Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 14 tháng 08 năm 2024,
Cựu vụ trưởng lừa bán dự án, chiếm đoạt 80 tỷ đồng
Huệ Nguyễn - 14/08/2024 08:58
 
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội, dù không sở hữu Dự án đảo Núi Cuống (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh), song Nguyễn Sỹ Tá, cựu Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Dân tộc) vẫn tự nhận là của mình để bán cho người khác, chiếm đoạt 80 tỷ đồng.
Phối cảnh Dự án đảo Núi Cuống (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh)	 ảnh: quangninh.gov.vn
Phối cảnh Dự án đảo Núi Cuống (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh)  Ảnh: quangninh.gov.vn

Không thừa nhận tội danh

Vừa qua, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, liên quan tới bị cáo Nguyễn Sỹ Tá, cựu Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (thuộc Ủy ban Dân tộc).

Đây là lần thứ ba, phiên tòa được mở, song tiếp tục phải tạm hoãn do vắng mặt bị hại là ông Đỗ Anh Dũng và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ông Đỗ Anh Dũng còn được biết đến là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh), đang bị tạm giam do liên quan tới vụ án khác.

Tại tòa, Hội đồng Xét xử công bố đơn xin xét xử vắng mặt của ông Đỗ Anh Dũng, vì lý do sức khỏe không đảm bảo để tham dự phiên tòa, nên ủy quyền toàn bộ cho luật sư tham dự, nêu quan điểm.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Sỹ Tá tiếp tục không thừa nhận tội danh như cáo buộc và có quan điểm khác liên quan tới số tiền đã trả lại bị hại. Từ đó, bị cáo này đề nghị Hội đồng Xét xử hoãn phiên tòa và có biện pháp dẫn giải ông Đỗ Anh Dũng tới tòa để đối chất các nội dung liên quan.

Cơ quan tố tụng khẳng định, việc xác định hành vi phạm tội của Nguyễn Sỹ Tá là đúng người, đúng tội danh và hình phạt quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc chung thân.

Cũng theo công bố của Hội đồng Xét xử, nội dung đơn xin xét xử vắng mặt của ông Đỗ Anh Dũng cũng cho rằng, bản thân mới nhận lại 13 tỷ đồng từ Nguyễn Sỹ Tá, thay vì 33 tỷ đồng như cáo trạng nêu. Ngoài ra, bà Đinh Thị Hải Yến, đại diện phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Đức Anh cho biết, dự án mà bị cáo Nguyễn Sỹ Tá thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cho ông Đỗ Anh Dũng, hiện đã được chuyển nhượng cho đối tác khác, cần có thời gian cung cấp hồ sơ tới tòa.

Do có mâu thuẫn về số tiền bị chiếm đoạt, số tiền đã nhận lại và cơ sở pháp lý của việc chuyển nhượng dự án, nên đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị tạm hoãn phiên tòa để xác minh lại từ phía bị cáo, bị hại và những người liên quan. Sau khi hội ý, Hội đồng Xét xử đã quyết định tạm hoãn phiên tòa.

Viện Kiểm sát cáo buộc hành vi lừa bán dự án

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội xác định, khoảng cuối năm 2018, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Đức Anh (Công ty Đức Anh) muốn bán Dự án đảo Núi Cuống (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) do đơn vị này làm chủ đầu tư, nên đã nhờ Nguyễn Sỹ Tá tìm đối tác mua.

Sau đó, bà Đinh Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đức Anh (một trong 3 cổ đông) đã ký quyết định ủy quyền cho ông Nguyễn Sỹ Tá, với nội dung “thay mặt Công ty giao dịch với đối tác mua lại cổ phần vốn góp của các thành viên. Khi đối tác đồng ý mua thì thông báo lại cho Hội đồng Quản trị để các thành viên góp vốn ký hợp đồng sang nhượng, bán toàn bộ cổ phần”.

Do có quen biết từ trước, nên tháng 12/2018, Nguyễn Sỹ Tá đã đến gặp ông Đỗ Anh Dũng và cho xem quyển quy hoạch địa điểm đảo Núi Cuống để giới thiệu bán dự án trên; đồng thời cho biết, dự án này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh quy hoạch phát triển du lịch, đô thị sinh thái, nhà ở, khách sạn.

Để tạo niềm tin, Tá nói rằng, đây là công ty, dự án của mình, do trước đây làm Giám đốc Nhà khách 37 Hùng Vương, có quan hệ với “các bác”, nên được “cho” dự án, nhưng phải nhờ đứng tên hộ.

Ông Đỗ Anh Dũng sau đó đã tin tưởng, đồng ý mua lại Dự án và thống nhất giá chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty Đức Anh với giá trị là 400 tỷ đồng.

Nguyễn Sỹ Tá yêu cầu phải đặt cọc trước 20% giá trị Dự án, tương đương 80 tỷ đồng và “nhắc” ông Dũng phải giữ bí mật việc này để mình đi cảm ơn và cũng để thuận lợi hơn cho việc xin thêm diện tích xây dựng sau này.

Còn lại 320 tỷ đồng, Nguyễn Sỹ Tá cam kết sẽ ghi trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, nên hai bên thống nhất ký thỏa thuận đặt cọc và hợp đồng chuyển nhượng Dự án.

Đáng nói, trong hợp đồng dự thảo, Nguyễn Sỹ Tá yêu cầu ghi giá trị chuyển nhượng chỉ là 320 tỷ đồng, còn lại 80 tỷ đồng tiền đặt cọc thì ghi là “tiền đặt cọc” để đảm bảo cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng.

Quá trình 3 cổ đông của Công ty Đức Anh và ông Đỗ Anh Dũng thực hiện các thủ tục ký kết chuyển nhượng cổ phần, Nguyễn Sỹ Tá đều có mặt để chứng kiến. Trong ngày 10/1/2019 và 11/1/2019, Nguyễn Sỹ Tá đã nhận tổng cộng 80 tỷ đồng và ký biên nhận thanh toán tiền đặt cọc, nhưng không chuyển cho các cổ đông của Công ty Đức Anh số tiền này.

Cùng với đó, Tá cũng yêu cầu cổ đông của Công ty Đức Anh ký cam kết trích thưởng với số tiền 20 tỷ đồng khi hoàn thành việc chuyển nhượng cổ phần và nhận đủ tiền thanh toán mua cổ phần.

Tuy nhiên, khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng trên, Công ty Đức Anh không nhận được tiền như thỏa thuận, nên ngày 15/2/2019 đã đơn phương chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và hủy quyết định ủy quyền cho Nguyễn Sỹ Tá.

Sau khi làm việc với các cổ đông của Công ty Đức Anh, ông Đỗ Anh Dũng mới biết công ty này không phải của Tá, nên đã làm các thủ tục thanh lý hợp đồng cũ và ký kết hợp đồng mới để tiếp tục nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông này.

Trước yêu cầu hoàn trả lại số tiền 80 tỷ đồng đã đặt cọc, Nguyễn Sỹ Tá đã trả lại ông Dũng tổng cộng 33 tỷ đồng, còn chiếm giữ 47 tỷ đồng.

Phí “môi giới dự án” 20 tỷ đồng

Quá trình điều tra, Nguyễn Sỹ Tá không thừa nhận hành vi phạm tội và liên tục thay đổi lời khai; đồng thời cho rằng, số tiền 80 tỷ đồng là do ông Đỗ Anh Dũng “hứa thưởng” cho Tá nếu giúp mua được 100% cổ phần của Công ty Đức Anh.

Thêm vào đó, Nguyễn Sỹ Tá khai, sau khi hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng, ông Dũng đã gọi Tá đến thông báo việc mua bán sắp thành công, nên thưởng số tiền trên. Do “không đọc nội dung”, nên Tá đã ký vào biên nhận tiền, mà không biết đây là số tiền đặt cọc.

Ngoài ra, Tá cũng khai, đã trả cho ông Dũng 6 lần, tổng cộng là 33 tỷ đồng và cho 2 cổ đông của Công ty Đức Anh vay 20 tỷ đồng. Còn lại số tiền 27 tỷ đồng, Tá sử dụng vào mục đích cá nhân.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Nguyễn Sỹ Tá liên tục thể hiện việc không thừa nhận tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như cáo buộc. Tuy nhiên, căn cứ vào kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) và Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng), cơ quan tố tụng khẳng định, có đủ căn cứ xác định việc ký thỏa thuận đặt cọc và giấy biên nhận tiền đặt cọc là do Nguyễn Sỹ Tá ký.

Cùng với đó, ông Đỗ Anh Dũng cũng giao nộp file ghi âm thể hiện buổi làm việc giữa ông và Nguyễn Sỹ Tá tại phòng làm việc, qua đó ông Dũng cho biết, có văn bản của UBND tỉnh Quảng Ninh thể hiện, Dự án không phải của Tá, nhưng sau đó Tá vẫn cam kết “cho làm lại văn bản đồng ý cho thực hiện dự án du lịch”.

Hơn nữa, làm việc với những người liên quan tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cơ quan điều tra cũng xác định các thỏa thuận đặt cọc, văn bản biên nhận tiền được bộ phận kế toán, văn phòng của công ty này trao đổi dự thảo và thực hiện ký kết với Nguyễn Sỹ Tá thông qua email.

Phúc thẩm vụ lừa bán căn hộ chung cư La Bonita
Ngày 10/5, Toà án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại chung cư La Bonita.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư