Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Đặt doanh nghiệp nhà nước vào đúng vị trí
Mạnh Bôn - 27/04/2022 08:09
 
Khối doanh nghiệp nhà nước đang rất quan tâm tới động thái của các cơ quan xây dựng chính sách trong việc tổng kết, xem xét, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (gọi tắt là Luật 69) sau 8 năm thực thi.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một lần nữa, vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước được khẳng định.

Dưới góc nhìn của xã hội, đặc biệt là nhiều chuyên gia kinh tế, khi nói về doanh nghiệp nhà nước là nhiều người liên tưởng ngay tới nền kinh tế bao cấp, hoạt động trì trệ, kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực quốc gia. Nhưng đánh giá một cách công tâm, khách quan, thì sau 8 năm triển khai Luật 69, khối doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện được vai trò, nhiệm vụ chủ sở hữu giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài trách nhiệm cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích như năng lượng, kết cấu hạ tầng, dịch vụ viễn thông... cho cả nền kinh tế, chính doanh nghiệp nhà nước đã “kề vai, sát cánh” cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị chia sẻ gánh nặng với người dân mỗi khi đất nước gặp khó khăn. 

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một lần nữa, vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước được khẳng định. Đó là quyết định giảm giá tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), là quyết định giảm cước viễn thông của VNPT, Viettel, MobiFone...

Có thể nói, nhờ hàng chục ngàn tỷ đồng giúp đỡ của “công ty quốc doanh”, nên người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã giảm bớt được khó khăn trong suốt thời gian Covid-19 hoành hành.

Đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế, với xã hội là không thể phủ định. Đó là chưa kể khối doanh nghiệp này đã và đang tạo việc làm cho khoảng 1,1 triệu lao động có thu nhập bình quân 14,2 triệu đồng/người/tháng, cao hơn hẳn so với khối tư nhân (8,3 triệu đồng/tháng) và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (10,1 triệu đồng/tháng).

Tuy vậy, nếu xét về hiệu quả kinh doanh, thì khối này vẫn khiến các cơ quan quản lý nhà nước “rầu lòng”.

Cụ thể, năm 2020, tổng tài sản; vốn chủ sở hữu của khối doanh nghiệp nhà nước chỉ tăng 1%, tức thấp hơn cả mức tăng 3,23% của lạm phát. Các chỉ tiêu kinh doanh khác thậm chí còn tệ hơn rất nhiều, như tổng doanh thu giảm 12%; lãi trước thuế giảm 22%; nộp ngân sách nhà nước giảm 14%, trong đó, khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con giảm tới 17%...

Có rất nhiều nguyên nhân giải thích cho sự yếu kém trong hoạt động kinh doanh của khối này.

Trước hết, là phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp quá hẹp, chỉ khu biệt vào 4 lĩnh vực, gồm cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu xã hội; lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Tiếp đến là kể từ năm 2016 trở lại đây, toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ, nộp thuế, doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải nộp vào ngân sách nhà nước. Nhưng trong 5 năm qua, chỉ có tổng cộng 587 lượt doanh nghiệp được Nhà nước đầu tư, với tổng vốn hơn 138.443 tỷ đồng và cũng chỉ đầu tư vào 4 lĩnh vực then chốt hoặc góp vốn để duy trì tỷ lệ vốn nhà nước trong công ty cổ phần có vốn nhà nước.

Không được chủ sở hữu vốn đầu tư, hoạt động đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước rất “èo uột” so với 2 khối  doanh nghiệp còn lại và so với chính hoạt động đầu tư của Nhà nước. Minh chứng là tổng số tiền mà tất cả doanh nghiệp nhà nước đầu tư trong năm 2021 chưa đầy 52.000 tỷ đồng, trong khi khối tư nhân là hơn 1,72 triệu tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn 458.000 tỷ đồng, vốn đầu tư của Nhà nước là 423.600 tỷ đồng.

Khi phạm vi đầu tư bị giới hạn, vốn đầu tư của chủ sở hữu không đủ, vốn tự có đầu tư rất ít, thì cũng dễ hiểu vì sao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước chậm được cải thiện.

“Buôn tài không bằng dài vốn”. Thiếu vốn làm ăn thì chủ thể kinh doanh thường gặp rất nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt khi  doanh nghiệp nhà nước còn bị bó buộc bởi một loạt cơ chế, chính sách khác.

Sau 8 năm thực thi các quy định của Luật 69, ngoài phạm vi hoạt động và đầu tư vốn, rất nhiều hạn chế, tồn tại của khối doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ rõ. Bởi vậy, đã đến lúc cần tổng kết, xem xét, đề xuất sửa đổi Luật 69 để có thêm cơ chế, chính sách đặt doanh nghiệp nhà nước vào đúng vị trí, giúp khối này thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ được giao.

Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nhà nước vươn lên, thực sự là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước
Nếu đặt câu hỏi “giai đoạn 5 năm qua, đâu là công trình, dự án mới mang dấu ấn doanh nghiệp nhà nước”, câu trả lời là “rất ít”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư