Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chinh phục người sống có gu, bia chưng cất thủ công "hốt bạc" tại Hà Nội, TP.HCM
Anh Hoa - 02/11/2019 09:55
 
Sự xuất hiện của hàng chục xưởng, nhà máy làm bia chưng cất thủ công và các thương hiệu craft beer đình đám thế giới ở Việt Nam trong thời gian ngắn không chỉ dần thay đổi thói quen uống bia của người Việt, mà còn trở thành địa hạt “hốt bạc”...
Quy trình sản xuất bia chưng cất thủ công thường khá công phu, cầu kỳ.
Quy trình sản xuất bia chưng cất thủ công thường khá công phu, cầu kỳ.

Trong men bia, ký ức ùa về...

“Nếu muốn quên đi hiện tại, sao không tìm về quá khứ” - lời giới thiệu về dòng bia chưng cất thủ công (Craft beer) mang tên “Ký ức ùa về” của Tiệm Bia Sành điệu ở Trung Hoà (Cầu Giấy) hay Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng) ở Hà Nội khiến thực khách tò mò và muốn thưởng thức ngay. Hương vị chanh leo thơm mát, tinh tế, lan tỏa ngay đầu mũi gợi nhớ đến quá khứ êm đềm, khiến ai cũng muốn đắm chìm. Cũng có vài dòng mạnh mẽ hơn, như “Giọt đắng” hay “Điếc không sợ súng”… dành cho những thực khách muốn trải nghiệm nhiều cảm xúc.

Mặc dù mới ra mắt thị trường cuối năm 2018, nhưng Bia Sành điệu với những ly bia thưởng thức ngay sau khi rót tại vòi đang âm thầm tạo nên sức hút mới, nhất là với giới trẻ.

Bia chưng cất thủ công là khái niệm dành cho loại bia được ủ hay sản xuất tại những xưởng bia có sản lượng nhỏ, áp dụng quy trình ủ bia truyền thống, đặc biệt là kết hợp với những nguyên liệu đa dạng để tạo hương vị riêng biệt.

Giờ đây, khái niệm này không chỉ đơn thuần là tên một loại đồ uống, mà đang trở thành một thứ văn hóa với nghệ thuật thưởng thức vô cùng độc đáo. Làn sóng Craft beer cuộn chảy từ Âu sang Á, âm thầm chinh phục những người sống có gu và đặc biệt sành sỏi về thế giới bia.

Du nhập vào Việt Nam từ năm 2014, bắt đầu ở Sài Gòn, văn hoá bia chưng cất thủ công ngày càng trở nên phổ biến. Cũng đã có khá nhiều cái tên góp phần làm nên bản sắc rất riêng của bia thủ công “made in Việt Nam”. Bia Sành điệu, Đại Mạch Beer, C-Brewmaster, Platinum, Pasteur Street Brewing, Winking Seal, Heart of Darkness, Fuzzy Logic là một gợi ý trên cả tuyệt vời.

Giới đam mê Craft beer thường nhắc tới 3 yếu tố làm nên tính nghệ thuật của dòng sản phẩm này. Đó là đồ uống với hương vị riêng biệt, đồ ăn đi kèm và không gian. Phần lớn các tiệm bia chưng cất thủ công hiện diện trên thị trường có cả ba.

Đặc biệt, không gian ở đây không phải là hình ảnh xô bồ, ồn ào thường thấy trong các quán bia, mà là nơi ngưng đọng những câu chuyện rộn ràng của tuổi trẻ, những phút cao hứng rất nghệ sĩ của những người bạn thân thiết hay những phút trò chuyện lãng mạn, bay bổng của những người yêu nhau…

Cơn sốt…

Sự phổ biến của Craft beer – bia chưng cất thủ công ở Việt Nam được CNN đánh giá là dấu hiệu cho sự phát triển của nền kinh tế, nơi bia hơi vẫn luôn là sự lựa chọn truyền thống. Thậm chí, những xưởng bia thủ công cầu kỳ, hương vị đặc trưng và không gian đậm chất nghệ thuật đang dần thay đổi thói quen uống bia của giới trung lưu ở đô thị.

Một trong những điểm rất khác biệt của bia thủ công, đó là nhà sản xuất có thể sử dụng nhiều loại hoa quả sẵn có ở địa phương để tạo nên nhiều mùi vị cho sản phẩm, từ quả ca cao đến hạt cà phê, chanh leo, sầu riêng… Tại Việt Nam, đang có khoảng 70 loại bia thủ công với đủ loại mùi vị khác nhau.

Bên cạnh đó, phải kể đến quy trình sản xuất công phu của Craft beer, tạo ra dòng sản phẩm chất lượng cao và giá trị hơn nhiều bia hơi thông thường.

“Với sự phát triển của Internet và công nghệ thông tin, người Việt sẽ muốn trở thành một phần của thế giới. Họ đã nhìn thấy bia thủ công ở Mỹ, rồi sẽ thắc mắc tại sao món này không có ở Việt Nam”, anh John Rein, ông chủ của một xưởng bia Pasteur Street - một trong những tên tuổi đi tiên phong trong lĩnh vực bia thủ công ở Việt Nam từ năm 2015 chia sẻ.

Tuy vậy, thị trường bia chưng cất thủ công ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu. Giá thành vẫn được coi là rào cản lớn để dòng sản phẩm này tạo nên cơn sốt rộng rãi hơn. Giá một cốc bia hơi khoảng dưới 15.000 đồng, trong khi để tận hưởng một ly thuộc dòng Craft beer, khách hàng phải bỏ khoảng từ 100.000 đồng trở lên.

Song, các nhà sáng lập bia thủ công nước ngoài khá tự tin cho rằng, người Việt Nam luôn bắt kịp xu hướng và thị trường luôn có phân khúc người tiêu dùng cao cấp không nhạy cảm với giá cả. Một số nhà kinh doanh đã tìm cách thu hút người tiêu dùng bằng cách đưa việc tham quan khu chưng cất bia vào những trải nghiệm cần có khi đến với Craft beer. Cách này đã tạo nên hiệu ứng tích cực.

Ông Nguyễn Văn Cường, sáng lập Quán bia C-Brewmaster tại 45A Lương Ngọc Quyến kể, lúc đầu 90% là người nước ngoài đến thưởng thức. Trong số người Việt ít ỏi tìm đến, thì hầu hết từng đi học, đi làm và sống ở nước ngoài và đã biết về dòng bia chưng cất thủ công.

Theo dự báo của Statista – Cổng thông tin trực tuyến về thống kê của Đức, giai đoạn 2019 - 2023, tốc độ tăng trưởng của thị trường bia Việt Nam là 5,6%/năm. Đến năm 2023, người Việt sẽ tiêu thụ khoảng 5 tỷ lít bia, tương ứng với 9,6 tỷ USD.

Đặc biệt, khi tầng lớp trung lưu tại Việt Nam - đối tượng tiêu dùng chính của craft beer - đang tăng lên nhanh chóng (dự báo sẽ chiếm 23% dân số từ năm 2020, theo nhóm nghiên cứu Boston), những con số trên sẽ gia tăng đáng kể.

Còn bây giờ, tình thế đã đảo ngược khi 70% người Việt, 30% người nước ngoài. Hiện C-Brewmaster có khoảng hơn 50 loại bia khác nhau, với 2 nhà máy ở Việt Nam, sản lượng tăng trưởng 100%/ năm.

Tình hình kinh doanh khả quan cũng diễn ra tương tự với các thương hiệu nhỏ lẻ khác, tạo sóng mới trong trào lưu thưởng thức bia thủ công. Thực trạng này đã kéo theo sự du nhập của các hãng bia thủ công đến từ Mỹ, Đức, Bỉ, với truyền thống gia đình hàng trăm năm.

Hơn 1 năm trước, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đã đưa chuỗi bia thủ công nhập khẩu Mỹ Craftbrew Vietnam chính thức khai trương tại Hà Nội. Ngoài sự kỳ vọng trở thành cầu nối cho các nghệ nhân nấu bia thủ công hàng đầu nước Mỹ, giới sành bia Việt có thêm cơ hội thưởng thức những thương hiệu bia thủ công chất lượng và nổi tiếng của Mỹ như Kona, Lost Coast, Greenflash, Sierra Nevada, Blue Moon...

“Craftbrew Vietnam được xây dựng với mục đích quảng bá bia thủ công từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam và ngược lại”, ông Đào Thế Vinh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Golden Gate chia sẻ.

Ông Vinh tin tưởng vào sự thành công khi đưa các nhãn hiệu bia thủ công Mỹ về Việt Nam, vì ngoài độ nổi tiếng và doanh thu “khủng” từ thị trường Mỹ, tiềm năng và xu hướng bùng nổ dòng bia thủ công tại Việt Nam đang rõ nét.

“Dù Việt Nam là thị trường trẻ đối với bia thủ công, song sẽ sớm hình thành một xu hướng mới”, ông Vinh khẳng định.

Sóng ngầm

Cũng phải nhắc đến sự có mặt đầy ấn tượng của Familienbrauerei Dinkelacker - hãng bia gia đình lớn nhất Stuttgart (Đức) được thành lập bởi Carl Dinkelacker vào năm 1888 tại Việt Nam. Dinkelacker đang để lại tiếng vang lớn với các cái tên: Dinkelacker, Schwaben Bräu, Sanwald từ ba miền Bắc, Trung, Nam được nhập khẩu và phân phối bởi Công ty TNHH MTV Thuận Nhĩ. Tất cả loại bia được ủ tại Dinkelacker đều dùng 100% nguyên liệu địa phương với hoa bia thơm, lúa mạch tốt và nguồn nước tinh khiết.

Những động thái trên phần nào khiến thị trường bia thủ công Việt Nam sóng sánh hơn.

Ông Nguyễn Văn Cường, chủ thương hiệu bia thủ công C-Brewmaster cho rằng, bia thủ công nhập khẩu không phải là lợi thế ở Việt Nam vì sản lượng rất nhỏ, giá cao, người uống ít. Đó là chưa kể, những sản phẩm nhập khẩu phải chịu mức thuế cao, vận chuyển xa nên chất lượng giảm. “Sự thật thường khắc nghiệt”, ông Cường nói.

Trong khi đó, các tên tuổi “non tơ” nội địa lại có tham vọng tiến dần ra các nước đang phát triển lân cận nhằm đưa bia thương hiệu Việt gia nhập làng bia thế giới. Dĩ nhiên, trong giai đoạn đầu, họ chọn Việt Nam làm trọng tâm.

Bởi vậy, dù cạnh tranh gay gắt, nhưng có vẻ như các thương hiệu sẵn sàng bắt tay nhau để lan truyền cảm hứng mới...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư