Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Chất vấn Bộ trưởng Công thương, doanh nghiệp trăn trở về khó khăn của công nghiệp hỗ trợ
Khánh Linh - 04/06/2024 07:11
 
Gửi kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Công thương trước phiên chất vấn, các doanh nghiệp đặt vấn đề có quá ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và quá khó để tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất của doanh nghiệp FDI.

Bao giờ có Luật Công nghiệp hỗ trợ?

“Hiệp hội đã có nhiều lần kiến nghị sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, chúng tôi tiếp tục gửi đề xuất này”, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ với phóng viên báo Đầu tư trước thềm phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương, sẽ bắt đầu vào chiều nay, 4/6/2024.

.
 Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HANSIBA báo cáo tiến độ Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội

Trong văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tình hình và đề xuất những giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vào tháng 12/2021, Hansiba đã kiến nghị Chính phủ xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội để ban hành trong thời gian sớm nhất.

Quan điểm được đưa ra trong công văn gửi Thủ tướng khi đó là sự thiếu hụt các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chính là thị phần bỏ ngỏ đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam trên sân nhà. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, cơ hội lần thứ nhất của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đã trôi qua khi sau 35 năm Việt Nam mở cửa, thu hút FDI, tỷ lệ doanh nghiệp Việt tham gia được vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp FDI khá thấp.

Nguyên nhân là, một mặt, các doanh nghiệp FDI có chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp cùng quốc tịch, nên việc các doanh nghiệp FDI chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tham gia rất hạn chế. Mặt khác, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp khá xa so với yêu cầu. Hơn nữa, theo HANSIBA, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn rất ít, chỉ khoảng 0,2% trong tổng số khoảng 900 ngàn doanh nghiệp Việt Nam.

Sau vài năm, tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện, dù các chính sách liên quan đến phát triển doanh ngiệp hỗ trợ đã được ban hành không ít.

“Doanh nghiệp phải có được chỗ đứng tại thị trường trong nước rồi mới có thể len chân vào thị phần chế biến – chế tạo công nghiệp hỗ trợ của thế giới. Chúng tôi đề nghị sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ, vì có nền tảng thể chế tốt, chúng ta mới có con đường đi đúng. Trên cơ sở đó, các cơ quan bộ, ngành, trung ương, địa phương và các hiệp hội có được định hướng để hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ”, ông Hoàng làm rõ đề xuất.

Cụ thể, Chủ tịch HANSIBA kiến nghị, cần xây dựng quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong quy hoạch phát triển vùng kinh tế, khai thác hiệu quả mối liên kết theo từng ngành, ô tô, điện tử, công nghiệp đóng tàu, nông – ngư nghiệp, dệt may, da giày... thay vì “tỉnh tỉnh, thành thành” cùng phát triển, dẫn đến lãng phí nguỗn lực, cạnh tranh lẫn nhau.

Ở phía doanh nghiệp, cần sớm có chính sách thí điểm về công nghiệp hỗ trợ và có thể hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vốn, lao động, hạ tầng nhà xưởng, các khu công nghiệp chuyên sâu...

“Đặc biệt, việc kết nối đầu ra giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam là rất quan trọng”, ông Nguyễn Hoàng kiến nghị.

Cần khuyến khích doanh nghiệp FDI tăng tỷ lệ nội địa hóa

Cùng mối quan ngại về những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong việc len chân vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp FDI, ông Ngô Ngọc Khánh, Phó chủ tịch Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (Liên minh VISA) đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Khánh cho biết, Liên minh VISA đang rất nỗ lực tìm cách kết nối các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, như liên hệ, thiết kế các cuộc đánh giá năng lực, nhu cầu giữa các bên, để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI cùng nhu cầu...

“Hiệp hội, doanh nghiệp thì chỉ làm được đến đó, còn thúc đẩy hơn nữa thì cần chính sách, cần vai trò của Nhà nước. Vì thực tế, khi đầu tư tại Việt Nam, đa phần các tập đoàn, doanh nghiệp FDI lớn, nắm đầu chuỗi đi cùng với các doanh nghiệp FDI khác trong chuỗi giá trị đã được hình thành.

“Những chính sách bắt buộc tăng tỷ lệ nội địa hóa có thể không phù hợp, nhưng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI sử dụng các nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất tại Việt Nam thì rất cần, để các doanh nghiệp FDI có động lực kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Ngô Ngọc Khánh gửi gắm kiến nghị.

Cùng với đó, Liên minh VISA cũng đề xuất các chính sách về vốn, đào tạo... để doanh nghiệp ngành công nghiệp Việt Nam có nguồn lực thực hiện chuyển đổi xanh, đầu tư đổi mới công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu. Thậm chí, ông Khánh nhắc tới cơ chế ưu đãi thuế dành cho các đơn hàng bán cho các doanh nghiệp FDI tương tự như với đơn hàng xuất khẩu, để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới, tiếp cận các yêu cầu mới của thị trường.

“Đơn hàng đã quay trở lại, đúng nhưng không phải đã nhiều đâu, nhất là khi các đơn hàng đang đòi hỏi tiêu chí, tiêu chuẩn cao hơn, xanh hơn... không phải chỉ từ thị trường xuất khẩu mà chính từ các doanh nghiệp FDI”, ông Khánh cho biết.

Đề xuất giải pháp dài hạn hơn, ông kiến nghị xây dựng Luật Công nghiệp. “Việt Nam muốn hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nhưng giờ vẫn chưa có Luật Công nghiệp. Chúng tôi đề xuất cần xây dựng Luật này, để có hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp trong ngành phát triển”, ông Khánh kiến nghị.

Bộ Công thương: Còn hạn chế trong chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Trước đó, trong báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Bộ Công thương, bức tranh doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có nhiều điểm tích cực.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, cắt giảm chí phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia, tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Hoạt động công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như ngành dệt may - da giầy đạt 45-50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%.

Tuy vậy, Bộ Công thương cũng nhìn nhận, việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn còn những tồn tại, hạn chế.

Như là, hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi còn hạn chế; Việc phổ biến, tuyên truyền về các chính sách ưu đãi đến cộng đồng các doanh nghiệp còn hạn chế và chưa được thực hiện thường xuyên, trên phạm vi rộng. Sự hiểu biết của một bộ phận doanh nghiệp về các quy định chính sách của Nhà nước còn hạn chế.

Nguyên nhân, Bộ Công thương cho là do đặc thù của sản xuất công nghiệp hỗ trợ và xuất phát điểm thấp, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp trong quá trình thực thi chính sách;

Một bộ phận doanh nghiệp CNHT chưa quan tâm, chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ; do nguồn lực hạn chế nên thường không có bộ phận chuyên trách để nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách ưu đãi...

Một số giải pháp khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Bộ Công thương:

1. Nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm để tạo nền tảng pháp lý thống nhất, vững chắc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ;
2. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2035 (tập trung công nghiệp hỗ trợ các ngành điện tử thông minh, ô-tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may-da giày); có cơ chế khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp FDI liên kết doanh nghiệp quốc gia, thành lập các liên minh sản xuất, tạo hệ thống nhà cung ứng tại chỗ và nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ;
3. Triển khai hiệu quả Nghị định 32/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công;
4. Phân bổ hợp lý các nguồn lực quốc gia từ Trung ương đến địa phương để tập trung phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên như vật liệu, cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ, các ngành Việt Nam có lợi thế sử dụng lao động và xuất khẩu;
5. Nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ, vận hành hiệu quả Chương trình phát triển CNHT;
6. Đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo hướng gắn liền với yêu cầu nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa hóa; ban hành chính sách ưu đãi về tín dụng, tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu tiếp cận với nguồn vốn tín dụng và nguồn tài chính hiệu quả để thúc đẩy khoa học và công nghệ, các hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm;
7. Hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ;
8. Tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh), cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam; từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTAs đã ký kết;
9. Triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong nước, gắn với chú trọng phát triển các ngành ưu tiên như ô-tô, cơ khí nông nghiệp, đường sắt; hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cơ khí, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và khai thác các thị trường tiềm năng ở ASEAN, châu Phi, Tây Á.

Nguồn: Báo cáo của Bộ Công thương gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội XV
332 đại biểu chọn chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương
Với lĩnh vực công thương, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung nội dung chất vấn về an ninh năng lượng, việc mua điện từ nước ngoài, giải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư