Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chặng nước rút cho xây dựng đặc khu
Hà Nguyễn - 27/04/2018 09:27
 
Đang là chặng nước rút để chuẩn bị cho việc phát triển các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, bởi chỉ còn 1 tháng nữa, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua, làm cơ sở cho việc hình thành các đặc khu.

Việc nào đã rõ, cần làm ngay

Đang ở chặng nước rút, nên thời gian gần đây, liên tiếp các hội nghị, hội thảo về đặc khu được tổ chức. Từ thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, rồi Hội nghị trực tuyến về Xây dựng hệ thống chính trị tại đặc khu, hay Hội nghị phản biện xã hội Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt…

Một điều khá rõ là, phần lớn ý kiến đồng tình với việc sớm thông qua Dự thảo Luật, cũng như hình thành các đặc khu. “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, Dự thảo Luật không trái Hiến pháp, các nội dung quan trọng đã được thống nhất, chúng ta phải bàn để ra Luật, chứ không thể không ra Luật”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Phú Quốc có nhiều lợi thế phát triển khi trở thành đặc khu. Ảnh: Đức Thanh
Phú Quốc có nhiều lợi thế phát triển khi trở thành đặc khu. Ảnh: Đức Thanh

Còn ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, tại Hội nghị trực tuyến về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đã khẳng định: “Việc nào đã rõ, cần làm ngay”.

Việc rõ nhất, ở vào thời điểm hiện tại, đó là mô hình tổ chức chính quyền đặc khu, được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có cả HĐND và UBND, nhưng chỉ tổ chức một cấp và trao quyền cho chủ tịch UBND đặc khu. Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình rất lớn từ dư luận.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, nhân sự cho vị trí cao nhất của đặc khu sẽ được thực hiện như thế nào?

Liên quan vấn đề này, Ban Tổ chức Trung ương đưa ra 2 phương án đối với bí thư đảng ủy đặc khu: hoặc đồng thời là chủ tịch HĐND, là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy; hoặc đồng thời là chủ tịch UBND đặc khu, ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh.

Trong 2 phương án trên, cả 3 địa phương là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang đều nhất trí phương án bí thư đảng ủy đặc khu, kiêm chủ tịch UBND, do một phó chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm.

Phương án này cũng nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu tham gia Hội nghị trực tuyến về Xây dựng hệ thống chính trị tại đặc khu. Bởi vậy, ông Phạm Minh Chính cho rằng, nguyên tắc là “không để trống quyền lực”, phải nghiên cứu, đề xuất để thực hiện theo hướng chính quyền cũ phải tổ chức bầu được chính quyền mới để khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành là thực hiện được ngay.

Thể chế, chính sách tại các đặc khu không trái với Hiến pháp, có tính vượt trội, thông thoáng, có lợi thế để cạnh tranh quốc tế. Chính sách phải nhất quán, ổn định...

“Trong việc xây dựng đặc khu, những việc đã rõ thì cần thực hiện ngay, những việc mới chưa được quy định hoặc những việc đã quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn thực nghiệm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện và mở rộng dần”, ông Phạm Minh Chính nói.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã từng đề cập rằng, sẽ tiến hành bầu cử HĐND, UBND đặc khu bằng cách vận dụng chương 9 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, chỉ mất 30 ngày là có thể hoàn tất việc bầu cử, chứ không phải là 100 ngày như thông thường. Nhiệm kỳ trước mắt sẽ chỉ kéo dài tới năm 2021, để sau đó, “cùng pha” bầu cử với cả nước.

Mấu chốt vẫn phải là có thể chế đột phá, vượt trội

Lại một lần nữa, chuyện thể chế, chính sách đột phá, vượt trội được nhắc tới khi các hội nghị, hội thảo về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được tổ chức trong giai đoạn nước rút.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần phải làm rõ, chúng ta muốn “tạo ra cái gì” và “vượt trội so với ai, cái gì”. 

“Chúng ta là nước đi sau, để có thể vượt các nước đi trước trong phát triển đặc khu, thì thể chế, chính sách phải vượt trội so với các đặc khu đó, chứ không phải vượt trội so với chính sách của một khu đảo hoang nào đó. Nếu không vượt trội so với đặc khu ở Trung Quốc, ở Thái Lan…, thì tính hấp dẫn trong bối cảnh toàn cầu hóa không còn ý nghĩa nữa”, TS. Trần Đình Thiên nói và bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng rằng, không nên thu hẹp ưu đãi nữa, bởi nếu không thì “sẽ không có gì là vượt trội” cả.

Có cùng quan điểm, TSKH. Võ Đại Lược, chuyên gia kinh tế một lần nữa khẳng định chuyện “cơ chế đặc thù mới là quan trọng trong phát triển đặc khu”. “Chúng ta phải xác định, phát triển đặc khu là để thu hút nguồn lực nước ngoài để phát triển, làm sao để các đặc khu trở thành các đô thị cao cấp, là nơi phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ cao cấp... Do đó, vấn đề chính phải là tạo thể chế đặc biệt để nhà đầu tư có thể… kiếm tiền ở đặc khu”, TSKH. Võ Đại Lược nói.

Đây là quan điểm cần có sự nhất quán, bởi thực tế hiện nay, vẫn không ít ý kiến cho rằng, không nên tạo quá nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư tại đặc khu. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới. Tinh thần là không cầu toàn, phải khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho 3 đặc khu, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững. 

“Thể chế, chính sách tại các đặc khu không trái với Hiến pháp, có tính vượt trội, thông thoáng, có lợi thế để cạnh tranh quốc tế. Chính sách phải nhất quán, ổn định và lâu dài”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự án đã thực hiện có được “hồi tố” ưu đãi ở đặc khu
Một câu hỏi đã được đặt ra từ lâu. Đó là liệu các chính sách ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư