị khai thác, các ga còn lại đều đang vấp phải phản ứng quyết liệt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Có khá nhiều lý do được chính quyền địa phương đưa ra để giải thích cho mong muốn đẩy các ga tàu ra khỏi nội đô như: dễ gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến sự phát triển hạ tầng đô thị; thường xuyên gây tai nạn giao thông; gây khó khăn cho việc quy hoạch đô thị và phát triển kinh tế địa phương. Không chỉ di dời ga, có địa phương còn kiến nghị chấm dứt hoạt động của cả một tuyến đường sắt (Diêu Trì - Quy Nhơn)..., với lý do là không thấy có hiệu quả khai thác tương xứng.

Lẽ dĩ nhiên, khi di dời các đầu mối giao thông quan trọng này, đơn vị đang khai thác không phải bỏ kinh phí đầu tư bởi nhiều nhà đầu tư tư nhân đã sẵn sàng tham gia các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng, đặc biệt là các ga đường sắt có diện tích lớn, vị trí đắc địa như ga Đà Nẵng, ga Nha Trang. Mặc dù vậy, với ngành đường sắt, đây vẫn thực sự là quyết định khó khăn, bởi di dời ga khỏi nội đô đồng nghĩa với việc dịch, nắn chỉnh các tuyến đường sắt ra khỏi các trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng, khiến việc kết nối giữa loại hình vận tải này với người dân có nhu cầu và các nguồn hàng trở lên khó khăn, phức tạp hơn nhiều.

Cần phải nói thêm rằng, mạng lưới đường sắt quốc gia hiện có đi qua hầu hết trung tâm của các tỉnh/thành phố, các đô thị lớn và có những ảnh hường nhất định đối với các đô thị (như ùn tắc cục bộ giao thông do giao cắt cùng mức, tiếng ồn...). Song không thể phủ nhận vai trò của vận tải đường sắt trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối và khả năng phát triển hài hòa các phương thức vận tải, nhất là giao thông đô thị tại các thành phố lớn.

Trên thực tế, trong gần 100 năm qua, cả nước gần như chưa xây dựng thêm được một ki-lô-mét đường sắt hay một nhà ga mới trên hệ thống đường sắt quốc gia, ngược lại đã tiến hành bóc dỡ hàng trăm ki-lô - mét đường sắt, đặc biệt là những nhánh đường sắt kết nối với các cảng biển. Việc tháo dỡ này cũng là một trong những nguyên nhân đẩy ngành đường sắt rơi vào tình trạng giảm sút doanh thu, mất sức cạnh tranh đối với các loại hình vận tải khác cho dù về lý thuyết, đây là loại hình có tính kinh tế cao và rất an toàn.

Cần phải nói thêm rằng, nhu cầu vận tải của người dân là có thật, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương là tạo sự thuận lợi cho người dân, bao gồm cư dân địa phương và khách vãng lai, chứ không phải tạo sự thuận lợi cho quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, nhà ga đường sắt không chỉ đơn thuần là điểm đến, điểm đi, do tại đó, chúng ta có thể nâng cấp thành các khu vui chơi, dịch vụ, toà nhà... chứ hoàn toàn không thể chỉ có ý nghĩa trung chuyển. Vì thế, nhiều quốc gia đầu tư các ga bằng nguồn lực ngân sách Trung ương, địa phương, đồng thời kêu gọi cả doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác tham gia. Phương án thu hồi vốn giá trị thương mại từ các nhà ga, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại sẽ dùng để bù đắp chi phí đầu tư. Số tiền còn lại sẽ để xây dựng các nhà ga chưa có sức hấp dẫn, từng bước nâng dần toàn bộ hệ thống các nhà ga.

Trong trường hợp bắt buộc phải di dời, cũng không nên xóa trắng hệ thống hạ tầng ga cũ, mà nên giữ lại nhà ga và hệ thống đường ray hiện tại để chuyển đổi sang loại hình giao thông công cộng khác, như tuyến metro hoặc đường sắt nhẹ, giúp người dân có thêm mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả và kinh tế.

Lợi ích của địa phương luôn đồng hành với lợi ích của ngành và Nhà nước. Chính vì vậy, di dời ga hoàn toàn có thể đem lại lợi ích cho một địa phương nào đó tại thời điểm nào đó, nhưng sẽ mất đi lợi ích của ngành, lợi ích chung trong dài hạn. Đây là cũng là điều đáng cân nhắc kỹ khi các cơ quan chức năng xem xét làn sóng đề xuất di dời ga đường sắt khỏi nội đô như hiện nay.

Đà Nẵng đề xuất kêu gọi 12.600 tỷ vốn BT để di dời ga đường sắt
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, đã có báo cáo gởi UBND thành phố về đề xuất thực hiện việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng theo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư