Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Colin Huang: Từ kỹ sư google đến người giàu nhất Trung Quốc
Linh Dương - 10/08/2024 08:12
 
Colin Huang, người sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo, hiện đang giữ vị trí người giàu nhất Trung Quốc với tài sản trị giá 48,6 tỷ USD, theo xếp hạng của Bloomberg Billionaires Index.
Colin Huang (44 tuổi) đang có tổng tài sản 48,6 tỷ USD, giàu thứ 25 thế giới và thứ 3 châu Á. Ảnh: Reuters

Colin Huang sinh ngày 1/1/1980 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Cha mẹ ông là công nhân và cuộc sống gia đình không mấy khá giả. Ông được gọi là "thần đồng toán học" và giành giải thưởng Olympic Toán khi còn học trung học. Với sự khuyến khích của giáo viên chủ nhiệm, Huang đã theo học tại Trường Ngoại ngữ Hàng Châu (HFLS), một trong những trường có tính chọn lọc cao nhất ở Trung Quốc. Sau đó, ông theo học ngành Khoa học máy tính tại Đại học Chiết Giang, nơi đã mở ra nhiều cơ hội cho ông tiếp xúc với công nghệ và văn hóa phương Tây.

Sau khi tốt nghiệp, Huang bắt đầu sự nghiệp tại Microsoft và sau đó gia nhập Google vào năm 2004. Tại Google, ông góp mặt trong việc phát triển nhiều sản phẩm quan trọng, nhưng quyết định rời công ty vào năm 2007 để khởi nghiệp ở Trung Quốc.

Quá trình khởi nghiệp của Huang không hề suôn sẻ. Ông đã thành lập và bán công ty Ouku, và sau đó tiếp tục với Leqi và Xumeng, nhưng không đạt được thành công như mong đợi. Đến năm 2015, Huang sáng lập Pinduoduo (PDD), một nền tảng thương mại điện tử cung cấp sản phẩm giá rẻ với yếu tố giải trí. Mô hình này đã nhanh chóng thu hút hàng triệu người dùng và tạo ra sự cạnh tranh đáng gờm với các tập đoàn thương mại điện tử lớn như Alibaba và JD.com.

Ngày 26/7/2018, Pinduoduo chính thức lên sàn chứng khoán Nasdaq, ghi dấu ấn quan trọng trong hành trình phát triển của công ty. Chỉ sau hai năm, Pinduoduo đã trở thành một trong những sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Trung Quốc.

Huang bất ngờ từ chức CEO của Pinduoduo vào tháng 7/2020 và rời ghế chủ tịch vào năm 2021, nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng tại PDD Holdings. 

Sau khi rút lui khỏi vị trí lãnh đạo, Colin Huang tiếp tục mở rộng tầm nhìn của mình ra thị trường quốc tế. Tháng 9/2022, PDD Holdings cho ra mắt Temu, một nền tảng mua sắm trực tuyến hướng đến thị trường nước ngoài. Temu nhanh chóng trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trên các cửa hàng ứng dụng tại Mỹ, nhờ vào việc cung cấp các sản phẩm giá rẻ, không có thương hiệu và được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc.

Thành công của Temu đã giúp PDD Holdings báo cáo doanh thu 35 tỷ USD trong năm 2023, tăng 90% so với năm trước đó. Điều này cũng đẩy giá trị cổ phiếu niêm yết ở Mỹ của công ty tăng vọt 80%, nâng tổng giá trị thị trường của PDD lên 91,3 tỷ USD. Tháng 11/2023, vốn hóa PDD chính thức vượt qua Alibaba, trở thành công ty Internet lớn thứ hai tại Trung Quốc, chỉ sau Tencent.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của PDD cũng thu hút sự giám sát chặt chẽ từ cả trong và ngoài nước. Sau cuộc điều tra về điều kiện làm việc tại PDD sau cái chết của một nhân viên vào năm 2021, công ty vẫn tiếp tục yêu cầu nhân viên làm việc theo chế độ "996" - làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày mỗi tuần - thậm chí còn khắc nghiệt hơn với biến thể "11 giờ sáng đến 11 giờ tối" cộng với làm thêm giờ. Điều này đã dấy lên nhiều tranh cãi và chỉ trích từ dư luận.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư