Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chiến lược dành cho bảo hiểm
Ngọc Lan - 18/02/2013 10:00
 
Thời gian qua, một số tập đoàn tài chính - bảo hiểm “lui quân” không phải “lỗi” tại thị trường Việt Nam, mà do chiến lược tập trung của các tập đoàn này thay đổi.
TIN LIÊN QUAN

Khi “gà không đẻ ngay trứng vàng”

Thị trường bảo hiểm Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển đã chứng kiến những cuộc “rút quân” của nhiều tập đoàn tài chính - bảo hiểm lớn. Diễn biến mới nhất là HSBC rút vốn khỏi Bảo Việt, hay một tập đoàn tài chính Hàn Quốc đến tìm hiểu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ rồi lặng lẽ rút lui, trước đó có Tập đoàn New York Life của Mỹ và Bảo hiểm Allianz của Pháp…

Có ý kiến cho rằng, việc đến và đi của các tập đoàn bảo hiểm lớn ở thị trường Việt Nam thực ra không có gì nghiêm trọng, bởi đó chỉ là những cuộc “dạo chơi” để thăm dò thị trường và ở ngành nào cũng vậy. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế không cho là như vậy.

Khi thâm nhập vào một thị trường mới thì tầm nhìn dài hạn là rất quan trọng

Trao đổi với ĐTCK về hiện tượng nêu trên, lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam nói rằng, không thể gọi đây là “cuộc dạo chơi”, vì khi những tập đoàn tài chính đã quyết định đầu tư vào thị trường nào, họ đều có những tính toán kỹ lưỡng, nhưng khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra khiến mọi dự liệu bị chệch hướng. Khó khăn ngay từ “trong nhà” khiến các tập đoàn này phải thay đổi kế hoạch đầu tư mở rộng. Trường hợp “rút quân” của Tập đoàn NewYork Life thì có hơi khác một chút, bởi lý do không hẳn vì suy thoái kinh tế. Thời điểm đó, tập đoàn này muốn tập trung vào những thị trường lớn hơn, trong đó có Trung Quốc.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia nhận xét, việc một số tập đoàn tài chính - bảo hiểm rút khỏi thị trường Việt Nam không phải “lỗi” tại thị trường Việt Nam, mà do chiến lược tập trung của các tập đoàn này thay đổi. Trước đây, nhiều tập đoàn tài chính - bảo hiểm coi châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là thị trường tiềm năng cần phải đầu tư lâu dài, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như bản thân tập đoàn gặp khó khăn, họ đã suy nghĩ lại: dồn lực vào một thị trường nào đó đang được coi là “con gà đẻ ngay trứng vàng”, chứ không phải ở dạng tiềm năng như Việt Nam.

Thực tế, thị trường bảo hiểm châu Á, trong đó có Việt Nam tuy “màu mỡ”, nhưng cần phải đầu tư dài hạn, chứ chưa thể khai thác và thu lợi ngay. Trong khi đó, với những giai đoạn kinh tế khó khăn, các tập đoàn thường tập trung vào các thị trường “sắp đến ngày hái quả”, chứ không phải thị trường cần đầu tư “nuôi quân” thêm.

“Mỗi nhà đầu tư có một chiến lược riêng, có thể ‘đánh nhanh, thắng nhanh’ hoặc “nuôi quân” lâu dài tại ‘mảnh đất’ sắp đến khai phá. Tuy nhiên, với ngành bảo hiểm có thể khẳng định, không thể dùng chiến lược ‘đánh nhanh, thắng nhanh’. Nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào ngành này đều phải rất kiên nhẫn”, một chuyên gia trong ngành nhấn mạnh.

Cần tầm nhìn và cam kết dài hạn

Theo ông Stephen Clark, Tổng giám đốc AIA Việt Nam, luôn có nhiều rủi ro khi tham gia các thị trường mới, đặc biệt là thị trường mới nổi. Vì vậy, sẽ rất khó để một công ty quyết định nghiêm túc về việc gia nhập một thị trường mới như Việt Nam, nếu không có được đầy đủ các cam kết để thành công. Để giảm thiểu rủi ro từ việc thâm nhập một thị trường mới, một trong những cách tiếp cận là khởi đầu bằng việc hợp tác với các đối tác trong nước. Điều này sẽ giúp các công ty nước ngoài tích lũy kinh nghiệm, cũng như hiểu rõ hơn về thị trường và thực tiễn của địa phương. Ngược lại, các đối tác nội địa nhận được lợi ích từ việc chuyển giao các kỹ năng và trong một số mối quan hệ hợp tác, còn nhận được nguồn vốn đầu tư mới.

Thực tế những năm gần đây cho thấy, hợp tác với các đối tác trong nước là cách đầu tư của không ít tập đoàn tài chính - bảo hiểm khi quyết đầu tư vào thị trường bảo hiểm Việt Nam. Chẳng hạn, Tập đoàn IAG của Úc “bắt tay” với Bảo hiểm AAA; Tập đoàn tài chính - bảo hiểm Sun Life Financial của Canada ký hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần PVI để thành lập PVI Sun Life. Trước đó, Bảo hiểm Nhân thọ Vietinbank Aviva được thành lập, là liên doanh giữa Vietinbank và Tập đoàn Bảo hiểm Aviva của Anh; Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank - Cardif được thành lập với 3 cổ đông sáng lập là Vietcombank, Cardif (thuộc Tập đoàn tài chính quốc tế BNP Paribas) và SeABank.

Ông Stephen Clark cho rằng, đối với công ty bảo hiểm nhân thọ, khi thâm nhập vào một thị trường mới thì tầm nhìn dài hạn là rất quan trọng. Bởi các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực trong suốt cuộc đời của người chủ hợp đồng bảo hiểm, do đó công tác quản lý và sự hỗ trợ về dịch vụ cũng như bồi thường cần phải được cung cấp trong khoảng thời gian này. Mỗi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán cho khách hàng cần phải được chăm sóc cho đến khi hợp đồng chấm dứt, cho dù đó là trường hợp hủy hợp đồng, hợp đồng đáo hạn hoặc là bồi thường tử vong. Điều này cần một cam kết dài hạn của các công ty bảo hiểm nhân thọ đối với khách hàng.

Dự báo 2013

Có thể thị trường bảo hiểm Việt Nam chưa là “con gà đẻ trứng vàng” ngay như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, xét về tương lai dài hạn, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn được nhận định là điểm đến mơ ước, bởi dân số đông và trẻ, tỷ lệ sở hữu bảo hiểm của người dân còn rất thấp, trong khi nhận thức của người dân về bảo hiểm ngày càng được nâng cao và thị trường bảo hiểm Việt Nam luôn “mở cửa” chào đón các nhà đầu tư đủ điều kiện, đủ kiên nhẫn…

Được biết, các cơ quan chức năng đang xem xét cấp giấy phép cho một số nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Năm 2013, thị trường bảo hiểm được dự báo tiếp tục sôi động, dù các chỉ tiêu tăng trưởng dự kiến không bằng những năm trước và nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra kế hoạch phát triển thận trọng. Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) dự báo, trong năm 2013, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 44.685 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2012. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 24.942 tỷ đồng, tăng 10% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khoảng 19.743 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2012.

CEO của một số tập đoàn bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam nhận xét, những khó khăn ngắn hạn sẽ sớm được giải quyết, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng sẽ phục hồi mạnh mẽ. Xét trên nhiều khía cạnh, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn là điểm đầu tư cần phải đến.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư