Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 08 tháng 11 năm 2024,
Cắt giảm triệt để khoản chi cho sự “hoành tráng”
Hàn Tín - 04/11/2013 09:26
 
Tại phiên thảo luận về tình hình ngân sách nhà nước diễn ra cuối tuần qua, các đại biểu Quốc hội tập trung bàn giải pháp cách tăng thu, cắt giảm triệt để các khoản chi xây dựng các công trình, trụ sở “hoành tráng”. >>> Quốc lộ 1A: 200 lễ khởi công, động thổ mới đủ! >>> Tăng đầu tư công: Nhất trí nới, nhưng rất lo >>> Không ai muốn tăng bội chi, nhưng không tăng không được >>> Trụ sở nhiều cơ quan công quyền lộng lẫy như cung điện

“Cân đối ngân sách nhà nước năm nay và cả năm 2014 hết sức khó khăn, vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã phải dành tới 10 ngày làm việc để tính toán, cân nhắc xem mức bội chi năm nay và năm 2014 ở mức bao nhiêu là hợp lý”, ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho biết.

Ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ngân sách năm nay hụt thu 63.630 tỷ đồng. Trong điều kiện này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm chi tiêu được 22.700 tỷ đồng, số còn lại sử dụng một phần trong Quỹ Dự trữ tài chính để bù đắp.

“Nếu sử dụng 70% số dư của Quỹ Dự trữ tài chính để bù đắp, thay vì sử dụng tối đa 30% như quy định, thì ngân sách vẫn còn thiếu tới 33.500 tỷ đồng. Vì vậy, Quốc hội nên chấp thuận mức bội chi năm nay lên 5,3% GDP để Chính phủ có thêm đúng 33.500 tỷ đồng xử lý số tiền mà ngân sách buộc phải nợ nếu không tăng bội chi”, ông Thụ nói.

Ngân sách năm 2014 chắc chắn rất khó khăn (dự toán thu 782.700 tỷ đồng, giảm 33.300 tỷ so với dự toán năm 2013), theo ông Thụ, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải hết sức cân nhắc khi ban hành bất cứ chính sách nào làm tăng chi, trong đó đặc biệt phải cắt giảm triệt để việc mua sắm ô tô công, xây dựng trụ sở mới, khởi công các dự án ngoài Danh mục đã được phê duyệt, hạn chế đi công tác nước ngoài…

Ngân sách năm nào cũng bội chi, theo đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) có nguyên nhân cơ bản là chi tiêu “vung tay quá trán”; công trình nào, dự án nào cũng xây dựng hoành tráng, cũng muốn đứng vào “tốp này, tốp nọ”…

“Cây cầu chỉ cần rộng 15 - 20 m là đủ, nhưng người ta vẫn xây dựng 30 - 40 m; trụ sở công quyền, các cơ quan, đoàn thể chỉ cần vừa đủ công năng sử dụng, nhưng người ta vẫn xây dựng hoành tráng… Bội chi nằm ở đó, chứ ở đâu”, ông Lịch phân tích.

Đánh giá rất cao quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng trong việc tiết kiệm cho ngân sách 15.000 tỷ đồng qua việc cắt giảm, điều chỉnh những khoản đầu tư không cần thiết đối với 3 dự án của ngành giao thông - vận tải, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị Chính phủ phải rà soát, cắt giảm, loại bỏ tất cả những khoản đầu tư không cần thiết đối với các dự án sử dụng 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2014 - 2016.

Cũng như các đại biểu Quốc hội khác, ông Lịch đồng tình với đề nghị nâng bội chi, phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, nhưng theo ông Lịch, quyết định này sẽ khiến Thống đốc Nguyễn Văn Bình khó khăn hơn rất nhiều trong điều hành chính sách tiền tệ và chống lạm phát, vì lượng tiền bơm ra lưu thông nhiều hơn.

“Số tiền mà ngân sách huy động lên tới 400.000 tỷ đồng sẽ ảnh hưởng ngay tới mục tiêu tăng dư nợ tín dụng năm 2014 là 14%. Nhưng quan trọng không kém là số tiền này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu và đầu tư.

Vì vậy, tôi đề nghị phải thu cổ tức của nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, lấy tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội để giảm bội chi và giảm khối lượng huy động trái phiếu chính phủ kể từ năm 2015 trở đi”, ông Lịch đề xuất vì lo ngại, nếu tiếp tục nâng bội chi và phát hành trái phiếu chính phủ thì chỉ vài năm nữa, ngân sách nhà nước sẽ vô cùng nguy hiểm do phải dành tới trên 30% tổng chi để trả nợ gốc và lãi.

“Để chúng tôi yên tâm “bấm nút” thông qua Dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng tăng thu, giảm chi của năm tới”, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) phát biểu.

Ông Kiêm cho rằng, hiện có nhiều khoản có thể tăng thu chưa được làm rõ, như thu từ tài nguyên, khoáng sản; thu từ việc chống thất thu, nợ đọng, từ hoạt động chống chuyển giá…, đặc biệt là khoản thu cổ tức nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

“Cùng với việc sửa đổi Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu đẩy mạnh chống thất thu từ tài nguyên, khoáng sản, nợ đọng, chuyển giá…, thì mới bảo đảm an toàn cho ngân sách”, ông Kiêm nhận định.

Tăng đầu tư công: Nhất trí nới, nhưng rất lo
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu quốc hội đồng thuận với giải pháp cấp bách là tăng đầu tư công để cứu nền kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư