Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Chứng khoán châu Á trái chiều, Shenzhen Composite mất 2%
Lê Quân (CNBC) - 26/09/2019 16:03
 
Kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sớm đạt thỏa thuận thương mại đã cứu chứng khoán châu Á khỏi phiên “đỏ sàn” ngày 26/9 với nhiều chỉ số lớn quay đầu lên điểm.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên 26/9. Ảnh: AFP
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên 26/9. Ảnh: AFP

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ về đích “sớm hơn bạn nghĩ”, Tổng thống Mỹ Donald Trum phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc (New York) ngày 25/9. Hai siêu cường kinh tế đang nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận để kết thúc thương chiến kéo dài và “báo hại” thị trường tài chính toàn cầu hơn 1 năm qua.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục lao dốc phiên chiều nay với chỉ số Shanghai Composite mất 0,89% về 2.929,09 điểm, còn Shenzhen Composite trượt sâu 2,505% về 1.597,72 điểm.

Trên sàn Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 0,16% nhờ cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ Tencent lên điểm 0,67%.

Chứng khoán Nhật Bản khởi sắc sau tuyên bố của Tổng thống Trump rằng Washington và Tokyo đã đạt được thỏa thuận thương mại ban đầu. Chỉ số Nikkei 225 tăng 0,22% nhờ cú tăng vọt 2,8% của cổ phiếu "nặng ký" - nhà sản xuất robot Fanuc. Chỉ số Topix nhích 0,44% sau khi chạm ngưỡng kỷ lục từ tháng 12 năm ngoái.

Cổ phiếu của các hãng sản xuất ô tô cũng tăng vọt sau khi Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cho biết đàm phán thương mại giữa Tokyo và Washington đang đi theo hướng tránh áp thuế quan đối với ô tô Nhật Bản. Cổ phiếu Subaru dẫn đầu sóng tăng với mức lên điểm 2,03%, theo sau là cổ phiếu Honda (tăng 1,43%) và Toyota (1,28%).

Trên sàn Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,33% nhờ lực đẩy của cổ phiếu SK Hynix - nhà cung cấp chip nhớ lớn thứ 2 thế giới - với mức tăng 1,83%. Ngược sóng trên, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia trượt 0,42%.

Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) nhích lên 0,12%.

Thiệt hại do thương chiến Mỹ - Trung đối với vòng quay thương mại toàn cầu là rõ rệt. Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, lượng hàng hóa giao dịch toàn cầu đã sụt giảm trong 3 tháng liên tiếp, ông Paul Kitney, chuyên gia nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại hãng dịch vụ tài chính Daiwa Capital Markets (Hong Kong) cho biết.

Có thể thấy rõ mức sụt giảm trong giao dịch hàng hóa của các đối tác thương mại lớn thế giới như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), ông Kitney nói.

Tâm điểm thị trường đang dồn về 2 thị trường tài chính hàng đầu châu Á - Singapore và Hong Kong. Giới đầu tư đang trông đợi công bố số liệu sản xuất công nghiệp tháng 8 của Singapore để có đánh giá tổng quan về tác động của thương chiến Mỹ - Trung tới nền kinh tế của quốc đảo này. Số liệu thương mại tháng 8 của Hong Kong dự kiến cũng được công bố hôm nay.

Sắc xanh trở lại với phố Wall đêm qua khi tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về bất ổn chính trị Mỹ bị lấn át bởi hé lộ của ông Trump về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Trước đó, tuyên bố ngày 24/9 của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về việc mở cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Trump đã phủ mây đen lên thị trường Mỹ, châm ngòi cho làn sóng bán tháo chứng khoán.

Tuyên bố của Hạ viện được đưa ra sau những cáo buộc về cuộc gọi giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky hồi đầu năm. Ông Trump được cho là gây áp lực buộc người đồng cấp Volodymyr Zelensky điều tra gia đình ông Joe Biden - ứng cử viên tổng thống Mỹ đầy triển vọng của đảng Dân chủ.

Hôm qua 25/9, Nhà Trắng đã công bố bản rã băng thô cuộc gọi giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đóng phiên 25/9 tăng 162,94 điểm lên 26.970,71. S&P 500 đóng cửa giao dịch ở mức 2.984,87 điểm, tăng 0,6%, còn Nasdaq Composite tăng 1,1% lên 8.077,38 điểm.

Chứng khoán châu Âu diễn biến trái chiều phiên 25/9 khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước diễn biến thương chiến Mỹ - Trung và những bất ổn chính trường Mỹ.

Chỉ số pan-European Stoxx 600 giảm 0,1% lúc mở phiên. Cổ phiếu ngành hàng gia dụng giảm 0,8%, còn cổ phiếu ngành công nghiệp lên điểm mạnh nhất 0,3%.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD so với các đồng tiền mạnh khác đã hồi về mức 98,876 sau khi chạm ngưỡng 98,974.

Đồng yên Nhật Bản trượt giá nhẹ và trao tay ở mức 107,65 JPY đổi 1 USD, trong khi đô la Australia quy đổi ở mức 1 AUD “ăn” 0,6757 USD, trượt giá so với mức 1 AUD/0,68 USD thiết lập hôm qua.

Giá dầu trên thị trường châu Á tăng lên sáng nay. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn nhích nhẹ lên 62,44 USD/thùng, còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,12% lên 56,56 USD/thùng.

Chứng khoán châu Á vẫn bật tăng bất chấp mối lo mới của kinh tế toàn cầu
Sắc xanh vẫn phủ rộng thị trường chứng khoán châu Á phiên sáng 24/9 sau thông tin bất lợi về tình hình sản xuất công nghiệp ở châu Âu và lo ngại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư