Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư 131.000 tỷ đồng cho “tam nông”
Mạnh Bôn - 01/06/2013 07:16
 
Không đúng như phản ánh của nhiều đại biểu Quốc hội, ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) quá ít so với các khu vực khác và đang có xu hướng giảm dần, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến tam nông, vốn đầu tư cho khu vực này mỗi năm một tăng cả số tuyệt đối lẫn tương đối.
TIN LIÊN QUAN
Phó thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Văn Ninh

“Năm 2013, mặc dù cân đối ngân sách nhà nước hết sức căng thẳng, nhưng vẫn bố chí vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn 131.000 tỷ đồng; tăng trên 2,5 lần so với năm 2009. Tỷ trọng ngân sách chi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tăng từ 32,8% tổng chi (năm 2008) lên gần 36% năm 2009. Còn năm 2013 này, vốn ngân sách bố trí cho khu vực “tam nông” chiếm tới 41,3% tổng chi”, ông Ninh cho biết.

Ngoài chính sách tài khóa đang tập trung nhiều hơn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, khu vực này đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế năm 2011 chỉ đạt 14,41% thì tốc độ tăng trưởng tín dụng của khu vực này và lĩnh vực xuất khẩu tăng tới 30,64%.

Năm 2012 tốc độ tăng trưởng tín dụng chung giảm mạnh, chỉ tăng 8,91%, nhưng tín dụng cho khu vực “tam nông” và lĩnh vực xuất khẩu vẫn tăng 12,5%.

Còn trong 5 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế chỉ đạt khoảng 2% thì tốc độ tăng trưởng tín dụng của khu vưc “tam nông” và lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,1%, tức là gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung.

“Nguồn vốn tín dụng ngân hàng không chỉ tập trung cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhiều hơn, mà khu vực này còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn của hệ thống ngân hàng thông qua lãi suất cho vay. Trong 3 năm gần đây (2011 - 2013), lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại đối với khu vực “tam nông” và lĩnh vực xuất khẩu luôn thấp hơn lãi suất cho vay trên thị trường 2 - 3%”, ông Ninh minh chứng.

Quan tâm tới tam nông, ngoài việc tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, tăng dư nợ tín dụng với lãi suất ưu đãi, Chính phủ đang triển khai Chương trình Nông thôn mới với nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực.

“Trong Chương trình Nông thôn mới, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng trong việc ổn định đời sống của người dân sống ở khu vực nông thôn một cách bền vững”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.

Cũng theo ông Ninh, ngoài những chính sách kể trên, trong nhiều năm trở lại đây, năm nào Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0% để thu mua tạm trữ thóc gạo, cá tra, cá basa, qua đó gián tiếp giúp đỡ người nông dân tiêu thụ được sản phẩm với giá cả hợp lý.

Song song với việc hỗ trợ đối với người trồng lúa, nuôi trồng thủy hải sản, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân trực tiếp ra khơi đánh bắt hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Cụ thể là chính sách thí điểm cho ngư dân vay vốn tới 70 - 80% với lãi suất 3%/năm trong vòng 10 năm để đóng tàu mới có công suất từ 400 đến trên 1.000 mã lực. “Đây là sự hỗ trợ vô cùng lớn của Nhà nước đối với tam nông. Sau khi tổng kết chương trình thí điểm này, Chính phủ sẽ nhân rộng chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu bám biển”, ông Ninh nói.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, các bộ ngành đang nghiên cứu để nhân rộng chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới theo hướng vẫn giữ nguyên ưu đãi (lãi suất cho vay thấp, thời gian vay dài) đối với khoản vay đóng tàu đánh bắt hải sản, làm dịch vụ hậu cần nghề cá đối với tàu có công suất cao hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư