Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chắt chiu từng cơ hội cho tăng trưởng GDP
Hà Nguyễn - 30/08/2017 08:15
 
Nền kinh tế Việt Nam đang thực sự chắt chiu từng cơ hội để có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP trong năm nay.
TIN LIÊN QUAN

Những tín hiệu tích cực

Vẫn là những dấu cộng (+) được đặt trước các con số thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2017, do Tổng cục Thống kê công bố ngày hôm qua (29/8). Điều này chứng tỏ, nền kinh tế đang tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn.

Con số cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng qua tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn mức tăng 6,5% của 7 tháng năm nay.

Sản xuất công nghiệp  trong 8 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 6,7%. Ảnh: Đức Thanh
Sản xuất công nghiệp trong 8 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 6,7%. Ảnh: Đức Thanh

Trong khi đó, số liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 8 tháng qua, cả nước có 85.357 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 822.116 tỷ đồng, tăng 16,3% về số doanh nghiệp và tăng 44,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Nếu tính cả 1.108.300 tỷ đồng của gần 24.700 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, thì tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2017 là 1.930.456 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 19.154 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên hơn 104.511 doanh nghiệp. Một con số rất tích cực.

Vẫn là những con số thống kê. Trong 8 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 133,50 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 37,83 tỷ USD, tăng 15,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,67 tỷ USD, tăng 18,9%.

Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt đạt 23,4 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Còn giải ngân vốn đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 166.400 tỷ đồng, bằng 56,1% kế hoạch năm và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2016…

Đúng là, không quá khó để tìm ra những số liệu thống kê tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm. Một điểm rất dễ nhận thấy trong bức tranh kinh tế này là gam màu sáng đang lấn át mảng màu xám.

Chắt chiu từng cơ hội

Thực sự, nền kinh tế Việt Nam đang chắt chiu từng cơ hội để có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP trong năm nay. Điều đó thể hiện ngay trong hàng loạt chỉ thị, chỉ đạo vừa được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành từ đầu tháng 8 tới nay, liên quan tới các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, kích cầu tiêu dùng

Vì chắt chiu từng cơ hội trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nên không thể kỳ vọng tốc độ tăng trưởng đột phá. Tuy nhiên, qua từng tháng, có thể thấy rất rõ xu hướng nhích lần, từng bước chậm mà chắc. Không chỉ sản xuất công nghiệp hồi phục dần, mà giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng được cải thiện. Trong 8 tháng, con số là đạt trên 56% kế hoạch.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với việc các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt và triệt để các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, đặc biệt trong Nghị quyết 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, thì kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm sẽ được đẩy cao, sẽ đạt yêu cầu của Chính phủ.

Giải ngân vốn đầu tư được cải thiện, đạt kế hoạch đề ra là một trong những biện pháp góp phần quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Suốt từ đầu năm tới nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn lo lắng trước tình hình giải ngân vốn đầu tư chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Không chỉ thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy đầu tư, chưa bao giờ nền kinh tế đón nhận các giải pháp mang tính toàn diện và tổng lực để thúc đẩy tăng trưởng như hiện nay. Kích cầu đầu tư cũng đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc tới và hiện nay, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế đang cùng thảo luận để tìm ra, đâu là biện pháp hiệu quả để kích cầu nội địa.

Con số đầy hy vọng, đó là 8 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.580.200 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng là 8,9% (cao hơn mức tăng 8,5% của cùng kỳ năm 2016).

Nhờ sự cải thiện của chỉ số này, GDP - nếu tính theo phương pháp sử dụng cuối cùng (tức là từ phía cầu) - cũng sẽ nhích dần lên. Quan trọng hơn, bằng nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, xuất siêu đã quay trở lại trong tháng 7 và tháng 8. Tháng 7, nền kinh tế xuất siêu 266 triệu USD, còn tháng 8, con số ước tính là 400 triệu USD, đưa nhập siêu trong 8 tháng ước chỉ còn 2,13 tỷ USD. Chênh lệch cán cân thương mại giảm cũng là yếu tố quan trọng để tăng trưởng GDP được cải thiện.

Theo dự báo kịch bản tăng trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý III/2017, nền kinh tế có thể tăng trưởng 7,23%, quý IV là 7,42%, để cả năm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Điều quan trọng, trong bối cảnh hàng loạt giải pháp thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Trong 8 tháng, lạm phát dừng ở con số 3,84%, thấp hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Chính phủ đặt ra trong năm nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư