Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Chương trình "Kinh tế xanh" phát triển kinh tế rừng bền vững
Như Loan - 22/07/2022 13:33
 
Trồng và quản lý rừng bền vững không chỉ giúp người dân có thể làm giàu từ nghề rừng, mà còn giúp làm giàu cho rừng xanh, cơ sở để đảm bảo cho phát triển kinh tế rừng bền vững.
TIN LIÊN QUAN

Những năm qua, diện tích phủ xanh của Việt Nam đang tăng dần và ngày càng ổn định, giá trị đóng góp từ xuất khẩu lâm sản ngày càng lớn. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia về môi trường, tuy diện tích rừng gia tăng nhưng những cánh rừng kinh tế với chu kỳ khai thác ngắn cũng không mang lại giá trị phòng hộ môi trường và đa dạng sinh học.

Có những con người với sự nhìn nhận thấu đáo đã có những thay đổi trong sản xuất làm giàu từ rừng xanh, góp phần cải thiện sự đa dạng sinh học từ những cánh rừng kinh tế từ gia đình, và trở thành những tấm gương truyền cảm hứng cho cộng đồng. Nội dung này được đề cập đến trong chương trình Kinh tế xanh phát sóng ngày 19/7/2022 trên kênh VTV2. Chương trình với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS),  Đạm Phú Mỹ - NPK Phú Mỹ.

Chiếc tàu du lịch đưa người dân từ bến Thung Nai đi Đảo Dừa, một bán đảo nhỏ nằm trên hồ Hòa Bình phải mất nửa giờ di chuyển bằng tàu thủy để đến được bán đảo này.

Hồ Hòa Bình đang trong mùa nước thấp, mặt nước lấp lóa phả lên hơi nóng của cái nắng hè gay gắt và chỉ đến khi cập bến ở Đảo Dừa thì cái nắng ngày hè mới dường như được dịu lại bởi những tán cây xanh mát.

Chủ nhân của hòn Đảo xanh tươi này là ông Nguyễn Đình Tuy, một trong những tấm gương điển hình ở khu vực lòng hồ Hòa Bình về phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển rừng và để có được hòn đảo xanh mát như vậy là cả một quá trình lao động bền bỉ và không kém phần vất vả trong hơn 2 thập kỷ của gia đình ông.

Hơn 40 năm trước, ông Tuy đến vùng lòng hồ này không phải để trồng rừng mà là để khai thác lâm sản. Theo dòng sông Đà, ông đi thu mua gỗ từ Sơn La, Hòa Bình rồi đưa về xuôi, lâm sản mà ông mua bán phần nhiều là gỗ tận thu vùng lòng hồ thủy điện, nhưng cũng có nhiều cây gỗ mà bà con vào rừng khai thác rồi mang bán lại cho ông.

Nhưng rồi qua thực tế, ông dần nhận thấy sự biến đổi tiêu cực của môi trường sống, từ đó đã bắt đầu thay đổi dần trong nhận thức. Từ người đi buôn bán lâm sản, ông đã dần quyết định thành người trồng cây gây rừng bắt đầu với khu đảo hoang vừa mua lại được. Việc đầu tiên gia đình ông làm là vừa dọn cỏ đất vừa trồng cây xanh.

Từ những mô hình tiên phong về phát triển kinh tế xanh như gia đình ông Tuy, đến nay khắp vùng lòng hồ Hòa Bình đã có thêm rất nhiều gia đình, nhiều cộng đồng ngày càng nâng cao nhận thức về phát triển sinh kế từ việc bảo vệ và phát triển rừng bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

Những hộ dân dám thay đổi cách nghĩ, cách làm đã giúp truyền thêm cảm hứng, thêm động lực cho nhiều hộ gia đình thay đổi. Trồng và quản lý rừng bền vững không chỉ giúp người dân có thể làm giàu từ nghề rừng mà còn giúp chúng ta làm giàu cho rừng xanh cơ sở để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế rừng bền vững.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư