Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 30 tháng 06 năm 2024,
Có nên có khu vực khai thác khoáng sản không cần đấu giá?
Khánh Linh - 27/06/2024 16:37
 
Lo ngại còn chỗ cho xin-cho, VCCI kiến nghị quy định theo hướng tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá hoặc đấu thầu.

Chiều ngày mai, 28/9, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp với Dự thảo này. Bản tổng hợp ý kiến đã được VCCI gửi đi ngay trước phiên thảo luận tại Quốc hội.

Cân nhắc quyền đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Trong đó, VCCI đề nghị nghiên cứu cân nhắc quy định theo hướng tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá (hoặc đấu thầu).

VCCI kiến nghị các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá hoặc đấu thầu.

“Việc loại trừ các khu vực khoáng sản không đấu giá có thể được thay thế bằng việc thêm các điều kiện để được tham gia đấu giá, ví dụ như các khu vực khoáng sản tại biên giới, ven biển, khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh thì hạn chế nhà đầu tư nước ngoài hoặc thêm thủ tục thẩm tra điều kiện về an ninh đối với nhà đầu tư trước khi đấu giá”, VCCI viết trong kiến nghị gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Theo Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Điều 104 quy định về khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Ngoài các trường hợp cụ thể được quy định tại Luật, Dự thảo quy định khu vực không đấu giá còn có thể do Chính phủ quy định (điểm e) hoặc do Thủ tướng quyết định (điểm d).

“Quy định này tạo không gian rất rộng cho tình trạng xin - cho khi tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quá rộng, tương tự như cách thiết kế của Luật Khoáng sản 2010”, VCCI giải thích rõ lý do của đề xuất trên.

Thực tế, trong Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ có 6 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá trên tổng số 421 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, chiếm tỷ lệ 1,4%. Đối với các giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp, có 394 trên tổng số 4279 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá, chiếm tỷ lệ 9,2%. Theo VCCI, tỷ lệ rất thấp cho thấy đa số các mỏ khoáng sản vẫn được cấp phép chủ yếu theo hình thức “xin-cho”.

Hơn thế, Dự thảo quy định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nếu khoáng sản đã được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp. VCCI cho rằng, quy định này có nội hàm rất lớn, bao trùm nhiều loại khoáng sản quan trọng, đặc biệt là nhóm khoáng sản kim loại như quặng bauxite, quặng titan, quặng sắt… Đây đều là những loại khoáng sản còn nhiều tiềm năng khai thác, có giá trị thương mại lớn. Khi đó, các mỏ này đều có thể chuyển thành cơ chế không đấu giá, tiếp tục thực hiện cơ chế xin cho.

Trong khi đó, hiệu quả của công tác đấu giá đã được ghi nhận trên thực tế. Giá trúng đấu giá của 6 giấy phép do Bộ TNMT cấp cao hơn giá khởi điểm 76% (tính theo bình quân không gia quyền). Như vậy, nếu mở rộng các trường hợp đấu giá sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho ngân sách, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Cơ chế bảo đảm đầu tư đối với các dự án khoáng sản lớn

VCCI đang đề nghị bổ sung cơ chế bảo đảm đầu tư đối với các dự án khoáng sản lớn. Cụ thể Nhà nước đảm bảo ổn định môi trường đầu tư về các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với ngân sách; trong trường hợp có sự thay đổi pháp luật về nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với ngân sách thì nhà đầu tư không bị áp dụng mới các thay đổi bất lợi trong toàn bộ hoặc 50% thời gian đầu của dự án.

Dẫn phản ánh của các doanh nghiệp, VCCI cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn nhất hạn chế đầu tư lớn trong lĩnh vực khoáng sản là rủi ro chính sách. Sự thay đổi chính sách thường xuyên, liên tục theo chiều hướng bất lợi đối với các dự án khoáng sản đã đi vào hoạt động đã tác động rất tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

“Có doanh nghiệp phản ánh tình trạng các nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách đã tăng gấp gần ba lần so với các quy định vào thời điểm cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, như tăng thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thuế xuất khẩu khoáng sản”, VCCI báo cáo.

Trong khi đó, khoáng sản là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nên cần có môi trường kinh doanh ổn định mới có thể thu hút được các doanh nghiệp đầu tư bài bản, hiện đại, có khả năng thu hồi triệt để khoáng sản. Nếu các rủi ro chính sách này không được loại bỏ thì sẽ chỉ khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, cố gắng khai thác những phần quặng giàu, gần mặt đất và bỏ lại tài nguyên khó khai thác hơn.

Kinh nghiệm của nhiều lĩnh vực đầu tư khác cho thấy, muốn thu hút đầu tư lớn thì cần giảm rủi ro chính sách cho các dự án này. Việt Nam đang thu hút thành công các dự án đầu tư rất lớn trong nhiều lĩnh vực khác như chế tạo, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng nhờ sự ổn định chính sách. Các doanh nghiệp có thể yên tâm rằng các sắc thuế như thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân hay kể cả thuế nhập khẩu sẽ không có sự thay đổi lớn và đột ngột trong một khoảng thời gian dài. Sự ổn định này đã không có trong lĩnh vực khoáng sản trong thời gian qua, và cũng chưa được quy định trong Dự thảo.

Vấn đề bảo hộ đầu tư các dự án lớn luôn cần sự cân bằng giữa hai yếu tố. Một bên là sự ổn định của pháp luật (đặc biệt là các nghĩa vụ tài chính với ngân sách) nhằm tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư thì họ mới bỏ vốn làm ăn. Bên kia là tự chủ của Nhà nước trong việc ban hành các quy định pháp luật vì lợi ích công cộng.

Nếu không có các biện pháp bảo đảm đầu tư mạnh mẽ hơn thì chắc chắn mục tiêu thu hút đầu tư dự án lớn, kéo dài, công nghệ hiện đại sẽ không đạt được.

Tính giải pháp lập cơ quan điều phối khai thác, sử dụng cát toàn vùng ĐBSCL
Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm nằm trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư