Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Chuyển đổi số quốc gia: Động lực từ thương mại điện tử
Tú Ân - 11/10/2022 16:13
 
Một trong những sáng kiến hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) là Tháng tiêu dùng số, với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp. Và thương mại điện tử (TMĐT) là nhóm ngành nổi bật nhất.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn tăng trưởng 2 con số.

Dẫn dắt thúc đẩy tiêu dùng số

Theo Sách Trắng Thương mại điện tử năm 2021, TMĐT là ngành nghề có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thúc đẩy chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số và tiêu dùng số cho người dân trong giai đoạn cam go do Covid-19 gây ra.

Cụ thể, TMĐT Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD trong năm 2021, tỷ trọng doanh thu bán lẻ TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với năm 2020.

TMĐT của Việt Nam được các hãng dự báo tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore. Tổng doanh thu kinh tế Internet Việt Nam đến năm 2025 dự báo đạt mức 57 tỷ USD. Việt Nam cũng có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore.

Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam trong năm 2022 có thể chạm ngưỡng 60 triệu người. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo đạt 260 - 285 USD/người trong năm nay. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước sẽ vượt mốc 7% của năm 2021, đạt 7,2 - 7,8% trong năm 2022.

Bà Phạm Thị Quỳnh Trang, Giám đốc thương mại của Lazada Việt Nam đánh giá, trong đại dịch, TMĐT là cầu nối thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số, nối liền đứt gãy thị trường. Tại Việt Nam, có tới 85% người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch bùng phát. TMĐT thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng và góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch.

Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, trước Covid-19, TMĐT Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 2 con số, 15 - 20%/năm và ngay sau khi Covid-19 được kiểm soát, nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại có thể tăng trưởng âm, nhưng TMĐT vẫn có mức tăng trưởng 2 con số. TMĐT tăng trưởng tới 16% trong năm 2021 cho thấy bước phát triển kỷ lục so với mặt bằng chung của nền kinh tế.

“TMĐT đang là động lực giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh và hiệu quả”, bà Việt Anh đánh giá.

Động lực đến từ đâu?

Nếu như TMĐT là động lực thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế số, thì “tác nhân” cho động lực đó đến từ người dân và các nhà bán hàng. Sự chuyển đổi cách thức bán hàng truyền thống của các nhà bán hàng từ các cửa hàng, tiệm tạp hóa lên gian hàng trên sàn TMĐT đã giúp hàng trăm ngàn cơ sở kinh doanh sống sót và phát triển. Theo Báo cáo Transforming Southeast Asia tháng 9/2022, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, số lượng nhà bán hàng tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT Lazada đã tăng 84% so với cùng kỳ năm 2021.

Anh Nguyễn Xuân Thành là chủ cửa hàng tai nghe công nghệ Plextone. Việc bán hàng online của anh không được thuận lợi, dù đã nỗ lực hết sức. Anh phát hiện ra vấn đề là cần phải có một cộng đồng nhà bán hàng và đối tác. Anh đã cùng đội ngũ Lazada bắt tay thành lập cộng đồng nhà bán hàng đầu tiên tại khu vực Hà Nội vào năm 2019. Sau hơn 2 năm, nhóm đã quy tụ hơn 10.000 nhà bán hàng, thu hút trung bình 50-100 người tham gia/phiên, trở thành kênh kết nối đối tác, bán hàng cực kỳ hiệu quả.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đánh giá, động lực phát triển TMĐT thời gian tới đến từ việc các doanh nghiệp, nhà bán hàng, sàn TMĐT không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Đồng thời, đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.

Còn bà Lại Việt Anh cho biết, trong 2 năm Covid-19 vừa qua, ước có hơn 5,5 triệu người tiêu dùng tham gia thị trường trực tuyến và chủ yếu từ nông thôn, khu vực ngoài thành phố lớn. Các công ty nước ngoài cho rằng, đào tạo được một người bán hàng tại Indonesia ứng dụng TMĐT để bán hàng trực tuyến cần thời gian gấp đôi, gấp ba lần so với đào tạo cho người Việt Nam, bởi vì nguồn nhân lực tham gia TMĐT của Việt Nam trẻ và có khả năng "hấp thụ" những công nghệ mới rất nhanh nhạy, cũng như lòng khát khao ứng dụng những công nghệ mới để thúc đẩy bán hàng, khởi nghiệp.

Có thể thấy, các nhà bán hàng trên sàn TMĐT đang là điểm tựa cho kinh tế số, tiêu dùng số tại Việt Nam. Chính vì vậy, Ngày Chuyển đổi số năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động Chương trình Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số. Lần đầu tiên tại Ngày Chuyển đổi số, đã tôn vinh 51 nhà bán hàng trong Chương trình Doanh nhân công nghệ Việt Nam 2022. Đây cũng sẽ là động lực cho các nhà bán hàng truyền thống tích cực chuyển đổi số từ bán hàng truyền thống lên sàn TMĐT, thúc đẩy tiêu dùng số trong thời gian tới.

Ngày 10/10 hằng năm cũng được chọn là Ngày Chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số của Bộ, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Chuyển đổi số tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, việc này cũng giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức của Bộ về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự vào cuộc của các đơn vị, hành động đồng bộ ở các cấp lãnh đạo và sự tham gia của toàn thể công chức, viên chức, đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư