Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Công ty chứng khoán tiếp tục cuộc đua huy động vốn
Thanh Thủy - 26/10/2023 08:02
 
Quy mô vốn chủ sở hữu của nhóm công ty chứng khoán liên tục tăng trong những quý gần đây. Không chỉ huy động thêm vốn từ cổ đông, mà vốn vay ngân hàng và vốn từ nhà đầu tư cũng là các kênh bổ sung nguồn vốn cho nhóm này.
Thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh: Dũng Minh

Cuộc đua tăng vốn vẫn sôi động

Cập nhật tình hình tài chính của các công ty chứng khoán đến cuối quý III/2023, quy mô vốn chủ sở hữu của Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) tiếp tục đứng đầu ngành chứng khoán. Sau khi tăng vọt nhờ nguồn vốn góp tăng thêm của chủ sở hữu (chủ yếu từ ngân hàng mẹ Techcombank) trong quý II/2023, vốn chủ sở hữu của TCBS vượt qua SSI, vươn lên vị trí thứ nhất.

Tiếp tục “dày” thêm nhờ khoản lãi trước thuế quý III/2023 đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức cao nhất trong số các công ty công bố báo cáo tài chính đến thời điểm hiện tại, TCBS hiện có quy mô vốn chủ sở hữu đạt 22.960 tỷ đồng, nới rộng khoảng cách với SSI.

Nhờ sự phục hồi lợi nhuận trong các quý gần đây cùng các đợt góp vốn mới từ các cổ đông, một số công ty chứng khoán gia tăng đáng kể năng lực tài chính từ vốn chủ sở hữu so với thời điểm đầu năm. Điển hình là TCBS (+109%), DSC (+107%), Yuanta Việt Nam (+24,7%), Vietcap (+12,2%)…

Cụ thể, TCBS đã hoàn tất chào bán 105 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 95.000 đồng/cổ phiếu cho Techcombank trong quý II/2023, qua đó tăng vốn điều lệ từ gần 1.127 tỷ đồng lên 2.177 tỷ đồng, nhưng lại bổ sung thêm hàng ngàn tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần nhờ phát hành với giá chênh cao.

Trong khi đó, Chứng khoán DSC mới tăng vốn trong quý III/2023, từ 1.000 tỷ đồng lên 2.048 tỷ đồng. Cùng với việc tăng huy động vốn vay từ các nhà băng, đặc biệt là BIDV và PGBank, tổng tài sản của DSC ở thời điểm hiện tại vượt hơn 4.000 tỷ đồng, cao hơn 66% so với thời điểm đầu năm.

Cuộc đua tăng huy động vốn và gia tăng năng lực tài chính vẫn đang tiếp tục. Vốn chủ sở hữu nhóm các công ty chứng khoán quý sau liên tục cao hơn quý trước, tăng khoảng 14% so với thời điểm đầu năm.

Đầu tháng 10/2023, Chứng khoán HD (HDS) thông qua phương án chi tiết phát hành hơn 67,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến hoàn tất trong quý IV/2023 và quý I/2024. Mức giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu. Quy mô vốn điều lệ sẽ có bước nhảy vọt từ 1.023 tỷ đồng lên hơn 1.698 tỷ đồng. Số tiền huy động dành tới 80% cho các hoạt động vay ký quỹ, ứng tiền và bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động tự doanh; phần còn lại dành cho đầu tư hạ tầng công nghệ.

Hay như thông báo đầu tuần này, Hội đồng Quản trị Chứng khoán SSI đã họp và quyết định tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua việc chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành hơn 302 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu trong năm 2023. Đây là động thái tiếp theo sau khi kế hoạch tăng vốn đã được cổ đông phê duyệt tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Ngoài số cổ phiếu thưởng phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 100:20, cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu trong trường hợp phân phối thành công có thể mang về 2.266,5 tỷ đồng. Giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu, gấp rưỡi mệnh giá.

Trước đó, vào trung tuần tháng 10/2023, Chứng khoán SSI cũng đã thông qua việc triển khai phương án phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thực hiện trong quý IV/2023 và quý I/2024. Phương án này dự kiến mang về 100 tỷ đồng “tiền tươi thóc thật” cho Công ty.

Trong trường hợp các đợt phát hành đều thành công và lợi nhuận các quý tới của TCBS không quá cách biệt, thì Chứng khoán SSI có thể sớm lấy lại ngôi vương về vốn chủ sở hữu.

Tích cực đi vay

Xét về tổng tài sản, SSI vẫn liên tục duy trì vị trí dẫn đầu, với quy mô đạt 55.282 tỷ đồng, tương đương 2,23 tỷ USD. Tổng các khoản nợ phải trả của công ty chứng khoán này đã vọt lên trên 32.500 tỷ đồng, tăng 12,5% so với quý liền trước và chỉ còn thấp hơn gần 11% so với mức cao nhất từng ghi nhận hồi cuối quý I/2023.

Với nguồn vốn dồi dào hơn, đa phần các công ty chứng khoán sử dụng nguồn vốn tăng thêm để dần mở rộng cho vay ký quỹ sau khi co mạnh từ quý III/2022. Tính với gần 60 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính, tổng giá trị cho vay margin đã về sát mức dư nợ cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều với cùng kỳ năm trước do nhu cầu vốn yếu của nền kinh tế. Số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng đến ngày 11/10 mới tăng 6,29% - thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (tăng 11,12%).

Trong khi đó, dòng tiền tín dụng lại chảy tích cực hơn vào các công ty chứng khoán lớn. Phần lớn các khoản vay của SSI đến từ 3 ngân hàng có vốn nhà nước, gồm Vietcombank (8.459 tỷ đồng), VietinBank (6.160 tỷ đồng), BIDV (hơn 4.060 tỷ đồng), với lãi suất chưa đến 8,3%/năm. Chưa kể, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp cũng kéo dòng tiền của các nhà đầu tư sử dụng các sản phẩm tài chính mang về lợi tức cố định cao hơn lãi suất ngân hàng. Dù góp phần khiêm tốn hơn, nhưng đang mở rộng nhanh chóng là các khoản vay nợ ngoài ngân hàng - tăng từ hơn 1.700 tỷ đồng cuối năm 2022 lên 3.060 tỷ đồng vào cuối quý III/2023.

Không riêng SSI, nguồn vốn huy động từ các cá nhân, tổ chức khác ngoài ngân hàng cũng tăng lên nhanh chóng tại một số công ty chứng khoán công bố sản phẩm với mức lợi suất cao. Như tại VPBankS, các khoản vay từ tổ chức, cá nhân ngoài ngân hàng đóng góp xấp xỉ 1.380 tỷ đồng. Dù chỉ đóng góp tỷ trọng nhỏ trong nguồn vốn, song khoản vốn này lại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ vay tài chính.

Với nguồn vốn dồi dào hơn, đa phần các công ty chứng khoán sử dụng nguồn vốn tăng thêm để dần mở rộng cho vay ký quỹ sau khi co mạnh từ quý III/2022. Tính với gần 60 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính, tổng giá trị cho vay margin đã về sát mức dư nợ cùng kỳ năm ngoái.

Đây là điều dễ hiểu bởi thị trường chứng khoán đã có sự khởi sắc mạnh mẽ, đặc biệt về thanh khoản. Giá trị giao dịch trong 2 tháng đầu quý III/2023 đã xuất hiện hàng loạt phiên thanh khoản trên tỷ đô-la. So với mức nền so sánh thấp cùng kỳ, ngành chứng khoán cũng ghi nhận nhiều công ty báo lãi tăng trưởng đột biến nhờ sự sự sôi động trở lại của thị trường.

Dù vậy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán giảm đi đáng kể thời gian qua. Trước các đợt điều chỉnh mạnh của thị trường, cùng loạt yếu tố khó đoán định của môi trường vĩ mô, nhà đầu tư thận trọng hơn trong quyết định của mình, nên đã ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của các đơn vị trung gian như công ty chứng khoán.

Đến lượt công ty chứng khoán đua tăng vốn điều lệ
Vừa chào bán 2 lần liên tiếp cho cổ đông hiện hữu trong 10 tháng, Chứng khoán VNDirect tiếp tục muốn chào bán thêm cổ phần để trở thành doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư