Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đấu giá lần 1 thất bại, Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục bán đấu giá Nhà máy Bột giấy Phương Nam
Thanh Hương - 20/09/2017 07:39
 
Theo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, Bộ Công thương được yêu cầu, chỉ đạo tiếp tục bán đầu giá Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam theo quy định của pháp luật.

Trước đó vào tháng 7/2017, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã đăng thông báo bán đấu giá tài sản thuộc Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Tài sản bán đấu giá là toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho không có nhu cầu sử dụng gắn liền với quyền sử dụng đất thuê trên tổng diện tích 453.755m2 tại địa chỉ Ấp Bà Luông, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Đây là tài sản thuộc Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Tổng Công ty Giấy Việt Nam quản lý không còn nhu cầu sử dụng được phép bán đấu giá.

Mức giá khởi điểm được công bố là 1.885 tỷ đồng (đã bao gồm 10% thuế GTGT). Thời gian bỏ phiếu trả giá (nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện) từ 08 giờ 00 phút ngày 10/7/2017 đến 09 giờ 00 phút ngày 14/7/2017 tại: số 4/A13 Đầm Trấu, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Phiên đấu giá được định vào 10 giờ 00 phút  ngày 14/7/2017, tại Phòng đấu giá của Công ty Cổ phần Đấu giá Việt Nam.

Tuy nhiên, nguồn tin của Báo Đầu tư – Baodautu.vn cho hay, phiên đấu giá lần đầu của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã không thành công bởi chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư tham gia với mức giá đấu thấp hơn rất nhiều lần so với giá khởi điểm được đưa ra.

Bởi vậy, lần đấu giá này đã thất bại.

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam là một trong số những dự án thua lỗ nghiêm trọng thuộc ngành công thương, đang thuộc diện "ưu tiên xử lý"của Chính phủ hiện nay. Được xây dựng tại Long An, nhà máy bột giấy Phương Nam có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.487 tỷ đồng, sau điều chỉnh tăng lên 3.409 tỷ đồng. 

Chủ đầu tư ban đầu của Nhà máy là Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - một đơn vị ngoài ngành giấy. Tổng giám đốc Tracodi lúc đó là ông Phan Thanh Nam.

Tiến sĩ Phan Thanh Nam được mô tả là người "có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực quản lý, điều hành, và nghiên cứu khoa học". Ông Nam là một trong những thế hệ đầu tiên xây dựng và phát triển công ty Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải (Tracodi) - tiền thân của Tracodi ngày nay. 
Trong hơn 20 năm công tác tại Tracodi, ông lần lượt đảm nhận các vị trí quan trọng như: Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Thành viên Hội đồng quản trị (2013-2015). Sau dó ông nghỉ hưu theo chế độ và tham gia vị trí Ban cố vấn của Bamboo Capital.

Mặc dù vốn chủ sở hữu khi xây dựng dự án chỉ có 39,3 tỷ đồng (khoảng 1% so với tổng vốn đầu tư) nhưng công ty đã đi vay được 2.597,1 tỷ đồng từ nguồn vốn nước ngoài và đã được Chính phủ bảo lãnh. 

Dự án được khởi công năm 2004, tuy nhiên đến tháng 6/2008 thì dừng thi công do thiếu vốn. Tháng 6/2009, dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Sau khi tiếp nhận, Vinapaco đã tiến hành lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn lên 3.409,9 tỷ đồng. 

Sau đó, nhà máy đã  tiến hành chạy thử nhưng lại gặp sự cố, do đó từ tháng 10/2012 đến nay, dự án dừng hoạt động. 

Tính đến ngày 31/12/2015, tổng chi phí đầu tư vào dự án là 2.636 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2016, tính cả lãi suất phải trả, tổng nợ phải trả lên tới 2.695 tỷ đồng.

Tháng 9/2016, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hoá tồn kho của nhà máy. 

Vẫn theo Bộ Công thương, nguyên nhân khiến nhà máy này phải "đắp chiếu" là do Tracodi thiếu năng lực, kinh nghiệm. Sau khi chuyển về chủ đầu tư mới, dự án cũng không được làm tốt khâu rà soát, đánh giá tình trạng, không lường hết được những khó khăn về công nghệ, khả năng cung cấp nguyên liệu...

Ai mua Nhà máy Bột giấy Phương Nam?
Câu chuyện ai sẽ mua lại Nhà máy Bột giấy Phương Nam, dù đã được đơn vị tiếp quản bỏ thêm hàng tỷ đồng và thuê chuyên gia nghiên cứu phương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư