Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tâm điểm thu hút đầu tư miền Trung - Tây Nguyên
Đắk Nông xây “”tổ ấm” cho nhà đầu tư
Hoàng Anh - 20/11/2022 09:20
 
Sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh khác biệt, được cộng hưởng với quyết tâm cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và thủ tục hành chính, Đắk Nông đang hướng đến mục tiêu là tỉnh phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên.
Sau 18 năm tái lập, tỉnh Đắk Nông đã có những bước phát triển ấn tượng
Sau 18 năm tái lập, tỉnh Đắk Nông đã có những bước phát triển ấn tượng

Sức trẻ tuổi 18

Ngày 1/1/2004, tỉnh Đắk Nông được tái lập theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội trên cơ sở chia tách tỉnh Đắk Lắk. Kể từ thời điểm lịch sử đó, diện mạo của vùng đất cao nguyên này đã có những đổi thay nhanh chóng.

Những cánh đồng gió mọc lên bên cạnh thảm xanh của trang trại nông nghiệp. Từ một địa phương không nhiều người biết đến, thì bây giờ, du lịch khám phá Đắk Nông trở thành từ khoá tìm kiếm của nhiều du khách. Công nghiệp bô xít - alumin - nhôm trở thành trụ cột kinh tế của Đắk Nông, thay thế cho nền kinh tế thuần nông ngày trước.

Sau 18 năm hình thành và phát triển, Đắk Nông đã vươn mình phát triển vững chắc, nền kinh tế luôn tăng trưởng cao và ổn định. Điều đó được minh chứng trong 3 năm trở lại đây, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng kinh tế của Đắk Nông vẫn tăng trưởng. Dự kiến năm 2022, Đắk Nông sẽ tiếp tục đạt được những mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế, gồm phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo; xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Bên cạnh quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đắk Nông, những thành tựu đó cũng đến từ thành công trong việc thu hút dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông cho biết, thu hút đầu tư đã đạt nhiều kết quả tích cực. Từ khi thành lập tỉnh đến nay, Đắk Nông đã thu hút 396 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 74.000 tỷ đồng. Trong đó, thu hút 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 7.261 tỷ đồng; vốn đầu tư trong nước là 384 dự án với tổng vốn đầu tư là 66.739 tỷ đồng. Các dự án này tập trung vào những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, như công nghiệp và điện năng (125 dự án, chiếm 31,5% tổng số dự án đầu tư, tập trung vào các dự án nhà máy sản xuất, nhà máy điện năng lượng mặt trời, điện gió); nông - lâm nghiệp (117 dự án, chiếm 29,5% tổng số dự án đầu tư); hạ tầng, đô thị (45 dự

án, chiếm 11,4% tổng số dự án đầu tư)...

Số vốn đầu tư ấn tượng vào Đắk Nông đến từ những nỗ lực không ngừng trong việc cải mạnh mẽ thủ tục hành chính và môi trường đầu tư. Thay vì dàn trải, tỉnh Đắk Nông đã chuyển công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh đầu tư luôn được chỉ đạo quyết liệt, nhiều thủ tục đã được đơn giản và áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết, nên thời gian xử lý thủ tục đã được rút ngắn đáng kể. Tỉnh Đắk Nông đã cắt giảm thời gian giải quyết đối với 77 thủ tục. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của tỉnh Đắk Nông cũng tăng 8 bậc so với năm 2020…

“Kết quả quan trọng trong thu hút đầu tư của Đắk Nông là nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao. Tổng thời gian giải quyết các thủ tục trên địa bàn tỉnh đã giảm trên 30% so với quy định của Trung ương, riêng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư tiếp tục giảm từ 22 ngày xuống còn 20 ngày. Lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Điều đó đã thu hút dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Nông”, ông Ninh chia sẻ.

Đón đầu cơ hội

Tỉnh Đắk Nông bước vào tuổi 18 với những bước phát triển ấn tượng và vùng đất cao nguyên này đang đứng trước thời cơ

lớn để bứt phá, khi hội tụ nhiều tiềm năng.

Trong đó, công nghiệp bô xít - alumin - nhôm sẽ là trụ cột tương lai của nền kinh tế Đắk Nông, bởi Đắk Nông có trữ lượng bô xít loại tốt nhất thế giới và lớn nhất cả nước, với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn nguyên khai.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV là một trong hai dự án thí điểm trong ngành công nghiệp sản xuất alumin. Được hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2017, Nhà máy đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Đắk Nông. Kết quả sau 5 năm vận hành thương mại, sản lượng alumin quy đổi tại Nhà máy đạt hơn 3,4 triệu tấn, doanh thu hơn 29.302 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 910 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 3.166 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Chính vì vậy, tỉnh Đắk Nông đang thúc đẩy để hướng đến chế biến sâu ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm. Sở Công thương tỉnh Đắk Nông đã tham mưu UBND tỉnh góp ý và đề nghị Trung ương sớm hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch Khoáng sản quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ về thực hiện Kết luận số 31-KL/TW ngày 7/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tỉnh Đắk Nông được xác định là trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến bô xít - nhôm của Việt Nam để ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng.

Nhiều tập đoàn lớn đã đến Đắk Nông để khảo sát, nghiên cứu đầu tư, như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn đầu tư Việt Phương, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Từ đó, tiến tới xin chủ trương đầu tư, khai thác các mỏ bô xít, xây dựng 3 tổ hợp nhà máy chế biến alumin, điện phân nhôm, công nghiệp sau nhôm tại các khu vực mỏ bô xít.

Tỉnh Đắk Nông cũng đang thực hiện tiến trình đầu tư Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, khu logistics để đón đầu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau nhôm, đồng thời, thúc đẩy quá trình cường hóa Nhà máy Alumin Nhân Cơ lên 800.000 tấn alumin/năm và mở rộng quy mô công suất của Tổ hợp lên 2 triệu tấn alumin/năm.

Bên cạnh trữ lượng khoáng sản, Đắk Nông cũng rất giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Những lĩnh vực nổi trội này chắc chắn sẽ tạo bệ phóng phát triển cho Đắk Nông.

Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, địa phương này cũng gặp không khó khăn. Một trong những “rào cản” lớn nhất hiện nay là tỉnh chưa có quy hoạch tổng thể chung, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, có ý định đầu tư, nhưng mất nhiều thời gian để hoàn thành các quy hoạch có liên quan. Chưa kể, công tác quy hoạch ngành, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch chưa phù hợp với định hướng thu hút đầu tư, dẫn đến khó khăn trong xúc tiến đầu tư. Ngoài ra, hạ tầng của Đắk Nông, nhất là hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế.

Theo Chủ tịch tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Văn Mười, vì là tỉnh trẻ, Đắk Nông đối diện với nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực và cả hạ tầng. Những trở lực đó chỉ được bù đắp với nỗ lực không ngừng nghỉ trong cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.

Vì vậy, Tỉnh uỷ Đắk Nông đã ban hành Chương trình số 23-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao PCI giai đoạn 2021-2025, với 3 khâu đột phá. Trong đó, tập trung cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư theo hướng thuận lợi cho nhà đầu tư; xây dựng danh mục các dự án đầu tư trọng điểm và chính sách ưu đãi của tỉnh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước; hoàn thiện kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực...

Song song với đó, Đắk Nông cũng tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối các điểm du lịch và hạ tầng trung tâm đô thị. Đắk Nông đang dồn sức thực hiện Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), một dự án giao thông cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông.

“Chính quyền Đắk Nông sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Đắk Nông cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển với tinh thần “Lắng nghe - thấu hiểu - đồng hành và cùng khát vọng phát triển”, ông Hồ Văn Mười khẳng định.

Nỗ lực không ngừng nghỉ, Đắk Nông đang từng bước xây “tổ ấm” để chào đón doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Khởi tố, bắt khẩn cấp đối tượng đưa và nhận hối lộ tại Đắk Nông
Mới đây, Cơ quan chức năng TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã khởi tố, bắt khẩn cấp hai đối tượng “đưa hối lộ” để nhờ giải quyết làm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư