Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư 39 triệu USD cho dự án nhà máy may
Thế Hải - 16/04/2019 08:13
 
Công ty TNHH May Tinh Lợi sẽ đầu tư 39 triệu USD (tương đương 920 tỷ đồng) xây dựng nhà máy số 3, chuyên sản xuất, kinh doanh, nhận và giao đơn hàng gia công lại các sản phẩm may mặc.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Xây nhà máy thứ 3

UBND tỉnh Hải Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy May Tinh Lợi 3 của Công ty TNHH May Tinh Lợi tại Cụm công nghiệp Nguyên Giáp (xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ). Theo Công văn số 1051/QĐ-UBND do ông Vương Đức Sáng, Phó chủ tịch UBND tỉnh này ký ngày 29/3/2019, Nhà máy May Tinh Lợi 3 sẽ được đầu tư trong thời gian 36 tháng kể từ ngày nhận quyết định chủ trương đầu tư

Như vậy, sau nhiều năm hoạt động khá thành công tại Việt Nam với 2 nhà máy may quy mô lớn ở Hải Dương, “đại gia” dệt may đến từ Hồng Kông không thể chậm trễ hơn trong việc đầu tư nhà máy thứ 3, nhằm khai thác các lợi thế về lao động và thời cơ mà ngành dệt may Việt Nam đang có, với vị trí là nhà cung cấp dệt may nằm trong top 3 thế giới, để đẩy mạnh xuất khẩu.

Với sự chấp thuận chủ trương của tỉnh Hải Dương, Công ty TNHH May Tinh Lợi sẽ đầu tư 39 triệu USD (khoảng 920 tỷ đồng) xây nhà máy số 3, chuyên sản xuất, kinh doanh, nhận và giao đơn hàng gia công lại các sản phẩm may mặc từ nguyên liệu dệt, dệt kim, len và các nguyên liệu ngành dệt may; giặt in, thêu trên quần áo và bán sản phẩm.

Công ty TNHH May Tinh Lợi là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Crystal Hồng Kông. Công ty đầu tư tại Hải Dương từ tháng 3/2003, với nhà máy đầu tiên tại Khu công nghiệp Nam Sách, vốn đầu tư trên 64 triệu USD. Nhà máy thứ hai được xây tại Khu công nghiệp Lai Vu vào năm 2013, bắt đầu đi vào hoạt động tháng 8/2014, với tổng vốn đầu tư 124 triệu USD.

Công ty TNHH May Tinh Lợi có thế mạnh về sản xuất, xuất khẩu mặt hàng dệt kim, dệt len, với các nhãn hiệu như JC Penney, Ann Taylor, Mango, Uniqlo…, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực châu Âu, Nhật Bản và trên toàn cầu.

“Tăng lực” xuất khẩu

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 36 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2017. Đóng góp khoảng 63-65% vào kết quả này là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong đó, chỉ riêng Công ty TNHH May Tinh Lợi đã đóng góp kim ngạch xuất khẩu khoảng 600 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 30-40%/năm. Với chiến lược mở rộng năng lực sản xuất, Công ty đang dồn sức đầu tư để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 800 triệu USD trong vài năm tới và trở thành doanh nghiệp may mặc lớn nhất Việt Nam.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, với tốc độ tăng trưởng trung bình 14,5%/năm giai đoạn 2008 - 2013, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành dệt may cao nhất thế giới. Trong năm 2018, lần đầu tiên, thặng dư thương mại dệt may đạt 17,86 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Năm 2019, ngành đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng 10,8%, thặng dư thương mại 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.

Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Hồng Kông sẽ tiếp tục giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng thu hút FDI, trong đó dệt may là ngành có nhiều điểm cộng hút vốn.

Dự án Nhà máy May Tinh Lợi 3

Tổng vốn đầu tư 39 triệu USD, tương đương 916,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của Công ty TNHH May Tinh Lợi bằng tiền mặt là 8 triệu USD (188 tỷ đồng).

Khoản vốn góp được góp đủ trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Dự án có quy mô 28 triệu sản phẩm/năm, thu hút 4.900 lao động.

Nguồn: UBND tỉnh Hải Dương
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư