Thứ Tư, Ngày 16 tháng 07 năm 2025,
Chuyển đổi xanh: Động lực hoàn thiện chính sách môi trường trong nông nghiệp
Linh Nguyễn - 15/07/2025 17:56
 
Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp đặt ra yêu cầu cấp thiết hoàn thiện chính sách môi trường, hướng tới phát triển sinh thái, tuần hoàn và phát thải thấp, đồng thời bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Tại Hội thảo: Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp Học viện Nông nghiệp tổ chức ngày 15/7, nhiều đề xuất cụ thể đã được nêu nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hoàn thiện pháp luật từ mô hình nông nghiệp phát thải thấp

Thực hiện Nghị quyết số 131/2024/QH15 của Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực đã được thành lập. Trong khuôn khổ hoạt động giám sát, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo "Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường" tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường là một trong những nền tảng then chốt để đạt mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời là căn cứ quan trọng để rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.

Việc Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 đòi hỏi ngành nông nghiệp phải được ưu tiên trong quá trình chuyển đổi xanh.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo ông Huy, các sáng kiến quốc tế như “Giảm phát thải khí methane toàn cầu” và “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất” đều hướng tới việc tích hợp các giải pháp nông nghiệp bền vững trong chiến lược giảm phát thải. Hội thảo lần này là diễn đàn để tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, từ đó đề xuất điều chỉnh luật pháp, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Nội dung giám sát chuyên đề tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: nhận diện những bất cập trong chính sách và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trong nông nghiệp; đề xuất kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý; thu thập dữ liệu thực tiễn phục vụ báo cáo giám sát, làm cơ sở cho việc sửa đổi hoặc ban hành các nghị quyết tiếp theo của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nông nghiệp không chỉ là lợi thế kinh tế mà còn là trụ cột môi sinh của hàng chục triệu người dân khu vực nông thôn. Vì vậy, chính sách phải bảo đảm nguyên tắc công bằng, dài hạn, bảo vệ cả người sản xuất lẫn môi trường sống. Ông cũng đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa Quốc hội và Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đặc biệt là vai trò chủ động của Học viện Nông nghiệp trong cung cấp dữ liệu, phân tích và giải pháp khoa học.

Cũng tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu là chiến lược phát triển tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Theo bà, những diễn biến phức tạp của khí hậu, suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường nông thôn đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tái cấu trúc mô hình nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, giảm phát thải và thân thiện với tự nhiên.

Bà Lan cho rằng, cần chuyển từ tư duy “sản lượng là trung tâm” sang tiếp cận dựa trên chất lượng, hiệu quả và bền vững. Những cam kết quốc tế như mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050 chỉ có thể đạt được nếu chính sách môi trường gắn chặt với thực hành nông nghiệp sinh thái ngay từ cấp cơ sở.

“Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chia sẻ tri thức và tầm nhìn, qua đó kiến tạo mô hình nông nghiệp sinh thái hiện đại”, bà Lan nói.

Viện - trường - doanh nghiệp cùng xây dựng hệ sinh thái xanh

Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện là một trong những đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp xanh. Giai đoạn 2015 - 2025, Học viện đã công bố hơn 100 sản phẩm khoa học - công nghệ được cấp văn bằng sở hữu trí tuệ, trong đó nhiều sản phẩm tập trung vào mục tiêu giảm phát thải, cải tạo đất, xử lý môi trường, phát triển vật tư sinh học và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp thông minh.

Đáng chú ý, Học viện đang phát triển các công cụ MRV (đo lường, báo cáo và thẩm định) phục vụ cơ chế tín chỉ carbon trong nông nghiệp, đây là một trong những trụ cột của tiến trình phát thải ròng bằng 0. Các nghiên cứu về mô hình canh tác tuần hoàn, hệ thống cảm biến môi trường, công nghệ dữ liệu lớn đang góp phần định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vì môi trường bền vững.

Cùng với nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi xanh cũng là ưu tiên chiến lược. Học viện hiện giảng dạy hơn 70 chuyên ngành ở cả ba cấp đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó nhiều ngành sát với nhu cầu mới như công nghệ sinh học, quản lý tài nguyên, môi trường nông thôn, kinh tế xanh...

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Trong chiến lược phát triển toàn diện, Học viện Nông nghiệp đặc biệt chú trọng đến kết nối với doanh nghiệp. Học viện đã ký kết hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu, thực tập và tuyển dụng. Các đối tác tiêu biểu như PAN Group, ThaiBinh Seed, Japfa Comfeed Việt Nam, Thực phẩm Đồng Giao... đóng vai trò quan trọng trong chuỗi chuyển giao tri thức, ứng dụng, thị trường.

Hàng năm, sự kiện Ngày hội việc làm thu hút từ 60 đến 100 doanh nghiệp, mang lại cơ hội thực tập và việc làm cho 4.000 - 5.000 sinh viên. Theo khảo sát gần nhất, trên 97% sinh viên của Học viện có việc làm sau tốt nghiệp, nhiều người tiếp tục học tập và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, môi trường và phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các tham luận chuyên sâu về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… đều xoay quanh giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy canh tác hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ sinh học và chuyển đổi số để bảo vệ tài nguyên đất, nước và không khí. Một số mô hình tiêu biểu được chia sẻ như: lúa - tôm, VAC, sản xuất hữu cơ - vi sinh, canh tác bảo tồn đất và hệ thống nuôi tuần hoàn RAS…

Các đại biểu cũng thống nhất rằng, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, viện trường và người dân. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý, thiết kế các gói hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực kỹ thuật và khuyến khích hợp tác công - tư là những giải pháp cần được triển khai đồng thời.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường quyết tâm xử lý tận cùng vấn đề an toàn thực phẩm
Thừa nhận vẫn còn nhiều tồn tại trong vấn đề an toàn thực phẩm, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định sẽ tăng cường công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư