Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 04 năm 2025,
Công bố Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 ngành Công nghệ - Viễn thông - Chuyển đổi số
Như Loan - 03/04/2025 09:00
 
Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về việc cam kết và thực hiện ESG và Top 100 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025, Viet Research phối hợp với Báo Tài chính - Đầu tư (Bộ Tài chính) công bố Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 ngành Công nghệ - Viễn thông - Chuyển đổi số (ESG10 - 2025).

Đây là những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Công nghệ - Viễn thông - Chuyển đổi số tiên phong trong việc đưa ra các cam kết và thực hiện mục tiêu ESG, phát triển bền vững trong ngành, thể hiện qua: (1) Hiệu quả kinh doanh và tính bền vững trong so sánh với mức trung bình ngành; (2) Các cam kết và thực hiện về môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp.

ESG10 được xem là một điểm khởi đầu quan trọng cho hành trình chuyển đổi của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. ESG10 đóng vai trò quan trọng trong việc: Thiết lập các tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo tính tương thích với chuẩn mực quốc tế; Tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong việc cải thiện hiệu quả ESG; Xây dựng cơ sở dữ liệu về thực tiễn ESG tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cho công tác hoạch định chính sách và nghiên cứu.

Danh sách Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 - Ngành Công nghệ - Viễn thông - Chuyển đổi số và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình www.esg10.vn.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (www.esg10.vn.)

Ngành Công nghệ - Viễn thông - Chuyển đổi số Việt Nam “lên sóng” ESG: Từ tuyên bố đến hành động

Ngành Công nghệ – Viễn thông – Chuyển đổi số đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua, với sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VNPT và các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác. Chính phủ Việt Nam cũng đã đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt sau cam kết tại Hội nghị COP26 năm 2021 với giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050 và cắt giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Những cam kết này đã tạo áp lực và động lực để các doanh nghiệp trong ngành Công nghệ – Viễn thông – Chuyển đổi số tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh.

Các doanh nghiệp lớn như, VNPT, Viettel và FPT nổi bật với những tuyên bố mạnh mẽ. Trước áp lực ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững, các doanh nghiệp viễn thông đang tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi theo hướng xanh hóa. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), trong quá trình chuyển mình từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số (techco), cũng đang định hướng chiến lược phát triển xanh nhằm góp phần bảo đảm sự phát triển lâu dài và bền vững cho đất nước và xã hội.

Tập đoàn Viettel cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu (Data Center) xanh đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại Hòa Lạc, với tổng công suất điện lên tới 30MW - hiện là trung tâm có công suất lớn nhất cả nước vào năm 2024. Trung tâm này được thiết kế chuyên biệt để xử lý các tác vụ phức tạp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Tập đoàn FPT cũng lần đầu tiên công bố báo cáo ESG dưới dạng độc lập. FPT nhấn mạnh ESG chính là động lực bổ trợ cho giá trị cốt lõi, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh trở thành một Tập đoàn toàn cầu bền vững và hạnh phúc.

Chi phí, khoảng cách số và tư duy quản trị: Ba nút thắt ESG của ngành công nghệ Việt

Trong bối cảnh toàn cầu đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, ngành Công nghệ - Viễn thông - Chuyển đổi số Việt Nam - với vai trò là hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số - cũng đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải tích hợp các yếu tố Môi trường (E), Xã hội (S) và Quản trị (G) vào chiến lược phát triển. Tuy nhiên, con đường triển khai ESG trong ngành này vẫn còn không ít rào cản. Theo nghiên cứu và khảo sát của Viet Research với các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Công nghệ - Viễn thông - Chuyển đổi số nổi lên một số thách thức chính bao gồm:

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (www.esg10.vn.) 

Thách thức đầu tiên đến từ yếu tố môi trường. Ngành viễn thông tiêu thụ lượng điện năng rất lớn, đặc biệt tại các trạm phát sóng và trung tâm dữ liệu. Việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo hoặc áp dụng công nghệ tiết kiệm điện đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu rất cao, trong khi hiệu quả kinh tế chưa thể hiện rõ ràng trong ngắn hạn.

Về mặt xã hội, một trong những thách thức lớn là thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền. Dù hạ tầng viễn thông đã phủ rộng, nhưng khả năng tiếp cận dịch vụ số chất lượng cao tại các khu vực vùng sâu vùng xa vẫn còn hạn chế.

Thách thức về quản trị cũng không nhỏ. Việc tích hợp ESG đòi hỏi doanh nghiệp phải thiết lập hệ thống quản trị nội bộ minh bạch, có khả năng đo lường và báo cáo các chỉ số ESG một cách thường xuyên, đúng chuẩn.

Ngoài ra, nhận thức về ESG trong ngành còn chưa đồng đều. Nhiều doanh nghiệp vẫn xem ESG như một hoạt động bên lề thay vì một chiến lược cốt lõi, dẫn đến thiếu cam kết dài hạn từ ban lãnh đạo. Việc chưa gắn ESG với giá trị tài chính và hiệu quả kinh doanh cũng khiến động lực triển khai bị hạn chế.

ESG - “Tấm hộ chiếu xanh” định hình tương lai ngành công nghệ Việt

Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, ngành Công nghệ – Viễn thông – Chuyển đổi số không chỉ giữ vai trò then chốt trong tăng trưởng kinh tế mà còn đang trở thành lực đẩy quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững. Theo nghiên cứu và khảo sát của Viet Research với các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Công nghệ - Viễn thông - Chuyển đổi số một số xu hướng nổi bật đang dần định hình cách tiếp cận ESG trong ngành này.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (www.esg10.vn.)

Xanh hóa hạ tầng số là một trong những xu hướng chủ đạo. Các doanh nghiệp viễn thông lớn tại Việt Nam đang tích cực triển khai trung tâm dữ liệu đạt chuẩn “xanh”, sử dụng công nghệ làm mát tiết kiệm điện, tận dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời tại các trạm phát sóng và văn phòng.

Thu hẹp khoảng cách số và nâng cao năng lực số cho cộng đồng là trọng tâm trong trụ cột “S”. Các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào hạ tầng kết nối vùng sâu vùng xa, đồng thời triển khai nhiều chương trình phổ cập kỹ năng số cho người dân, học sinh và doanh nghiệp nhỏ.

Có thể thấy, ESG không còn là một lựa chọn “tự nguyện” mà đang trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp Công nghệ - Viễn thông - Chuyển đổi số. Trong bối cảnh khách hàng, nhà đầu tư và chính phủ ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội và môi trường, việc tiên phong trong ESG sẽ là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong hành trình hội nhập và phát triển bền vững.

Lễ Công bố và Vinh danh các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 - Ngành Công nghệ – Viễn thông – Chuyển đổi số (ESG10 - 2025) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Vietnam Summit - 2025: Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai bền vững tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 27 tháng 6 năm 2025 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình www.esg10.vn và trên các kênh truyền thông đại chúng.

Công bố Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 ngành Dược phẩm - Thiết bị Y tế
Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về việc cam kết và thực hiện ESG và Top 100 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025, Viet Research phối hợp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư