Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đang chuẩn bị 7 nội dung của kỳ họp Quốc hội chuyên đề cuối năm nay
Nguyễn Lê - 13/11/2021 12:35
 
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cần có phiên họp chuyên đề của Quốc hội, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022.
.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin như trên tại cuộc họp báo ngay khi  kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá XV vừa kết thúc, trưa muộn 13/11.

Phóng viên Báo Đầu tư đặt câu hỏi: Quốc hội có tiến hành kỳ họp chuyên đề trong năm nay như một số lần Chủ tịch Quốc hội đã đề cập hay không? Trong phát biểu bế mạc kỳ họp thứ hai, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định, vậy sớm ở đây là vào khoảng thời gian nào, quy mô dự kiến là bao nhiêu?

Trả lời, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại phiên họp thứ 3 và thứ 4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cần có phiên họp chuyên đề của Quốc hội dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022.

Hiện nay Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, mới nhận được một số tài liệu, chưa đầy đủ; Nếu hồ sơ đúng quy định và đặc biệt là đảm bảo chất lượng thì sẽ báo cáo Quốc hội có kỳ họp chuyên đề để giải quyết các vấn đề cấp bách thực tiễn đặt ra, ông Cường cho biết.

Cụ thể hơn, ông Cường thông tin, Chính phủ đang chuẩn bị 7 vấn đề, trong đó có 2 vấn đề phải báo cáo cấp có thẩm quyền, còn 5 vấn đề các cơ quan của Quốc hội đã chủ động phối hợp với cơ quan của Chính phủ chuẩn bị lỹ lưỡng, để đạt chất lượng tốt mới trình Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội cũng nói thêm, trước đây, Quốc hội mỗi năm họp hai kỳ (trừ năm cuối nhiệm kỳ họp ba kỳ), năm nay nếu có thêm kỳ họp chuyên đề thì sẽ là bốn kỳ họp.

Nếu 6 tháng mới họp một lần thì có thể sẽ làm chậm những vấn đề phát triển của đất nước, sau này sẽ sửa luật để linh hoạt hơn, thậm chí có việc đột xuất thì họp trực tuyến 1-2 ngày, ông Cường nhấn mạnh.

Tham gia trả lời về gói hỗ trợ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai nói, sẽ khắc phục hạn chế, phát huy ưu điểm của gói hỗ trợ 2008-2009, quy mô gói sẽ căn cứ mức độ ảnh hưởng của đại dịch, hỗ trợ cả cung và cầu, tạo điều kiện đột phá phát triển kinh tế, xã hội.

Thông tin tại cuộc họp báo, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 02 luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến về 05 dự án luật khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; xem xét nhiều báo cáo quan trọng về: công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Quốc hội cũng xem xét tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020; công tác tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Quốc hội quyết định hướng xử lý vấn đề của Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư