Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề để đón cả "đại bàng" và "chim sẻ"
Minh Hải - 30/11/2020 20:02
 
Vừa qua, Tọa đàm khoa học "Phát triển nhân lực trong giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển FDI tại Việt Nam" đã diễn ra tại Hà Nội.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Tọa đàm
Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm khoa học "Phát triển nhân lực trong giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển FDI tại Việt Nam" các diễn giả đã cùng thảo luận về các vấn đề như  Chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI tại Việt Nam; Dự báo chuyển đổi các kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư tại Việt Nam; Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam trước bối cảnh chuyển dịch đầu tư FDI; Những bước chuyển biến về đào tạo nhân lực trong GDNN của trường cao đẳng trước yêu cầu của thị trường lao động và đón đầu làn sóng đầu tư FDI…

Buổi Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang gây ra tác động xấu trên toàn thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nhưng vẫn đạt được kết quả ấn tượng. Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã giúp nền kinh tế ổn định và một điểm đến của dịch chuyển đầu tư FDI.  Việt Nam nổi lên như là điểm đến tiềm năng, là điểm đến cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc.

Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng về thu hút FDI do môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, thị trường nội địa lớn, mức sống người dân ngày càng tăng; lợi thế tương đồng với Trung Quốc về văn hóa, chính trị, về vị trí địa lý, điểm giúp tiết giảm tối đa chi phí dịch chuyển sản xuất và vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các cơ sở sản xuất hiện có tại Trung Quốc; sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam về kinh tế, thương mại, đối ngoại, văn hóa, giáo dục... Mặt khác có những lý do khách quan đến từ các nhà đầu từ như các nhà đầu tư muốn né tránh rủi ro chiến tranh thương mại - công nghệ; sắp xếp lại chuỗi sản xuất sau đại dịch từ các nước phát triển.

Tuy nhiên, việc chạy đua thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI từ các quốc gia khác trong khu vực đang tạo sức ép cạnh tranh lớn đối với chúng ta.

"Có 5 lĩnh vực các tập đoàn quốc tế có xu hướng dịch chuyển là công nghệ thông tin và công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ", ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ tại Toạ đàm.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: "Việt Nam cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón cả đại bàng và chim sẻ theo đúng tinh thần của Nghị quyết 50/NQ-TW ngày 20/08/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030".

Giáo dục nghề nghiệp cần phải giải quyết các vấn đề chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề, vừa góp phần dọn tổ đón đại bàng, vừa tranh thủ thời cơ dân số vàng, vừa thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu tại Toạ đàm, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Văn Sử cho biết, đánh giá từ các nhà đầu tư FDI thì kỹ năng lao động của Việt Nam là tốt, các doanh nghiệp FDI đánh giá cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp với những bước chuyển biến tích cực; kỹ năng nghề nghiệp của học viên tốt nghiệp ngày một cao. Thậm chí ở nhiều nghề, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế.

Lao động qua đào tạo nghề nghiệp tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu quả đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như chưa có sự gắn bó hữu với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội;

Việc chuẩn bị đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 còn có những khó khăn và chưa triển khai được nhiều. Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; quy mô nhỏ.

Theo đánh giá, trong thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp cần phải đầu tư và có những biện pháp trọng tâm để đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động đáp ứng thực tế.

Đánh giá từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, nhu cầu về nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp hiện nay đang phát triển theo hướng thu hút nhân lực có trình độ cao, nhân lực qua đào tạo chiếm đến 82,92%. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 12,46%, cao đẳng chiếm 17,04%, trung cấp chiếm 26,04%, sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 27,38%.
[Infographic] WTO hạ dự báo suy giảm thương mại toàn cầu năm 2020
Hồi tháng 4/2020, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo thương mại toàn cầu sẽ giảm 12,9% trong năm 2020, tuy nhiên trong dự báo mới nhất, tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư