Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 07 tháng 11 năm 2024,
Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội
Nguyễn Lê - 28/10/2024 15:52
 
Tuổi nghỉ hưu của sĩ quan theo luật hiện hành là cơ bản phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự, tuy nhiên chưa tận dụng được nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe
.
Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiếp tục Kỳ họp thứ tám, chiều 28/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phan Văn Giang thừa ủy quyền của Thủ tướng trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết, dự án luật sửa đổi 3 chính sách và nội dung được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi bổ sung quy định tuổi phục vụ của sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị.

Theo dự thảo luật, Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở hầu hết cấp bậc quân hàm.

Cụ thể, với cấp úy, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) tăng từ 46 tuổi lên 50 tuổi. Thiếu tá từ 48 tuổi lên 52 tuổi. Trung tá từ 51 tuổi lên 54 tuổi. Thượng tá từ 54 lên 56 tuổi. Đại tá từ 57 tuổi (đối với nam) và 55 tuổi (đối với nữ) lên 58 tuổi (không phân biệt nam, nữ).

Cấp tướng vẫn giữ nguyên là 60 tuổi đối với nam, đối với nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi.

Về tuổi nghỉ hưu của sĩ quan dự bị (gồm những sĩ quan thuộc lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý, huấn luyện để sẵn sàng huy động vào phục vụ tại ngũ) cũng được đề xuất tăng lên.

Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của cấp úy sĩ quan dự bị tăng từ 51 lên 53 tuổi. Thiếu tá từ 53 lên 55 tuổi. Trung tá từ 56 lên 57 tuổi. Thượng tá từ 57 lên 59 tuổi. Đại tá từ 60 lên 61 tuổi. Cấp tướng giữ nguyên mức 63 tuổi.

Đối với chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã hạn tuổi phục vụ cao nhất thực hiện theo quy định của bộ luật Lao động.

Tờ trình nêu rõ, tuổi nghỉ hưu của sĩ quan theo luật hiện hành là cơ bản phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự. Tuy nhiên chưa tận dụng được nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe; chưa bảo đảm chế độ, chính sách cho một bộ phận cán bộ khi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%. Vì vậy, nâng tuổi phục vụ tại ngũ sẽ bảo đảm cho sĩ quan cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%, thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ Quân đội. Mặt khác, việc tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan còn bảo đảm kịp thời phục vụ công tác nhân sự cán bộ cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Bên cạnh nội dung trên, Dự thảo luật cũng đề nghị sửa đổi bổ sung quy định chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan.

Bộ trưởng nói, Luật Sỹ quan hiện hành quy định sĩ quan có 11 chức vụ cơ bản, trong đó, không quy định chức vụ cơ bản là cấp phó nên chưa cụ thể hóa các chức vụ, chức danh theo quy định của Bộ Chính trị. Do đó, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật trình Quốc hội lần này.

Ngoài ra, dự án luật cũng bổ sung quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan là cấp tướng, cấp tá, cấp úy.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, một số đơn vị đã có sự điều chỉnh, phát triển về quy mô tổ chức, biên chế, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và được điều chỉnh chức vụ, chức danh tương đương Tư lệnh, Chính ủy Binh chủng chưa được điều chỉnh.

Do đó, cần điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm cân đối giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, thể hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, tạo động lực cho lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ.

Đồng thời, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có bậc quân hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới nêu, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật.

Ông Tới cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam các mức khác nhau.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nữ cấp bậc quân hàm đại tá để phù hợp với quy định của bộ luật Lao động và luật Bảo hiểm xã hội, đảm bảo bình đẳng giới và tận dụng nguồn nhân lực nữ có trình độ, kinh nghiệm trong quân đội.

Về cấp bậc hàm cao nhất đối với các chức vụ sĩ quan trong quân đội, ông Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cơ bản nhất trí đề xuất giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể số lượng cấp bậc quân hàm trung tướng, thiếu tướng làm căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết; rà soát vị trí sĩ quan biệt phái có trần quân hàm cấp tướng cho phù hợp với quy định tổng số sĩ quan cấp tướng tại ngũ trong quân đội không quá 415.

Ngay sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư