Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Bia thủ công “nổi sóng”
Anh Hoa - 28/05/2019 16:21
 
Dù Việt Nam là thị trường trẻ đối với bia thủ công, song với thói quen tiêu dùng và sự tăng lên nhanh chóng của tầng lớp trung lưu trong nước, sự xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu bia thủ công tại Việt Nam không phải là không có lý do.
Hương vị đặc biệt, độc đáo của các loại bia thủ công là yếu tố hấp dẫn đối với những người sành bia.
Hương vị đặc biệt, độc đáo của các loại bia thủ công là yếu tố hấp dẫn đối với những người sành bia.

Những hương vị mới

Lâu nay, những người sành bia thường thích uống bia tươi. Bởi sau khi lên men, người ta không lọc mà rót ngay ra cho khách thưởng thức. Bia đúng chuẩn thơm lừng của mạch nha rang cháy, phảng phất nấm men tạo nên hương vị đặc biệt hấp dẫn.

Giờ đây, giới mộ điệu còn có thể nếm thử hàng trăm vị đến từ các dòng bia thủ công (craft beer). Đây là loại bia thể hiện rõ nét cá tính và phong cách của nhà sản xuất, thường với cơ sở nhỏ, sản xuất ít, theo phương pháp truyền thống, kết hợp những nguyên liệu đa dạng tạo hương vị riêng biệt.

Chẳng hạn, East Sea, một loại bia Ale (bia lên men nổi) dành cho mùa hè với nguyên liệu 100% tự nhiên của thương hiệu Platinum rất phổ biến ở thị trường TP.HCM. Vị hoa bia nồng nàn, nhấn nhá chút vị nho và vị cay của thảo mộc, vỏ cam khiến dòng bia này phù hợp với tiết trời oi bức.

Ngoài East Sea, Platinum còn tự hào vì có nhiều loại bia  nhẹ và dễ uống. Platinum là một trong những người tiên phong đặt nền móng cho bia thủ công Việt Nam và sản xuất ra nhiều loại bia thủ công mang mùi vị khác biệt giữa muôn vàn loại lager na ná nhau.

Bạn sẽ cảm nhận được vị cân bằng giữa mạch nha Đức và hoa bia của Mỹ, New Zealand khi thưởng thức Pale Ale - loại bia “đặc sản” của East West, thương hiệu bia thủ công tại TP.HCM của Công ty East West Brewing. Loại bia này có hương thơm của hoa và cam quýt, vị mật ong, hơi cay và thậm chí là hơi khét. East West kết hợp phương pháp nấu bia truyền thống của châu Âu, hiện đại của Mỹ, nhưng cũng thêm vào những tinh túy phương Đông.

Sự cân bằng hoàn hảo giữa hương vị kinh điển Âu Mỹ và bản địa Việt Nam mang đến hậu vị thật sự khác biệt. Ngoài nhập khẩu nguyên liệu chất lượng cao, bia thủ công hiện nay trên thị trường còn sử dụng nguyên liệu bản địa sạch, nấu ủ các loại bia sáng tạo và tinh tế chưa từng có trên thế giới, như bia hoa cau, bia nhân trần cam thảo, bia tía tô, hạt tiêu…

Xuất hiện nhiều “tay chơi”

Xu hướng bia thủ công tại Việt Nam đang phát triển mạnh với ngày càng nhiều các hãng bia thủ công đã, đang và sẽ có mặt trên thị trường.

Platinum, Pasteur Street Brewing, Winking Seal, Heart of Darkness, Fuzzy Logic, C-Brewmaster đang tạo vị thế nhất định với người tiêu dùng. Các nhà sản xuất này không chỉ phân phối bia thủ công trong nước với trên dưới 50 vị bia, mà còn cung cấp tới Lào, Malaysia, Australia, Hồng Kông, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Thị trường không chỉ có các thương hiệu do người Việt tạo nên với hương vị bản địa đậm đà, mà còn có sự xuất hiện của thương hiệu du nhập từ Mỹ.

Gần 1 năm trước, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đã đưa chuỗi bia thủ công nhập khẩu Mỹ Craftbrew Vietnam chính thức khai trương tại Hà Nội. Ngoài sự kỳ vọng trở thành cầu nối cho các nghệ nhân nấu bia thủ công hàng đầu nước Mỹ, giới sành bia Việt có thêm cơ hội thưởng thức những thương hiệu bia thủ công chất lượng và nổi tiếng của Mỹ như Kona, Lost Coast, Greenflash, Sierra Nevada, Blue Moon...

“Craftbrew Vietnam được xây dựng với mục đích quảng bá bia thủ công từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam và ngược lại”, ông Đào Thế Vinh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Golden Gate chia sẻ.

Ông Vinh tin tưởng vào sự thành công khi mang các nhãn hiệu bia thủ công Mỹ về Việt Nam, vì ngoài độ nổi tiếng và doanh thu “khủng” từ thị trường Mỹ, tiềm năng và xu hướng bùng nổ dòng bia thủ công tại Việt Nam đang rõ nét.

Bia thủ công đã tạo nên dấu ấn lịch sử cho ngành bia Mỹ với sự tăng trưởng liên tục trong thời gian qua. Hiện Mỹ có gần 200 dòng bia với hơn 20.000 thương hiệu đến từ hơn 6.000 nhà máy bia. Theo Brewers Association, doanh thu của sản phẩm bia thủ công là 26 tỷ USD (chiếm 23%) trong tổng số 115 tỷ USD doanh thu toàn thị trường bia Mỹ. Đặc biệt, trong khi doanh thu ngành bia nói chung có xu hướng giảm, thì ngành bia thủ công Mỹ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 12,7% và liên tục tăng theo từng năm.

“Dù Việt Nam là thị trường trẻ đối với bia thủ công, song sẽ sớm hình thành một xu hướng mới”, ông Vinh khẳng định.

Động thái của Golden Gate có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của cộng đồng nấu bia thủ công ở Việt Nam. Song ông Nguyễn Văn Cường, chủ thương hiệu bia thủ công C-Brewmaster cho rằng, bia thủ công nhập khẩu không phải là lợi thế ở Việt Nam vì sản lượng rất nhỏ, giá cao, người uống ít. Đó là chưa kể, những sản phẩm nhập khẩu phải chịu mức thuế cao, vận chuyển xa nên chất lượng giảm.

Theo ông Trương Lộc, sáng lập East West Brewing, để người tiêu dùng bỏ ra hơn 100.000 đồng uống một ly bia thủ công là không dễ. Dù vậy, ông Lộc đã thuyết phục khách hàng bằng cách đặt một nhà máy bia ngay trong cửa hàng. Khi có một nhà máy sản xuất các dòng bia này, sẽ giúp khách hàng trực tiếp trải nghiệm và hiểu biết về sản phẩm. Trong khi đó, thương hiệu C-Brewmaster cũng có tới 2 nhà máy sản xuất ở Hà Nội và Tiền Giang, với khoảng hơn 50 loại bia, sản lượng tăng trưởng 100%/năm.

Đối mặt với “ông lớn”

Hãng Nghiên cứu thị trường Statista (Đức) tính toán, tổng doanh thu thị trường bia Việt Nam sẽ đạt con số 7,7 tỷ USD trong năm 2019; bình quân mỗi người Việt chi 79,55 USD cho việc tiêu thụ bia. Về lượng tiêu thụ, người Việt sẽ tiêu thụ khoảng 4,6 tỷ lít bia trong năm 2019, tương đương mỗi người dân tiêu thụ 47,6 lít bia.

Theo dự báo của Statista, giai đoạn 2019 - 2023, tốc độ tăng trưởng của thị trường bia Việt Nam là 5,6%/năm. Đến năm 2023, người Việt sẽ tiêu thụ khoảng 5 tỷ lít bia, tương ứng với 9,6 tỷ USD.

Đặc biệt, khi tầng lớp trung lưu tại Việt Nam - đối tượng tiêu dùng chính của bia thủ công - đang tăng lên nhanh chóng (dự báo sẽ chiếm 23% dân số từ năm 2020, theo nhóm nghiên cứu Boston), bia thủ công sẽ là thị trường ngách “hốt bạc” cho giới kinh doanh.

“Người Việt Nam luôn bắt kịp xu hướng và thị trường luôn có phân khúc người tiêu dùng cao cấp không nhạy cảm với giá cả”, đại diện Pasteur Street - một trong những hãng đi tiên phong trong lĩnh vực bia thủ công ở Việt Nam từ năm 2015 do hai doanh nhân người Mỹ là John Reid và Alex Violette thành lập cho biết.

Phân khúc bia cao cấp là phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhưng đang là sân chơi của các hãng bia ngoại với 5 hãng bia lớn chiếm tỷ trọng tới 92% (chủ yếu là bia lager). Dù bia thủ công mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong thị trường, nhưng các hãng bia lớn ở Việt Nam có thể sẽ bắt đầu chú ý đến sự có mặt của họ. Mức độ cạnh tranh sẽ tiếp tục gia tăng với sự đổ bộ ồ ạt của các hãng bia ngoại.

Trong sân chơi khốc liệt đó, chiến lược tiếp thị của các nhà sản xuất bia thủ công không phải là cạnh tranh về giá hay quảng cáo, mà về chất lượng và sự đa dạng của sản phẩm. Thậm chí, dù cạnh tranh gay gắt, nhưng các thương hiệu cũng sẵn sàng bắt tay nhau để lan truyền cảm hứng thưởng thức các vị bia lạ đối với khách hàng.

Chẳng hạn, Platinum đúc kết được, thị hiếu của khách hàng Việt là ưa chuộng các loại bia không quá đắng. Đó là lý do họ tiếp tục cho ra mắt bia Golden Ale, East Sea, Autumn, bia gừng Rise of the Root, và Thumpin Pumpkin Ale (hợp tác với Rooster Beer).

Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị tăng cường kiểm soát lái xe uống rượu, bia

Trong một báo cáo công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.

WHO khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên giảm khả năng chi trả của người mua bia và rượu bằng cách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; giảm số người trẻ tuổi tiếp xúc với rượu, bia thông qua việc hạn chế quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện truyền thông; giảm sự sẵn có của rượu, bia bằng cách giới hạn thời gian, địa điểm và độ tuổi cho phép tiếp cận rượu bia; tăng cường hơn nữa việc thực thi kiểm soát lái xe uống rượu bia.

Cấm bán rượu, bia trên Internet có giúp giảm tác hại của rượu, bia?
Quy định cấm bán rượu, bia trên Internet là khó khả thi trong thời đại 4.0, thương mại điện tử phát triển mạnh như hiện nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư