Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chuyển đổi số để tiếp cận làn sóng công nghiệp 4.0
Hoàng Anh - 22/11/2017 15:56
 
General Electric (GE) – công ty công nghiệp kỹ thuật số với 125 năm kinh nghiệm đã tiến hành cơ cấu lại hoạt động nhằm duy trì vị trí dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu rộng trên toàn thế giới. Ông Wouter Van Wersch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GE khu vực ASEAN và Úc - New Zealand trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hiệu quả đem lại cho Việt Nam.

Vào thời điểm này, có thể nói, GE đã phát triển thành công ty công nghiệp kỹ thuật số, đang đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. GE đã bắt đầu quá trình này như thế nào công ty đã đạt được những thành quả gì trong thời gian qua, thưa ông?

Đối với GE, Internet ngành công nghiệp chính là sự tích hợp của máy móc với cảm biến và phần mềm được nối mạng. Một cách đơn giản hơn, tại GE, Internet ngành công nghiệp giúp thu thập dữ liệu từ máy móc, phân tích các dữ liệu này và đưa ra gợi ý làm cách nào để tối ưu hóa việc sử dụng hệ thống máy móc này.

Sự kết hợp của công nghệ, số lượng lớn dữ liệu và các phân tích dự báo có ảnh hưởng sâu rộng tới hiệu quả của nhà máy, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động.

.
 Ông Wouter Van Wersch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GE khu vực ASEAN và Úc - New Zealand

Ví dụ, 1% tăng trưởng hiệu quả trong hoạt động luyện nhôm giúp tiết kiệm 970 triệu USD chi phí sản xuất hàng năm trên toàn cầu, đem lại 936 triệu USD thông qua gia tăng sản lượng và giúp tiết kiệm 464 triệu USD chi phí hoạt động và bảo dưỡng.

Tại GE, Internet ngành công nghiệp được bắt đầu như một dự án nội bộ vào năm 2011 đã giúp chúng tôi nhận biết cách thức sử dụng dữ liệu từ máy móc nhằm gia tăng hiệu quả tài sản. Từ kinh nghiệm này, chúng tôi nhìn thấy cơ hội đem lại các lợi ích tương tự cho khách hàng, do đó chúng tôi đã thành lập bộ phận kinh doanh GE Digital vào năm 2015 để thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện tại, đơn vị này cung cấp các ứng dụng về Quản lý hiệu suất tài sản (APM) và Quản lý dịch vụ thực tế ServiceMax giúp đem lại giá trị cho khách hàng; các ứng dụng này hoạt động dựa trên Predix - nền tảng cho Internet ngành công nghiệp tại GE.

Một tháng trước, GE và Apple công bố sẽ hợp tác trong việc tạo ra các ứng dụng công nghệ trên nền tảng Predix - bộ phát triển phần mềm mới Predix (SDK) cho iOS cung cấp cho các nhà thiết kế công cụ để tạo ra các ứng dụng công nghiệp Internet vạn vật (IoT) hùng mạnh. Điều đó có ý nghĩa thế nào với khách hàng của GE, cũng như toàn ngành công nghiệp nói chung, thưa ông?

Predix là nền tảng vận hành Internet ngành công nghiệp tại GE. Cũng giống như cách các nền tảng cho người tiêu dùng như iOS hay Android hỗ trợ các nhà phát triển phần mềm và tạo ra một thị trường phát triển, Predix mong muốn làm điều tương tự với Internet ngành công nghiệp.

Predix chính là nền tảng giúp các nhà phát triển ứng dụng sáng tạo, phát hành và kiếm tiền từ chính các ý tưởng của mình, từ đó đóng góp cho một hệ sinh thái, mà ở đó, một làn sóng mới về dịch vụ dựa trên thông tin và hiệu quả công nghiệp được tối ưu hóa.

Sự hợp tác giữa Apple và GE giúp thực hiện công việc này thông qua cung cấp cho nhà thiết kế công cụ để tạo ra các ứng dụng IoT riêng. Các khách hàng của chúng tôi cho biết, họ có nhu cầu ngày càng nhiều trong việc gia tăng sức mạnh của đội ngũ thông qua sự linh hoạt và dễ dàng di chuyển. 

Thông qua hợp tác với Apple, GE cung cấp cho các khách hàng của mình các ứng dụng mạnh mẽ, giúp họ sử dụng được dữ liệu dự báo và phân tích của trình duyệt Predix trên iPhone và iPad.

Số hóa ngày càng phát triển không chỉ ở các quốc gia đã phát triển mà cả ở các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Ông có thể chia sẻ các bài học từ quá trình áp dụng công nghệ số hóa vào hoạt động sản xuất - kinh doanh?

Các công nghệ mới và khả năng số hóa đang thúc đẩy sự thay đổi chuyển hóa. Chúng ta đang thấy điều đó diễn ra hàng ngày với các khách hàng, ở khắp các lĩnh vực công nghiệp mà GE đang hoạt động.

Cuộc cách mạng số hóa không chỉ diễn ra tại các thị trường tiên tiến và “đã trưởng thành”, mà cả ở các quốc gia mới nổi - nơi hiểu rõ các giá trị cũng như lợi ích của việc áp dụng các giải pháp công nghệ số. GE tin rằng, thực thi sự thay đổi này là một trong những quyết định tối quan trọng với các doanh nghiệp cũng như các quốc gia.

Theo kinh nghiệm cũng như qua các quan sát của GE, việc đưa ra các công nghệ mới, áp dụng tự động hóa và sử dụng người máy cần sự hỗ trợ của các công ty thông qua sự đầu tư và quyết tâm đào tạo và sử dụng nhân lực trong quá trình chuyển hóa. Điều đó không chỉ giúp các công ty duy trì tồn tại, mà còn phát triển rực rỡ trong kỷ nguyên mới này.

Lời khuyên của ông cho các doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng cơ hội của xu thế chuyển đổi số toàn cầu này nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh?

Ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam đang phát triển nhanh và ngày càng hiện đại. Thật kỳ diệu khi quá trình chuyển đổi này được dẫn dắt bởi cả các công ty trong nước và quốc tế.

Tương tự như bất kỳ quá trình chuyển đổi nào khác, chuyển đổi công nghệ số cần có thời gian và điều quan trọng là phải xây dựng các nền tảng đảm bảo phát triển bền vững. Chẳng hạn như các bên liên quan cần thiết tham gia hỗ trợ hình thành chính sách về phát triển IoT. Sự phát triển chính sách và thể chế cần nhận được nhiều sự quan tâm và hành động, cũng như các sáng kiến cấp cao, như về lĩnh vực phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ, giáo dục và kế hoạch đô thị thông minh.

Dựa vào sự phát triển hiện tại của Việt Nam, sự sẵn sàng tham gia của khu vực kinh tế tư nhân cũng như khu vực nhà nước, tôi tin rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện tốt cuộc cách mạng công nghệ số. Tôi có được niềm tin này thông qua rất nhiều bài phát biểu đã được nghe cũng như tham gia các phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn APEC Việt Nam 2017.

Điều này còn dựa vào kinh nghiệm của GE thông qua việc chuyển đổi và hoat động nhà máy theo mô hình nhà máy kỹ thuật số cao  (Brilliant Factory) của chúng tôi tại Hải Phòng từ năm 2016. Được quản lý bởi người Việt Nam, nhà máy mới này sử dụng các giải pháp công nghệ số hiện đại nhất của GE, nhằm tối ưu hóa hoạt động và đem lại tầm ảnh hưởng lớn trên các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh.

Nhà máy đang sản xuất các chi tiết, đặc biệt là các chi tiết sử dụng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, phục vụ xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu hơn 500 triệu USD từ khi bắt đầu hoạt động.

GE chia sẻ về công nghiệp kỹ thuật số với cộng đồng khởi nghiệp và sinh viên
Trong hai ngày 6 và 7/12 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, hơn 60 đại diện doanh nghiệp và gần 100 sinh viên đã tham dự buổi tọa đàm chia sẻ về công nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư