Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 30 tháng 06 năm 2024,
Chủ động kiểm soát lạm phát, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô
Hà Nguyễn - 28/06/2024 08:10
 
Việc Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá đã cho thấy sự chủ động, tích cực của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Vui tăng lương, lo lạm phát

Thông tin lương cơ sở sẽ tăng 30%, từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2024 đang được hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức hồ hởi đón nhận trong những ngày gần đây. Dự kiến, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng sẽ được điều chỉnh tăng đến 15%. Nếu được thông qua và áp dụng, đây là mức tăng cao nhất trong lịch sử tăng lương và trợ cấp và điều đó có nghĩa, túi tiền của cán bộ, công chức, viên chức… sẽ dày thêm một phần.

Đó là niềm vui rất lớn. Nhưng mừng đấy, mà cũng lo đấy. Nỗi lo giá cả hàng hóa sẽ “té nước theo lương” không phải bây giờ mới được nhắc tới, mà thậm chí, là nỗi lo thường trực từ nhiều năm nay. Trong các báo cáo gần đây về nội dung này, cả Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều nhắc đến việc áp lực lạm phát đang gia tăng, mà một trong những lý do là việc lương cơ sở sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/7/2024.

Không chỉ lương tăng, mà xu hướng giá cả thị trường gần đây cho thấy, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, sau khi đã được điều chỉnh tăng vào hôm 20/6. Nhiều dự báo cho thấy, trong kỳ điều hành tới, giá xăng dầu có thể sẽ tăng ở mức 400-500 đồng/lít, và điều này sẽ tác động tới CPI của cả nước.

Chính phủ nhất quán quan điểm “ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát” .

Số liệu chính thức về Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 và 6 tháng đầu năm phải ít ngày nữa mới được Tổng cục Thống kê công bố chính thức, song nhìn vào diễn biến CPI từ đầu năm tới nay, có thể hiểu vì sao, lạm phát luôn là nỗi lo chực chờ. Cụ thể, CPI tháng 5/2024 đã tăng tới 4,4% so với cùng kỳ năm 2023, bình quân 5 tháng tăng 4,03%, cao hơn cận dưới mục tiêu cả năm là 4-4,5% và có xu hướng tăng qua từng tháng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhận định rằng, lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương… Chưa kể, còn do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách… trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè, mà hiện đang là mùa cao điểm.

“Tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài. Tâm lý thị trường do kỳ vọng lạm phát, tỷ giá tăng là vấn đề cần quan tâm, nhất là liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ… Do đó, lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Chủ động kiểm soát lạm phát

Nhấn mạnh việc cần theo dõi sát tình hình để kịp thời điều hành giá cả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thực hiện truyền thông một cách thống nhất, hiệu quả, khẳng định quan điểm nhất quán là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Quan điểm nhất quán về việc “ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát” cũng được Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh. Người đứng đầu Chính phủ vừa có công điện gửi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Nếu như với mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng chỉ đạo phải đạt ở ngưỡng cao (6-6,5%), thì với kiểm soát lạm phát, người đứng đầu Chính phủ lại quyết tâm đạt ở ngưỡng thấp (4-4,5%). “Phải bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, phấn đấu đạt khoảng 4%”, Thủ tướng chỉ đạo.

Câu hỏi đặt ra là, liệu lạm phát năm nay có thể đạt mục tiêu đã đề ra? Thực tế, dù lạm phát là nỗi lo chực chờ và trong chỉ đạo điều hành, cả cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, cần phải thận trọng, song các dự báo cho thấy, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4-4,5% vẫn có thể đạt được.

Đã có 3 kịch bản lạm phát được Bộ Tài chính xây dựng và cập nhật. Theo đó, với kịch bản 1, CPI bình quân năm 2024 sẽ tăng khoảng 3,64% so với năm 2023; kịch bản 2, con số là 4,05%; còn kịch bản 3, mức tăng là 4,5%. Nếu diễn biến giá cả thị trường theo kịch bản 2, nền kinh tế đạt được cả mục tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị và Chính phủ phấn đấu.

Các định chế tài chính nước ngoài, mặc dù cũng đã nhấn mạnh việc áp lực lạm phát sẽ gia tăng cùng với đà phục hồi kinh tế, song các con số dự báo đưa ra vẫn nằm trong khoảng mục tiêu mà Quốc hội đặt ra. Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong báo cáo cập nhật kinh tế đưa ra hồi tháng 4/2024, dự báo rằng, lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên mức 4% trong năm 2024 và 2025.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng nhẹ từ mức bình quân 3,2% trong năm 2023 lên 3,5% trong năm 2024, chủ yếu do giá cả các mặt hàng được Nhà nước quản lý như giáo dục, y tế dự kiến sẽ tăng. Sau đó, con số sẽ giảm về mức 3% trong năm 2025-2026 do kỳ vọng về giá cả năng lượng và nguyên liệu sẽ ổn định. Còn Ngân hàng UOB dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 3,8% trong năm nay.

Rõ ràng, dù áp lực lạm phát là điều đáng quan tâm, song trong bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, khả năng lạm phát tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra. Thêm vào đó, trong bối cảnh Chính phủ luôn thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, lạm phát của Việt Nam sẽ trong tầm kiểm soát, qua đó tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Trong công điện gửi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương, từ bám sát diễn biến, tình hình thực tiễn, chủ động thực hiện nhiều giải pháp điều hành, quản lý giá cả hiệu quả, kịp thời; tăng cường công tác quản lý, điều hành giá; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; đến chủ động thực hiện các giải pháp cung cầu hàng hóa đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu..., rồi giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá.

Các biện pháp điều hành các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, giá dịch vụ y tế, giáo dục… cũng đã được Thủ tướng chỉ đạo cụ thể…
CPI bình quân vượt 4%, cẩn trọng trong điều hành giá cả và kiểm soát lạm phát
Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng tới 4,03% so với cùng kỳ năm trước, vượt ngưỡng 4%. Điều này cho thấy, thời gian...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư