Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đã giải ngân được 66.300 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi
Hà Nguyễn - 29/10/2022 09:52
 
Ngoài 66.300 tỷ đồng được giải ngân để hỗ trợ lãi suất, tiền thuê nhà…, trong tháng 10/2022, Chính phủ cũng đã giao hơn 38.000 tỷ đồng vốn năm 2022 cho một số dự án thuộc Chương trình Phục hồi.

Hơn 66.300 tỷ đồng đã được giải ngân

Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến nay, đã có 66.300 tỷ đồng thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được giải ngân.

Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân thực hiện 5/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình, đạt 11.122 tỷ đồng trên 19.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2022 cho hơn 245.000 khách hàng vay vốn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã tạm ứng hỗ trợ lãi suất cho vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác là 645 tỷ đồng.

Đồng vốn quý giá của Chương trình Phục hồi đã hỗ trợ rất lớn cho sự phục hồi của nền kinh tế

Đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến ngày 25/10/2022, các địa phương đã thực hiện giải ngân khoảng 3.724 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5,2 triệu người lao động.

Trong khi đó, với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo đến cuối quý III/2022, các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất trên 32 tỷ đồng cho dư nợ 17.000 tỷ đồng đối với khoảng 900 khách hàng.

Còn với các chính sách miễn giảm thuế, phí; gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, tính đến ngày 27/10/2022, đã miễn, giảm các loại thuế, phí là 43.345 tỷ đồng. Đồng thời, đã gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất theo các nghị định của Chính phủ là 101.225 tỷ đồng.

Cùng với đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 12/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao tổng số vốn 38.155 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình cho 4 nhiệm vụ thuộc Chương trình và 254 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Do mới được giao kế hoạch nên số vốn này chưa được giải ngân. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tới đây, Bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.

Sẽ tập trung giải ngân cho các dự án đầu tư phát triển

Đánh giá chung về tình hình giải ngân thuộc Chương trình Phục hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải ngân các chính sách của Chương trình có xu hướng chậm dần trong những tháng gần đây.

Đồng thời, các chính sách có khả năng thực hiện và giải ngân tốt như miễn, giảm thuế phí, cho vay tín dụng hỗ trợ việc làm… cũng có xu hướng giải ngân chậm dần và sắp đạt mức kế hoạch đề ra. Do vậy, không còn nhiều dư địa cho việc thực hiện, có thể gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của Chương trình trong năm 2022.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh đó, các bộ, cơ quan, địa phương cần chủ động đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trong thời gian còn lại để thực hiện Chương trình, đồng thời chủ động rà soát, đề xuất điều chuyển nguồn lực từ chính sách không thực hiện hết hoặc khó triển khai sang các chính sách có khả năng giải ngân tốt, còn dư địa thực hiện để phát huy hiệu quả Chương trình.

Trong khi đó, việc triển khai công tác phân bổ vốn chi đầu tư phát triển thuộc Chương trình cũng đang khó khăn.

Hiện có tới 45 dự án của Bộ Y tế và 18 địa phương chưa được hoàn thiện thủ tục đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu là do một số dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư; có dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công. Cũng có trường hợp là thay thế dự án khác so với danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo…

Liên quan đến việc thực hiện Chương trình Phục hồi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi phản hồi ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng cho biết, do đây là chương trình có quy mô lớn, triển khai trên phạm vi toàn quốc, bao hàm nhiều chính sách với đối tượng thụ hưởng đa dạng, nên cần triển khai thận trọng để tránh tiêu cực, lãng phí, trục lợi chính sách.

Thêm vào đó, một số chính sách hỗ trợ lần đầu được xây dựng và triển khai từ trước đến nay, cần thời gian để xây dựng, đánh giá cụ thể tác động chính sách trước khi ban hành...

Còn việc giải ngân vốn đầu tư thuộc Chương trình, theo Bộ trưởng, cần có thời gian để hoàn thiện các thủ tục nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.

“Hiện nay, tất cả các công việc đã cơ bản hoàn thành, cả ban hành các chính sách, phân bổ vốn và thực hiện các thủ tục đối với các dự án. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói với các đại biểu Quốc hội như vậy.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư