Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chủ tịch Hùng Vương muốn lui về "hậu trường" vào năm 2021
Hồng Phúc - 22/02/2019 13:59
 
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (mã:HVG) kỳ vọng, nếu đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR 14) thành công với mức thuế bằng 0 (kết quả được công bố vào 19/04/2019), doanh thu của Hùng Vương năm nay có thể đạt gấp đôi kế hoạch, khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng. Đây cũng là dấu mốc quan trọng để tái cơ cấu lại công ty trước khi ông Dương Ngọc Minh lui về “hậu trường” từ 2021.

Chia sẻ tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào sáng nay, ông Dương Ngọc Minh cho rằng, công ty đang trải qua giai đoạn khó khăn bởi áp lực từ các đợt thuế chống bán phá giá vào Mỹ. Tuy nhiên, công ty cũng bước đầu ghi nhận được những thành công như cơ cấu nợ vay giảm từ 12.000 tỷ đồng trong năm 2015, còn hơn 3.100 tỷ đồng trong năm 2018. 

Định hướng lâu dài của Hùng Vương là thuế chống bán phá giá vào Mỹ lần thứ 14 (POR14) sơ bộ bằng 0. Công ty đang làm việc với bộ phận cố vấn tại Mỹ để đạt được điều này trong thông báo chính thức từ Bộ Thương mại Mỹ vào giữa tháng 4. 

Khả năng thành công hiện tại là 80%, phần còn lại phụ thuộc vào yếu tố chính trị giữa hai nước. Tuy nhiên, nhiều khả năng cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Hà Nội có thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro này.

“Từ 28 Tết cho đến 5 giờ18 phút ngày mùng 5 âm lịch, nhân sự của Hùng Vương có thời điểm lên đến 300 người đã liên tục đàm phán cho đến lúc bên Mỹ thông báo cho tôi: Ông có thể nghỉ Tết được rồi! Chúng tôi làm việc hết mức nên niềm tin của các cổ đông phải đặt hết vào chúng tôi”, ông Minh nói và cho biết, Hùng Vương đã chuẩn bị hồ sơ POR14 với hơn 62.000 trang, 5 luật sư với tổng số tiền chi phí cho chương trình này gần 2 triệu USD.

Trong giai đoạn khó khăn, Hùng Vương vẫn chiếm khoảng 40% thị phần cá tra vào Mỹ. Do đó nếu POR 14 thành công, công ty dự kiến sẽ trở thành một trong những đơn vị có lợi thế nhất tại thị trường này, vượt qua các đối thủ trực tiếp như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Thuỷ sản Biển Đông… 

Ông Minh cho biết thêm, mục tiêu doanh thu 4.400 tỷ đồng và lợi nhuận 100 tỷ đồng công ty đề ra trong năm nay là dựa trên tình huống xấu nhất khi POR 14 không được thông qua. Ngược lại, công ty có thể vượt xa mức này và đạt doanh số khoảng 20.000 tỷ đồng vào cuối năm sau. 

“Đây là kế hoạch tồi nhất mà công ty phải đạt được. Kế hoạch này không có một yếu tố tích cực nào được đưa vào”, người đứng đầu Hùng Vương nói.

POR 14 được xem là bản lề, mở ra bước ngoặt mới cho Hùng Vương. 

Theo đó, công ty sẽ sắp xếp lại hoạt động và mua lại cổ phần tại Công ty Việt Thắng đã bán cho Vingroup nhằm khép kín từ cơ sơ nuôi trồng, nhà máy chế biến thức ăn đến thị trường xuất khẩu. 

Đây là thoả thuận của ông và ông Phạm Nhật Vượng. Khi đó, Vingroup rót 520 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần này và thống nhất thoả thuận sẵn sàng bán lại cho Hùng Vương khi đã hoạt động ổn định. 

Theo ông Minh, nếu POR14 đạt kỳ vọng với mức thuế dưới 20 cent, Hùng Vương cần 1 - 2 năm để quay lại đà tăng trưởng. Và khi đó, ông sẽrút lui về“hậu trường để giao cho lớp trẻ điều hành”.

“Từ nay đến ngày có kết quả POR14 của Hùng Vương, không một doanh nghiệp nào có thể xuất khẩu cá tra vào được Mỹ. Kể cả những nhà xuất khẩu cá tra đứng đầu nội địa hay thị trường Mỹ cũng đang nín thở xem kết quả để biết mức giá bán của Hùng Vương”, ông Dương Ngọc Minh nói và ước tính, doanh số xuất khẩu cá tra năm 2019 của Hùng Vương sẽ đạt hơn 300 triệu USD nếu POR14 đạt kỳ vọng. 

Thủy sản Hùng Vương “đi ngược chiều”
Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam tăng trưởng mạnh cả về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu, các doanh nghiệp thủy sản liên tục báo lãi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư