Thứ Năm, Ngày 27 tháng 03 năm 2025,
Cổ phiếu ngân hàng chưa lấy lại sức hút
Thùy Vinh - 22/05/2013 07:59
 
Khó kỳ vọng mức lợi nhuận cao do nợ xấu tăng đẩy trích lập dự phòng tài chính tăng là nguyên nhân khiến cổ phiếu ngân hàng tiếp tục mất sức hút.
TIN LIÊN QUAN

Năm 2012, Southern Bank chi trả cổ tức với tỷ lệ 2,1%

Giá cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết trên sàn tuy vẫn giữ ở mức ổn định, nhưng rất khó tăng trong bối cảnh thị trường chứng khoán trầm lắng hiện nay.

Hơn nữa, với xu hướng nợ xấu tăng, đẩy trích lập dự phòng tăng, khiến nhà băng khó thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận cả năm, càng làm cổ phiếu ngân hàng mất sức hút, kể cả với ngân hàng lớn.

Chẳng hạn, Eximbank được xem là ngân hàng cổ phần có thế mạnh trong top đầu hiện nay, với tỷ lệ cổ tức năm 2013 dự kiến 12% và lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng (năm 2012 là 2.828 tỷ đồng).

Song theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, áp lực để hoàn thành mục tiêu trên là rất lớn. Đặc biệt, nếu Thông tư 02/2013/TT-NHNN sớm áp dụng theo lộ trình (tháng 6/2013), thì lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.

“4 tháng đầu năm nay, Eximbank chỉ đạt mức lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 500 tỷ đồng, không hoàn thành kế hoạch. Nếu nợ xấu tăng, trích lập dự phòng nhiều, Eximbank buộc phải giảm cổ tức”, ông Dũng cho biết.

Không chỉ với Eximbank, mà ngay cả Sacombank, chỉ tiêu lợi nhuận mà ngân hàng này đưa ra cho năm nay cũng chỉ ở mức 2.800 tỷ đồng. Lý giải cho việc tại sao quá thận trọng trong việc xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2013, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng, với diễn biến của thị trường và nợ xấu năm nay, khó có thể kỳ vọng mức lợi nhuận cao, nhất là khi nợ xấu đang có xu hướng tăng, đòi hỏi ngân hàng phải trích lập nhiều, nên khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao. Tuy nhiên, Sacombank vẫn dự kiến mức cổ tức năm nay vào khoảng 9 - 10%.

Song không phải nhà băng nào cũng được như Eximbank hay Sacombank. Thực tế thị trường năm 2012 cho thấy, tỷ lệ cổ tức mà các ngân hàng, nhất là những đơn vị nhỏ chi trả cho cổ đông đã giảm đáng kể, thua xa lãi suất tiết kiệm 7,5%/năm hiện nay. Đơn cử, cổ tức tại Southern Bank năm 2012 là 2,1%; Mekong Bank xấp xỉ 3%, NamA Bank hơn 3%...

Về tiềm năng tăng trưởng của các ngân hàng, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính là rất tốt, nhất là với những ngân hàng lớn. Tuy nhiên, dự báo lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ chịu nhiều áp lực khiến cổ phiếu một thời được xem là “vua” khó hút nhà đầu tư, nhất là trước diễn biến thị trường chứng khoán trầm lắng kéo dài. Đồng thời, trước áp lực tái cấu trúc và làn sóng sáp nhập, hợp nhất, mua lại nóng dần khiến các nhà băng nhỏ phải chọn phương án mua bán, sáp nhập (M&A) để hợp sức phát triển và tồn tại.

Chính yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp lên cổ phiếu của ngân hàng nhỏ, do nhà đầu tư e ngại làn sóng M&A sẽ xóa tên nhà băng nhỏ. Đây cũng là lý do khiến kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng trong 2 năm qua bất thành, khi nhà đầu tư không còn mặn mà với việc bỏ thêm tiền mua cổ phiếu ngân hàng (cho dù được ưu đãi), đặc biệt là ngân hàng quy mô nhỏ trước áp lực tái cơ cấu.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, sức ép tái cấu trúc lên các nhà băng nhỏ sẽ còn gia tăng trong thời gian tới, nên khó có thể kỳ vọng thực hiện các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn. “Cổ phiếu ngân hàng cũng khó kỳ vọng sớm tăng điểm, nhất là trước bối cảnh hoạt động của ngành đang có những khó khăn nhất định”, ông Nghĩa đánh giá.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư