Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Đại gia hàng không thắng lớn
Anh Minh - 03/01/2017 07:52
 
Tốc độ tăng trưởng của thị trường tiếp tục duy trì ở mức hai con số trong năm 2016 đã giúp doanh nghiệp hàng không thắng lớn bất chấp sự cạnh tranh ngày một khốc liệt.

Cả làng… đều vui

Như thông lệ, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) vẫn là đơn vị tiên phong trong ngành hàng không hoàn tất các số liệu kinh doanh của năm 2016 một cách sớm nhất và đầy đủ nhất.

Bất chấp sự cạnh tranh gay gắt cũng như tình trạng quá tải trên không và trên mặt đất tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang lên đến đỉnh điểm, kết quả kinh doanh trong năm qua của Hãng hàng không quốc gia là rất ấn tượng.

Theo đó, trong năm 2016, Vietnam Airlines đã vận chuyển được 20,6 triệu lượt hành khách, tăng 18,7% so với năm 2015, trong đó, lần đầu tiên sau nhiều năm, cả khách quốc tế và khách nội địa đều vượt kế hoạch đề ra. Vietnam Airlines cũng đã vận chuyển được 0,26 triệu tấn hàng hóa, tăng 21,4% so với năm 2015 và vượt 9,9% kế hoạch năm.

“Tần suất bay như vậy còn dày hơn cả xe đò”, lãnh đạo một hãng hàng không đánh giá.
“Tần suất bay như vậy còn dày hơn cả xe đò”, lãnh đạo một hãng hàng không đánh giá.

Ấn tượng lớn nhất đối với Vietnam Airlines trong năm qua chính là các chỉ tiêu tài chính của cả công ty mẹ và hầu hết các công ty con đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 76.000 tỷ đồng, tăng 10,03%; tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.483 tỷ đồng, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2015 và vượt 7% so với kế hoạch. Tổng doanh thu của Công ty mẹ ước đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 1.400 tỷ đồng, vượt 1,4% kế hoạch.

Cần phải nói thêm rằng, nếu giá nhiên liệu không tăng cao so với kế hoạch (60 USD/thùng vào các tháng 11, 12), lợi nhuận của Vietnam Airlines sẽ còn cao hơn nữa. Đó là chưa kể đến việc từ tháng 11, USD tăng mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác đã ảnh hưởng lớn đến cân đối thu chi của Vietnam Airlines trong thời điểm các tháng cuối năm 2016.

Đây cũng là năm ghi nhiều dấu ấn phát triển của Vietnam Airlines như, hoàn tất các thủ tục để ANA Holdings - tập đoàn hàng không hàng đầu Nhật Bản chính thức trở thành cổ đông chiến lược và được Tổ chức SkyTrax công nhận là hãng hàng không 4 sao tiêu chuẩn quốc tế. Một điểm tích cực rất đáng ghi nhận nữa là, trong năm 2016, số điểm hài lòng tổng thể của khách hàng của Vietnam Airlines đạt 3,62/5, tăng 0,14 điểm so với năm ngoái.

Với Vietjet Air, đã thành truyền thống, lãnh đạo hãng hàng không mới nổi này tiếp tục bảo mật các chỉ tiêu kinh doanh, nhưng các chuyên gia tài chính đều khẳng định “chắc chắn, số lãi đạt được là không hề nhỏ”. Trước đó, đã xuất hiện thông tin cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của Vietjet tăng trưởng 41%, đạt hơn 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 66%, đạt hơn 1.238 tỷ đồng.

Được biết, cùng với việc đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho đợt IPO dự kiến diễn ra trong quý I/2017, Vietjet vừa hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Hiện chưa rõ lý do của việc hãng hàng không này tăng vốn điều lệ, nhưng Vietjet vừa khởi động Dự án Trung tâm công nghệ  hàng không tại TP.HCM, với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Đây đã là lần tăng vốn điều lệ thứ tư của Vietjet trong vòng 6 tháng qua và lần thay đổi Giấy phép đăng ký kinh doanh thứ 20 kể từ khi doanh nghiệp này được thành lập năm 2007. Trước đó, vào tháng 8/2015, Vietjet đã tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, đồng thời thay đổi trụ sở về Tòa nhà Nhật An, số 30D, phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình, Hà Nội.

Vẫn là con gà đẻ trứng vàng

Trong khi đó, số liệu tài chính năm 2016 mà Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố có thể làm các cổ đông của đơn vị khai thác cảng hàng không duy nhất tại Việt Nam hài lòng.

“Tính đến hết tháng 12/2016, ACV đạt tổng doanh thu 14.504 tỷ đồng, đạt 120% kế hoạch năm, trong đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 13.394 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 4.075 tỷ đồng”, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV cho biết.

Một ông lớn khác trong lĩnh vực hàng không cũng có kết quả kinh doanh tốt là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam với 3.138 tỷ đồng doanh thu (tăng 138% với với năm 2015); lợi nhuận trước thuế đạt 769 tỷ đồng; nộp ngân sách 2.172 tỷ đồng.

Hiện chưa có số liệu chính thức của Cục Hàng không Việt Nam về tổng quan thị trường, tuy nhiên, theo ACV, tổng sản lượng hành khách vận chuyển toàn bộ các sân bay tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 89,7 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là 23,5 triệu lượt (tăng 23%), khách nội địa là 57,2 triệu lượt khách (tăng 30%).

ACV cho rằng, đối với khách nội địa, nguyên nhân tăng chủ yếu từ sự bùng nổ của Vietjet với việc mở rộng cả đội bay và tuyến đường bay nội địa. Tính đến hết tháng 11/2016, Vietjet đang khai thác 42 tàu bay A320 và A321, thực hiện khoảng 350 chuyến bay/ngày, với 60 đường bay.

Một điểm khá đặc biệt nữa là nhiều khả năng không cần đợi đến IPO, Vietjet sắp có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Vietjet sẽ có tới 3 cổ đông nước ngoài nếu như vụ chuyển nhượng 6,566 triệu cổ phần (tương đương 2,626% vốn điều lệ) từ một cổ đông người Việt Nam tại hãng hàng không này được chấp thuận. Với số tiền chuyển nhượng dự kiến dao động từ 66 tỷ đồng đến 788 tỷ đồng, thị giá cổ phiếu của Vietjet được định giá từ 11.000 đồng/cổ phần đến khoảng 120.000 đồng/cổ phần.

Theo nhận định của ACV, thị trường hàng không năm 2017 sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 20% về hành khách do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tiếp tục duy trì ở mức cao, sự cạnh tranh của các loại hình vận tải khác sẽ vẫn không có nhiều thay đổi.

Đây là lý do khiến các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi thị trường đón thêm người mới gia nhập (Vietstar Airlines), hàng không vẫn sẽ đem lại lợi nhuận tốt cho các doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực tồn tại vị thế độc quyền như trường hợp của ACV.

"Nếu chúng ta có thể khai thác được tiềm năng của ngành này thì sẽ tạo ra lượng việc làm và đóng góp kinh tế tương ứng”, ông Tony Tyler, Giám đốc điều hành, kiêm CEO của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định.

Bên cạnh những điểm thuận lợi, đối với các hãng hàng không, ngoài hai yếu tố là giá nhiên liệu bay dự báo tiếp tục ở mức cao, bình quân 60 USD/thùng, tăng 16% so với năm 2016 và USD tăng giá, thì cơ sở hạ tầng yếu kém tại các sân bay lớn tiếp tục là những rủi ro lớn. Tình trạng quá tải tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ đặc biệt căng thẳng, khi nhiều hạng mục khu bay của 2 điểm cầu lớn này sẽ được sửa chữa nửa cuối năm 2017, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các hãng.

Bên cạnh đó, cuộc đua giành thị phần thị trường nội địa hiện vẫn rất gay gắt khi tốc độ tăng trưởng hành khách và hàng hóa vẫn chậm hơn tốc độ bổ sung tàu bay của các hãng. Các đường bay trục Bắc - Nam đang được các hãng khai thác tối đa đã dẫn đến tình trạng “chưa bao giờ xảy ra” là giữa Hà Nội và TP.HCM hàng ngày có tới hơn 60 chuyến bay (cứ 15 - 20 phút đều có chuyến bay), giữa TP.HCM - Đà Nẵng trên dưới 30 chuyến bay mỗi ngày.

Cổ phần hóa Học viện Hàng không: Có thể kết thúc bất ngờ
Tiến trình cổ phần hóa Học viện Hàng không – đơn vị giáo dục công lập chuyên ngành trực thuộc thuộc Bộ Giao thông - Vận tải rất có thể có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư