Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch VCCI: Sau ngày 1/7 tiếp tục rà soát loại bỏ điều kiện kinh doanh lỗi thời
Khánh An - 30/06/2016 11:59
 
Ngày mai, 1/7, hàng loạt nghị định về điều kiện kinh doanh sẽ có hiệu lực theo quy định của Luật Đầu tư. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn kiến nghị tiếp tục rà soát hệ thống điều kiện kinh doanh.

Thưa ông, trong số hơn 300 kiến nghị của VCCI tới các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, có một số đề nghị dừng ban hành, như trường hợp với nghị định về điều kiện kinh doanh mua bán nợ, điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm…?

VCCI đề nghị bỏ, với những phân tích trên cơ sở phân tích điều 7.1 Luật Đầu tư và thực tiễn kinh doanh. Các điều kiện kinh doanh được đưa ra trong các dự thảo nghị định trên không đáp ứng các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, án toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng…

Nhưng, vì các ngành này có trong danh mục 267 ngành nghề theo quy định của Luật Đầu tư, nên theo đúng luật, Chính phủ vẫn sẽ phải ban hành.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã kiến nghị tiếp tục rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, bao gồm tất cả điều kiện kinh doanh đang quy định tại các nghị định, luật, ngay từ ngày 1/7, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.  Có thể có những sửa đổi ngay sau đây, chứ không phải là “ván đã đóng thuyền”.

VCCI sẽ chủ động rà soát để có kiến nghị kịp thời khi phát hiện ra những quy định không phù hợp, không hợp lý… Trong danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chúng tôi cũng sẽ có kiến nghị loại bỏ một số ngành, nghề chuyển sang quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn thay vì điều kiện kinh doanh.

Cũng phải nói thêm, phần lớn những kiến nghị của chúng tôi với các bộ, ngành đều đã được tiếp thu, chỉnh lý trong các dự thảo.

Nhưng, nếu như vậy, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực?

Chúng tôi đã đề nghị phương án tối giản nhất cho các điều kiện kinh doanh được đưa ra trong những dự thảo nghị định này. Nội dung các điều kiện này cũng sẽ theo hướng để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, tự quyết định.

Với một số vấn đề còn chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước và ý kiến doanh nghiệp về áp dụng điều kiện kinh doanh hay tiêu chuẩn, quy chuẩn, chúng tôi cũng đề nghị áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, áp dụng hậu kiểm…

Phương án này, nếu được chấp thuận, sẽ không gây xáo trộn lớn tới doanh nghiệp, cũng như không ảnh hưởng tới việc quản lý nhà nước của các bộ, ngành này khi buộc phải có sửa đổi liên tục.

Song song với đề nghị này, chúng tôi cũng kiến nghị các bộ, ngành hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật các ngành nghề, như với ngành kinh doanh mũ bảo hiểm mô tô, xe máy, để đảm bảo trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành cũng như trách nhiệm phải tuân thủ quy định của các doanh nghiệp.

Có thể hiểu rằng, công việc rà soát điều kiện kinh doanh vẫn chưa thế kết thúc sau ngày 1/7, thưa ông?

Theo tôi thì từ ngày 1/7 mới bắt đầu hành trình cởi trói doanh nghiệp khỏi các điều kiện kinh doanh vô lối. Giai đoạn vừa qua mới chỉ là khởi động, thống nhất nhận thức, cách làm… Ngay cả VCCI, trong thời gian ngắn sau khi nhận được dự thảo từ các bộ, ngành cũng chưa thể đưa ra hết các kiến nghị cần thiết. Rất nhiều ý kiến doanh nghiệp chưa kịp được ghi nhận.

Vì vậy, tôi tin là các công việc rà soát quyết liệt sẽ diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong vòng 6 tháng tới, để từ năm 2017, chúng ta sẽ có hệ thống điều kiện kinh doanh sát với thông lệ tốt của quốc tế.

VCCI sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào quá trình này. Vì khi nhà nước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bỏ điều kiện kinh doanh thay bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, thì doanh nghiệp cũng không thể đứng ngoài.

Thậm chí, trong cơ chế hậu kiểm, doanh nghiệp không phải chịu rào cản gia nhập thị trường, nhưng sẽ phải tự dựng lên rào cản cho chính mình trước đòi hỏi của xã hội, của thị trường. Nếu doanh nghiệp không đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ như công bố, họ sẽ bị thị trường tẩy chay, đào thải. Áp lực phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật lúc nào cũng ở trên đầu.

Khác với khi tiền kiểm, doanh nghiệp chỉ cần xin được cái dấu chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước là xong…

Tôi cho rằng, cách quản lý này mới thực sự win – win cho các đối tượng liên quan, từ nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Doanh nghiệp muốn đối thoại với các bộ về điều kiện kinh doanh
Hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức đã thu hút rất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư