Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
'Chúng ta đang quá chi li trong lộ trình giảm thuế'
- 15/04/2013 08:19
 
Theo ông Lâm Văn Hải - Phó tổng giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Pepsi tại Việt Nam, giảm thuế sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tăng doanh thu và lợi nhuận, từ đó đóng góp thêm vào ngân sách và hạn chế việc trốn thuế.
TIN LIÊN QUAN

- Chính phủ đang cân nhắc việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 23%, ông đánh giá thế thế nào về mức giảm này?

Ông Lâm Văn Hải - Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn Pepsi tại Việt Nam. Ảnh: Hàn Phi
Ông Lâm Văn Hải - Phó tổng giám đốc kinh doanh Tập đoàn Pepsi tại Việt Nam.
Ảnh: Hàn Phi

- Tôi cho rằng, chúng ta đang quá tính toán khi đưa ra lộ trình giảm thuế. Cái quan tâm nhất của các doanh nghiệp hiện nay là lợi nhuận của họ đang rất thấp, cho nên, rất cần được giảm thuế thu nhập. Mình cứ lo giảm 1% thì mất đi bao nhiêu tiền từ thu ngân sách. Nhưng mình không tính đến là khi giảm được gánh nặng vì thuế thì người ta sẽ đầu tư nhiều hơn, tiêu dùng nhiều hơn, tạo ra doanh số cao hơn, kinh tế sẽ được thúc đẩy để phát triển.

- Trong hoàn cảnh này, theo ông, doanh nghiệp chỉ có thể chịu được mức thuế như thế nào?

- Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ nên 20% là hợp lý, mới có thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn. Điều tiết thuế làm sao tất cả mọi người đều ý thức và đều cho là đó là sự hợp lý, thì có thể thu ngân sách nhiều hơn.

Ai cũng biết thất thu thuế là việc đang diễn ra. Thất thu do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc doanh nghiệp tìm mọi cách trốn vì thuế quá cao. Có bao nhiêu doanh nghiệp không đóng thuế hay tìm cách né thuế, rất khó kiểm soát hết được. Khi có một mức thuế hợp lý thì họ không tội gì phải mang tiếng né thuế hoặc trốn thuế.

- Cùng với thuế thu nhập doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cũng đã thống nhất giữ ưu đãi thuế VAT. Theo ông, việc này tác động tới tiêu dùng và với doanh nghiệp như thế nào?

- Thuế VAT đánh vào người tiêu dùng chứ không phải doanh nghiệp. Trên thế giới, nhiều nước khuyến khích tiêu dùng rất mạnh, nên xu hướng người ta là giảm thuế VAT. Họ khuyến khích người có thu nhập được quyền sử dụng thu nhập của mình để mà chi phí cho việc phát triển. Như mua nhà, sửa nhà không phải đóng thuế, dòng tiền đó được tính vào thu nhập của người ta. Việc này tạo ra nhu cầu việc làm, nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Từ đó nhà nước lại thu thuế từ những khoản khác.

Dưới góc độ để phát triển một quốc gia thuế là một công cụ là hết sức quan trọng, vì thế phải nên cân nhắc. Theo tôi, chính sách nhà nước mà thoáng hơn và giáo dục cho doanh nghiệp tốt hơn thì thu thuế nhiều hơn. Lúc đó mình không còn lo giảm về nguồn thu từ VAT hay thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Vừa qua cũng có nhiều ý kiến về việc doanh nghiệp FDI chuyển giá để lách thuế. Từ góc độ một doanh nghiệp FDI, ông nhìn nhận việc này thế nào?

- Khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài là mục tiêu đúng đắn của các quốc gia. Ở Việt Nam có những lúc chúng ta quá dễ dãi, có những lúc lại quá khắt khe về mặt chính sách đối ngoại. Nhà nước nên có những nhóm chuyên gia tư vấn về thuế, để tránh tổn thất khi mà doanh nghiệp lợi dụng những cái sơ sót trong luật của mình. Điều này nó vừa có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài, vừa có lợi cho quốc gia.

Như vừa rồi có những thông tin về doanh nghiệp chuyển giá, hay bị lỗ thì không phải đóng thuế thu nhập, phải cân nhắc lại điều này. Thí dụ như tôi cho anh vào đầu tư, sau một thời gian, anh làm ăn không được thì phải xem xét lại việc đóng góp như thế nào. Chứ không phải anh báo lỗ để không phải đóng thuế, không phải làm nghĩa vụ với nhà nước. Như thế là không được.

Hàn Phi

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư