Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Công nghệ cao không chỉ là lắp ráp
Bảo Giang - 14/07/2013 09:10
 
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) công nghệ cao ở Việt Nam hiện quá thiếu và quá yếu nếu so với mục tiêu thu hút đầu tư vào ngành này. Đó là nhận định nhận được sự đồng thuận tại Diễn đàn quốc tế Phát triển CNHT công nghệ cao TP.HCM 2013, do Hội Tin học TP.HCM (HCA), Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM và Công ty TNHH ITO Việt Nam phối hợp tổ chức đầu tuần này tại TP.HCM.
TIN LIÊN QUAN

CNHT mới phát triển ở mức “quyết tâm”

Một thực tế được chính các nhà quản lý chia sẻ tại Diễn đàn là trên thực tế, nhu cầu phát triển CNHT đã được nhìn nhận từ khá lâu, song hiện mới chỉ dừng ở các văn bản.

“Nhiều năm qua, CNHT công nghệ cao nước ta chủ yếu là lắp ráp, không tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm, không có tác động lan tỏa cho DN nội địa, các DN trong ngành cũng chưa được ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn”, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HCA nhận định.

Nhiều năm qua, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao nước ta chủ yếu là lắp ráp

Ông Osato Kazuhiko, Phó giám đốc Văn phòng Jetro TP.HCM đưa ra một thực tế “buồn”: theo khảo sát của Jetro vào cuối năm 2012, chi phí cho phát triển ngành CNHT của các DN Nhật tại Việt Nam chỉ khoảng 28%, trong khi con số tương tự tại Trung Quốc và Thái Lan lần lượt là 61% và 53%.

Trong 5 năm (2007-2012), tổng chi phí cho phát triển CNHT của Việt Nam chỉ tăng 1,5%, trong khi cùng kỳ ở Indonesia là 4%. Điều này cho thấy, sự quan tâm CNHT ở Việt Nam chưa cao, hoặc CNHT không có điều kiện phát triển tại Việt Nam.

Đỏ mắt tìm nhà cung cấp

Đó là chia sẻ của bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP). Theo bà Loan, nhiều DN công nghệ cao như Intel, Nidec Tosok… hoạt động tại khu công nghệ cao, nhưng đều kêu thiếu nhân lực và nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ. “Chúng ta chưa đẩy mạnh được ngành CNHT công nghệ cao. Vấn đề cốt lõi nằm ở chính sách thu hút đầu tư”, bà Loan nói.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng đối với các sản phẩm phụ trợ theo người đại diện phụ trách thu mua Công ty Intel Vietnam, là sản phẩm cung ứng không chỉ đạt độ an toàn cao, mà chất lượng phải đồng nhất, kỹ thuật phải đạt đúng trình độ công nghệ theo yêu cầu, nhà cung ứng còn phải có khả năng giao dịch điện tử với Intel.

Bài học kinh nghiệm của Nhật Bản

Với 25 năm kinh nghiệm phát triển công nghệ hỗ trợ công nghệ cao trên thế giới, ông Peter Opdahl, Chủ tịch Tập đoàn ITO chia sẻ: “Chúng tôi nhìn thấy ở Việt Nam rất nhiều cơ hội. Điều quan trọng nhất chúng tôi muốn là nhân tài bản địa sẽ hỗ trợ nền công nghiệp địa phương. Càng địa phương hóa càng tốt và điều đó giúp Việt Nam trở thành nước có chuỗi cung ứng toàn diện các sản phẩm hỗ trợ công nghệ cao”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, song cần một lộ trình và cần phát triển 4 yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính và hệ thống phân phối.

Để phát triển được 4 yếu tố trên, các chuyên gia từ Nhật Bản cho rằng, Việt Nam có thể sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng một quỹ tài chính đảm bảo cho việc phát triển công nghiệp phụ trợ của những ngành đã được chỉ định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư