Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Cuộc đua” giành giật từng thuê bao Internet
Hữu Tuấn - 04/07/2016 08:39
 
Cuộc cạnh tranh giành thị phần Internet tại Việt Nam đang diễn ra rất khốc liệt giữa 3 “đại gia” là VNPT, Viettel và FPT Telecom.

Cáp quang lấn át cáp đồng

Theo số liệu mới nhất từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết tháng 6/2016, cả nước có 8,19 triệu thuê bao Internet cố định, gồm cả cáp đồng (ADSL) và cáp quang (FTTx), tăng gấp đôi so với năm 2011 (4,08 triệu thuê bao). Mức thâm nhập (số đường băng rộng/hộ gia đình) tại Việt Nam đã đạt 37%, tức là cứ 3 hộ gia đình thì có hơn 1 hộ sử dụng băng thông rộng cố định.

Tuy nhiên, trong 2 nhánh của mảng Internet cố định lại có sự “đổi ngôi”. Trong khi Internet ADSL giảm mạnh lượng thuê bao, thì nhánh cáp quang lại phát triển bùng nổ. Tính từ tháng 4/2013 đến tháng 4/2016, đã có 1,5 triệu thuê bao ADSL “bốc hơi”, không sử dụng dịch vụ. Nguyên nhân là phần lớn lượng thuê bao này chuyển sang dùng FTTx vì giá giữa hai dịch vụ không còn chênh lệch nhiều.

.
VNPT hiện là nhà cung cấo dịch vụ Internet lớn nhất tại Việt Nam

Trong khi đó, thị trường FTTx chứng kiến điều hoàn toàn ngược lại. Nếu như tháng 4/2013 mới có 0,21 triệu thuê bao, thì đến tháng 4/2016 con số này đã là 4,5 triệu - gấp 21 lần chỉ sau 3 năm.

Xu hướng dịch chuyển từ cáp đồng sang cáp quang là điều mà các nhà mạng lớn đã dự liệu trước đó bởi đó là xu thế chung toàn cầu. Tuy nhiên, tác động của xu hướng này đối với các nhà mạng rất khác nhau. Nhà cung cấp đang nắm giữ thị phần lớn nhất là VNPT đã bị ảnh hưởng lớn nhất, với phần lớn trong số 1,5 triệu thuê bao “bốc hơi” thuộc VNPT.

Giành nhau từng khách hàng

Các nhà cung cấp Internet đang áp dụng mọi chiến thuật, sách lược và thậm chí cả các “chiêu trò” để giành giật thị phần, trong đó, điển hình nhất là “cuộc chiến” hạ giá cước.

Theo tính toán, suất đầu tư cho một thuê bao cáp quang là 6,65 triệu đồng. Để duy trì cho thuê bao hoạt động, với vốn đầu tư bỏ ra, mức cước cáp quang khoảng 320.000 đồng/tháng mới bảo đảm có lãi.

Nhưng trên thực tế, ngoại trừ thuê bao là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trả theo gói dịch vụ riêng, thì đối với khối khách hàng cá nhân, mức cước hiện chỉ từ 180.000 đồng/tháng. Thậm chí, có nhà cung cấp còn đưa ra gói cước cáp quang chỉ từ 135.000 đồng/tháng.

Không chỉ cạnh tranh về giá, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh, như ban đầu bán giá rẻ, sau đó “bóp” băng thông, ép khách dùng gói cước giá cao hơn…

Cuộc chơi dài hạn

Từ năm 2010 đến nay, 80 - 90% thị phần Internet Việt Nam nằm trong tay 3 nhà cung cấp là VNPT, Viettel, FPT Telecom. Trong “tam đại gia” này, VNPT luôn giữ vị thế dẫn đầu và đạt mức tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2010 - 2015.

Tổng số thuê bao Internet băng rộng của VNPT đến cuối năm 2015 đạt 3,2 triệu thuê bao, tăng 241.000 thuê bao so với cuối năm 2014 (trong đó có 800.000 thuê bao FTTx, gấp hơn 4 lần so với năm 2014).

Thị phần của VNPT tuy giảm từ 67% ở năm 2011 xuống 50% vào tháng 6/2016, song số lượng thuê bao của “đại gia” này vẫn tăng thêm 1,4 triệu do thị trường tăng nhanh.

Đối thủ của VNPT là Viettel cũng đang có sự phát triển khá ấn tượng. Nếu như năm 2012, Viettel mới chiếm gần 20% thị phần, thì năm 2014, doanh nghiệp này đã chiếm đến 39% thị phần Internet. Còn FPT năm 2012 mới chiếm 12,62%, thì năm 2014 đã chiếm hơn 26% thị phần Internet cố định.

“Cuộc chiến” trong thị trường băng rộng cố định là cuộc chơi dài hạn do chi phí đầu tư lớn, hồi vốn chậm. Do đó, chiến thắng thuộc về nhà mạng nào là câu chuyện đường dài, chứ không mang tính thời điểm.

Doanh nghiệp mới và Giám đốc được "tặng" cước Internet
Từ nay đến 31/7, VNPT VinaPhone Hà Nội triển khai chương trình khuyến mãi khá "đặc biệt" dành cho doanh nghiệp mới và Giám đốc doanh nghiệp sử...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư