Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đậu Ngọc Xuân - Con người và sự nghiệp
GS-TSKH Nguyễn Mại - 15/08/2016 08:04
 
Những ai có may mắn được sống và làm việc với anh Đậu Ngọc Xuân đều cùng cảm nhận rằng, Anh là con người chân thành, trung thực trong cuộc sống hàng ngày; thương yêu cán bộ, nhân viên trong cơ quan; sinh hoạt giản dị, tác phong khiêm nhường, nhưng rất nghiêm túc khi xử lý công việc.

Anh trưởng thành từ cán bộ xã, đã kinh qua nhiều cương vị công tác, được học Nga văn và lý luận tại Học viện Mác - Lênin Bắc Kinh (Trung Quốc); từ phiên dịch tiếng Nga cho các giáo sư Liên Xô (cũ), nhờ năng khiếu bẩm sinh của mình, Anh đã trở thành giáo viên, Phó chủ nhiệm Khoa Kinh tế, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Trường Nguyễn Ái Quốc 1 Trung ương.

Do đọc một số bài nghiên cứu của Anh trên các tạp chí, đích thân Tổng Bí thư Lê Duẩn đã điều Anh về làm việc tại Văn phòng Tổng Bí thư.

Ông Đậu Ngọc Xuân, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư
Ông Đậu Ngọc Xuân, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư

Anh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, khóa VII, là Bộ trưởng từ năm 1987. Với cương vị là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, Anh là người đặt nền móng cho sự nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Tôi được cộng tác với Anh khi Anh là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, còn tôi là Phó chủ tịch UBND, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP. Hà Nội. Anh đã nhiều lần bàn với lãnh đạo Thành phố những giải pháp chiến lược để thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội vào những năm 1987- 1989 sau khi có chủ trương đổi mới, đồng thời dành cho Hà Nội những ưu tiên về vật tư chiến lược, hàng hóa tiêu dùng trong khung khổ pháp luật để thúc đẩy sản xuất, thương mại và bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân Thủ dô.

Tôi được trực tiếp làm việc dưới sự chỉ đạo của Anh tại Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư từ năm 1989 đến cuối năm 1995, tại Hội đồng Thẩm định dự án đầu tư quốc gia từ 1996 đến giữa năm 1998, sau đó tại Tổ nghiên cứu Kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ cho đến tháng 10/2006. 17 năm liên tục, gần Anh, tôi học được rất nhiều từ người cán bộ cấp cao có năng lực trí tuệ bẩm sinh, tiếp cận thông tin và xử lý vấn đề rất khoa học, bài bản.

Những người đầu tiên được cùng Anh đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài có Bộ trưởng Võ Đông Giang, Bộ trưởng Lữ Minh Châu, anh Nguyễn Văn Ích và tôi đều rất xa lạ với công việc mới mẻ này, do vậy, Anh đã bàn với chúng tôi phải vừa làm, vừa học để làm tốt chức năng của Ủy ban. Anh chủ trì giao ban vào thứ Sáu hàng tuần với các chuyên viên về từng dự án đầu tư để cùng nhau trao đổi thông tin và xử lý các tình huống; dành thứ Bảy hàng tuần để học tập các vấn đề có liên quan đến đầu tư nước ngoài và tiếng Anh với sự trợ giúp của chuyên gia quốc tế nhằm nâng cao trình độ của chuyên viên, nhờ đó mà đội ngũ chuyên viên của Ủy ban trưởng thành nhanh chóng.

Anh rất quan tâm đến việc đào tạo cán bộ của các bộ, địa phương về xúc tiến đầu tư, thẩm định dự án đầu tư; hàng năm có đến 300 - 400 chuyên viên cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đã được bồi dưỡng kiến thức và phương pháp xử lý tình huống có liên quan đến dự án đầu tư, nhờ đó mà hàng ngàn cán bộ đã được nâng cao trình độ, đảm nhiệm tốt cương vị cao hơn.

Theo chỉ đạo của Anh, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư là cơ quan bộ đầu tiên thực hiện tuyển chọn công chức bằng thi tuyển từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Rất nhiều cán bộ đang đảm nhiệm chức vụ cấp bộ, vụ, cục đã trưởng thành từ các kỳ thi tuyển và trải qua lò đào tạo tại Ủy ban thời kỳ đó.

Anh luôn nhắc nhở cán bộ Ủy ban rằng, sự tồn tại của Ủy ban là do các nhà đầu tư nước ngoài đến lập nghiệp tại Việt Nam, vì vậy, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi từ luật pháp đến tiếp xúc, hướng dẫn họ trong mọi tình huống với hành lang pháp lý, môi trường đầu tư thuận lợi thì mới có thể thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư và Ủy ban mới trở nên cần thiết với đất nước. Những định hướng có tính chiến lược đó đã được cán bộ, chuyên viên Ủy ban thực hiện nhất quán và được các nhà đầu tư, các địa phương đánh giá cao hoạt động của Ủy ban từ 1989 đến 1995 khi Ủy ban tồn tại là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.

Có rất nhiều kỷ niệm tốt đẹp về cách ứng xử của Anh đối với chúng tôi, cũng như cán bộ, nhân viên cơ quan. Chỉ xin dẫn ra một ví dụ điển hình. Vào đầu năm 1991, Bộ trưởng Võ Đông Giang nghỉ hưu, Anh giao Văn phòng Ủy ban hai việc, đó là sửa nhà cho ông Giang và mời ông đến tham gia các cuộc họp về dự án đầu tư. Sau khi sửa nhà xong, tôi và Anh đến thăm vợ chồng ông Giang, thì cả hai rất cảm động và nói đùa với chúng tôi rằng, họ được ở trong khách sạn 3 sao. Ông Giang kể cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng về cách ứng xử của lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư và Thủ tướng đã bình luận: hiếm có nơi nào như vậy, những người đương quyền cư xử rất nhân văn với người về hưu.

Anh Đậu Ngọc Xuân đã rời khỏi thế giới này để về với tổ tiên theo đúng quy luật sinh tử. Dù biết vậy, nhưng việc mất một con người trung thực, chân chính, một cán bộ cấp cao liêm chính, trí tuệ, bản lĩnh, luôn nghĩ đến lợi ích dân tộc, không tư lợi thật là tổn thất to lớn về tình cảm và niềm tin đối với chúng tôi, những người cộng sự của Anh trên nhiều cương vị công tác.

Kính chúc Anh yên giấc ngàn thu!

Từ 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp tính, công bố GRDP
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư