Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Để đất nước giàu mạnh phải trông vào đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp
Khánh Linh - 26/04/2023 14:36
 
Phát biểu với các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhiều lần nhắc đến khát vọng thịnh vượng của dân tộc vào năm 2045 và sự ủng hộ, tạo điều kiện cho sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thông của VCCI

Phát biểu với các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tại Lễ Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhiều lần nhắc đến khát vọng thịnh vượng của đất nước, của dân tộc vào năm 2045 và sự ủng hộ, tạo điều kiện cho sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

"Mỗi lực lượng trong xã hội đều có vị trí, vai trò quan trọng, nhưng để đất nước giàu mạnh thì phải trông chờ vào đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Đây là đội ngũ tiên phong, chủ lực trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh và độc lập, tự chủ của nền kinh tế”, Chủ tịch nước phát biểu. 

Ông cũng tiếp tục khẳng định, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự lớn mạnh sau gần 40 năm Đổi mới, đã xuất hiện nhiều doanh nhân thành đạt tầm quốc, các tập đoàn tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh với nước ngoài... Tuy nhiên, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân mạnh hơn nữa về số lượng, chất lượng, có trình độ, có kiến thức, có ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, có bản lĩnh vững vàng, khả năng hội nhập cao là trăn trở và ưu tiên của Đảng, Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ trung tâm phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng buộc phải nhắc đến một bộ phận doanh nhân thiếu trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, đã thỏa hiệp, thậm chí câu kết với phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước, làm phát sinh thêm tiêu cực xã hội.

“Nhân đây, tôi cũng khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân cả nước rằng, việc xử sai phạm với một số doanh nghiệp, cá nhân trong thời gian qua chính là  yêu cầu đề cao thượng tôn pháp luật, là việc bắt buộc phải làm, để môi trường sản xuất kinh doanh lành  mạnh, công bằng, minh bạch hơn cho các doan nghiệp, để lợi ích chính đáng thuộc về người làm ra nó, để xã hội loại bỏ nhưng phần tử thoái hóa, biến chất trong cơ quan nhà nước”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Chủ tịch nói chia sẻ với các doanh nghiệp, doanh nhân về những thách thức, khó khăn đang gặp phải, tuy nhiên, những thách thức này, theo Chủ tịch nước, cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp, doanh nhân tự đổi mới mình, để trở nên mạnh mẽ hơn, vượt qua khó khăn, xây dựng được uy tín của thương hiệu Việt, để hàng hóa, dịch vụ Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nhắc đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn như hoàn thiện khung pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp…, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi, an toàn để các doanh nghiệp thuận lợi ra nhập thị trường, an toàn trong phát triển…

Trong quá trình này, vai trò tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp được nhắc đến. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đặt cao vai trò của VCCI trong xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh là yếu tố cốt lõi trong phát triển của mỗi doanh nghiệp; liên kết, hợp tác doanh nghiệp trong phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, tạo sức mạnh của thương hiệu Việt trên thương trường; mở rộng liên kết, hợp tác với các đối tác quốc tế theo tinh thần cùng thành công, cùng thắng…

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng nhắc lại hành trình 60 năm của VCCI, ngày 14/3/1963, Đại hội đầu tiên của Phòng Thương mại được tổ chức tại Hà Nội với 93 hội viên đầu tiên, đến nay, VCCI có mạng lưới hội viên toàn quốc gồm trên 200.000 doanh nghiệp và trên 200 hiệp hội doanh nghiệp. Trong thành tựu chung của đất nước, rất tự hào có phần đóng góp của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

"Tuy nhiên, tất cả mới là bước đầu. VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy doanh nhân, doanh nghiệp tự nỗ lực vươn lên phát triển, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh thúc đẩy phát triển số lượng, cần vun đắp hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành, những “sếu đầu đàn” dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công", Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Một trọng tâm lớn nữa mà VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ nỗ lực thực hiện trong thời gian tới, đó là xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh để tự định vị bản sắc và vị thế của mình trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp quốc tế. Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam cần được xây dựng dựa trên kết hợp những tinh hoa của văn hoá Việt Nam với tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới.

Ông Công khẳng định, với các doanh nhân, doanh nghiệp Việt, văn hoá phải trở thành sức mạnh mềm, soi đường và tiếp sức cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, có vị thế và uy tín ngày càng cao ở trong nước cũng như quốc tế.

Tháng 12/2021, Đại hội VCCI lần thứ VII đưa ra tầm nhìn: Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng. Sự thịnh vượng của một quốc gia luôn gắn liền với sự phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Để thực hiện điều này, Chủ tịch VCCI khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chính sách, tham gia hoàn thiện môi trường thể chế để nuôi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.

"VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy doanh nhân, doanh nghiệp tự nỗ lực vươn lên phát triển, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu.

Một số dấu mốc đáng nhớ của VCCI:
+ Ngày 14/3/1963 tại Hà Nội, Đại hội thành lập Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được tổ chức với 93 tổ chức hội viên đầu tiên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
+ Ngày 27/4/1963 Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ đã ký Quyết định số 58-CP phê duyệt bản Điều lệ Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
+ Sau ngày 30/4/1975, Phòng Thương mại mở rộng hoạt động ra phạm vi cả nước sau khi tiếp thu cơ sở của Phòng Thương mại - Công kỹ nghệ Sài Gòn, thành lập Chi nhánh Phòng Thương mại tại TP. Hồ Chí Minh.
+ Năm 1982 được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được đổi tên thành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với tên giao dịch Vietnam Chamber of Commerce and Industry, viết tắt là Vietcochamber, sau này đổi thành VCCI.
Năm 1993, Chính phủ đã để VCCI từ một tổ chức chịu sự quản lý của Bộ trưởng Bộ Thương mại (theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) được tách ra thành một tổ chức độc lập và tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đoàn Duy Thành được bầu là Chủ tịch VCCI.
VCCI được giao thêm chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đang hình thành, phát triển rất nhanh tại nước ta.
+ Tháng 4/2003, tại Đại hội đại biểu VCCI toàn quốc lần thứ IV ông Vũ Tiến Lộc được bầu làm Chủ tịch. Ông giữ chức vụ này trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp 18 năm.
+ Tháng 12/2021, Đại hội đại biểu VCCI toàn quốc lần thứ VII bầu ông Phạm Tấn Công là Chủ tịch, thông qua việc đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (tên tiếng Anh và tên viết tắt VCCI vẫn giữ nguyên).


Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư