Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Chưa dễ đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, chanh leo sang Trung Quốc
Thế Hoàng - 28/08/2022 14:58
 
Thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp và hợp tác xã là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm chanh leo và sầu riêng theo đúng chuẩn của thị trường Trung Quốc.
Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cần nắm rõ quy định, yêu cầu của Trung Quốc.
Sầu riêng Việt Nam kỳ vọng gia tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khi được phép xuất khẩu chính ngạch.

Dù Trung Quốc đã mở cửa nhập khẩu chính ngạch với sầu riêng và chanh leo Việt Nam, nhưng không dễ để đẩy tăng nhanh sản lượng xuất khẩu do phải đáp ứng khắt khe các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng gói... đặt ra với 2 loại trái cây này.  

Thông tin này được các chuyên gia lưu ý tại Tại Hội nghị quốc tế nâng cao năng lực thâm nhập thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng và chanh leo của Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức.

Sau 4 năm đàm phán, hôm 11/7, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố thí điểm xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc. Loại quả này được Cục Bảo vệ thực vật khởi động quá trình đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2016.

Trung Quốc là một trong số ít thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu hàng năm 4 tỷ USD, trong đó 90% nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan. Trước khi ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sầu riêng sang thị trường này nhưng số lượng không nhiều.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho hay,  7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 30 tỷ USD, tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 13,81% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. 

Riêng rau quả, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. 

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả của nước ta đạt 1,93 tỷ USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2021. Sự sụt giảm chung của rau quả xuất khẩu là do thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 7 tháng qua đã sụt giảm mạnh, chỉ đạt 877,6 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ.

Là thị trường gần, nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra với hàng nhập khẩu ngày càng lớn, yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt. Thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc là xu thế kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ cơ sở sản xuất, nuôi trồng; áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Cùng đó, thị trường Trung Quốc thay đổi hệ thống quản lý và giám sát an toàn thực phẩm; giám sát an toàn thực phẩm theo hệ thống Lệnh 248-249; chính sách ZeroCovid-19 tại cơ sở sản xuất và trên bao bì phương tiện vận tải thực phẩm đông lạnh.

Ông Tô Ngọc Sơn nhấn mạnh, Trung Quốc kiểm tra rất chặt chẽ đối với hàng hóa nhập khẩu, để tận dụng hiệu quả việc xuất khẩu khi thị trường mở cửa, doanh nghiệp buộc phải tìm hiểu kỹ để tổ chức sản xuất đúng yêu cầu theo nội dung Nghị định thư đã ký, tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm: giới hạn dư lượng tối đa đối với thuốc trừ sâu, phụ gia thực phẩm… ngày càng khắt khe của Trung Quốc. 

Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp, hợp tác xã cần nâng cao nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu SPS của thị trường; thay đổi tiếp cận an toàn thực phẩm giám sát mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất; thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý – doanh nghiệp- người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng sản phẩm.

Lập kế hoạch sản xuất và chế biến xuất khẩu, xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm; đào tạo cán bộ kỹ năng quản lý và giám sát thực hành nông nghiệp tốt; đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao- sản phẩm đặc sản, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ.

Tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt; đảm bảo các điều kiện như: vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm…

Hiện Việt Nam đã có 11 nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng…

Theo Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng, Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt.

Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Để được cấp mã số vùng trồng, vùng trồng cần sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất và quản lý sinh vật gây hại đáp ứng yêu cầu về diện tích canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép nhật ký canh tác, vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư