Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng - “chìa khóa“ để Nghệ An thu hút đầu tư
Hoàn Nhân - 13/01/2024 14:08
 
Với mục tiêu tạo đột phá trong thu hút đầu tư, tỉnh Nghệ An đã và đang đầu tư nhiều dự án giao thông, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Đặc biệt, trong thời gian tới, Nghệ An chú trọng khắc phục các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về cảng biển, cảng hàng không.
Hạ tầng giao thông đóng vai trò then chốt, tạo sức bật cho sự phát triển của tỉnh Nghệ An
Hạ tầng giao thông đóng vai trò then chốt, tạo sức bật cho sự phát triển của tỉnh Nghệ An

Chú trọng hoàn thiện hạ tầng

Nghệ An có mạng lưới giao thông phân bố tương đối hợp lý, gồm đủ các loại hình, như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không và đường biển.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 16 tuyến quốc lộ, đạt quy mô từ cấp VI đến cấp II; 39 tuyến đường tỉnh đạt quy mô từ cấp V, cấp VI. Ngoài ra, tỉnh có hệ thống đường giao thông nông thôn, đường đô thị, đường chuyên dùng... có quy mô và kết cấu ngày càng được quan tâm đầu tư nâng cấp.

Trong đó, nhiều công trình, tuyến đường quan trọng được đầu xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1; tuyến đường nối đường N5 - Khu kinh tế Đông Nam - Hòa Sơn - Đô Lương (nay là Quốc lộ 7C), đường nối Quốc lộ 1 - Đông Hồi và nối Quốc lộ 1- Hoàng Mai - Thái Hòa (nay là Quốc lộ 48D), đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền, đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò, cầu Cửa Hội, các cầu vượt đường sắt…

Theo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Nghệ An, thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2021 đến năm 2023, tỉnh đã huy động được khoảng 8.298 tỷ đồng cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra vào giữa tháng 9/2023, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, theo thống kê, giai đoạn 2013-2020, ngân sách Trung ương, địa phương đã huy động đầu tư cho hạ tầng giao thông Nghệ An khoảng 24.426 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 12.500 tỷ đồng.

Nhờ đó, diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đã có sự thay đổi rõ rệt, nhiều công trình quan trọng đã được đầu tư đưa vào khai thác, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đối với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án do Trung ương đầu tư, Sở đã tích cực phối hợp Bộ GTVT, chủ đầu tư để hoàn thành xây dựng cầu Cửa Hội kết nối tỉnh Nghệ An với tỉnh Hà Tĩnh; cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và tổ chức lễ khánh thành vào 18/10/2023; Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, để hoàn thành trong năm 2024.

Ngoài ra, với các dự án trọng điểm của tỉnh, Sở tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tuyến đường bộ ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò, Vinh - Cửa Lò giai đoạn II và tuyến đường nối Quốc lộ 7C với đường Hồ Chí Minh.

Về hạ tầng hàng không, Nghệ An có Cảng hàng không Vinh. Đây là cảng hàng không quốc tế, cấp 4C, công suất trung bình 0,6 triệu lượt hành khách quốc tế và 2 triệu lượt hành khách nội địa/năm, ga hàng hóa có công suất 2.000 tấn/năm.

Hệ thống cảng biển cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Đã thu hút nhà đầu tư, hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng cảng chuyên dùng VISSAI có khả năng tiếp nhận tàu đến 70.000 tấn; cảng xăng dầu DKC có khả năng tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn.

Sở GTVT đang tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam thu hút, phối hợp với nhà đầu tư sớm hoàn thành thủ tục để đầu xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò, cảng Đông Hồi, để từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá trong phát triển của tỉnh.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, trong giai đoạn đến năm 2040, UBND tỉnh Nghệ An xác định ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp VSIP, Nam Cấm, Thọ Lộc, Đông Hồi, Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, nhằm đáp ứng nhu cầu đất công nghiệp giai đoạn trước mắt; thu hút đầu tư khu công nghiệp hỗ trợ phát triển cảng biển kết hợp dịch vụ logistics, hậu cần cảng…

Ông Nguyễn Tiến Trị, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho hay, Nghệ An sẽ thúc đẩy xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật cảng biển, trong đó tập trung hoàn chỉnh đầu tư xây dựng cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi; xây dựng mới ga trung chuyển kết hợp cảng cạn Depot - ICD và trung tâm logistics…

Đặc biệt, sẽ tập trung hoàn thiện tuyến đường ven biển chạy qua Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An; xây dựng mới tuyến đường nối đường Quốc lộ 7C-N5 với cảng biển Bắc Cửa Lò; xây dựng mới tuyến đường kết nối Quốc lộ 7A - Khu B Khu công nghiệp Thọ Lộc với Quốc lộ 1A; xây dựng mới tuyến đường kết nối du lịch hồ Xuân Dương - Đền Cuông - Cửa Hiền; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông khung…

Tạo sức bật phát triển

Theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cao tốc qua địa phận tỉnh Nghệ An được quy hoạch gồm 3 tuyến, trong đó có 2 trục dọc theo hướng Bắc - Nam và một trục ngang theo hướng Đông - Tây. Nghệ An sẽ triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm, đường đôi, khổ 1.435 mm, dài 1.545 km…

Cảng biển Nghệ An quy hoạch gồm 4 khu bến và các bến phao neo đậu chuyển tải, đáp ứng công suất 20 - 35 triệu tấn hàng hóa/năm, phục vụ liên vùng và trong vùng. Cảng biển Nghệ An là cảng loại I, thuộc nhóm cảng biển số 2 (cảng biển khu vực Bắc Trung bộ).

Nghệ An xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vinh theo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023.

Theo đó, giai đoạn 2021- 2030, Cảng hàng không quốc tế Vinh có quy mô cấp sân bay 4E, công suất thiết kế dự kiến 8 triệu lượt hành khách/năm. Diện tích đất dự kiến là 557,33 ha. Đến năm 2050, công suất thiết kế dự kiến 14 triệu lượt hành khách/năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đức An, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua, lĩnh vực hàng không đã có bước phát triển mới, với số lượng chuyến bay, lượng hành khách và sản lượng hàng hóa qua cảng hàng không Vinh đều đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.

“Cảng hàng không quốc tế Vinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch với công suất dự kiến đến năm 2030 là 8 triệu hành khách/năm. Tôi đánh giá đây là một trong những nút thắt về kết cấu hạ tầng GTVT, ảnh hưởng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở GTVT đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh làm việc với các bộ, ngành Trung ương về Đề án Xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Vinh, với mục tiêu xây dựng đường CHC số 2, hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối đồng bộ, sân đỗ, nhà ga hành khách, hàng hóa”, ông An nói.

Theo Sở GTVT tỉnh Nghệ An, tại Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh.

Cụ thể, phát triển GTVT đồng bộ, thống nhất, hài hòa giữa các chuyên ngành, bảo đảm được sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, tạo sự kết nối đối nội, đối ngoại, giữa các vùng địa hình khác nhau, giữa đô thị với khu công nghiệp, với nông thôn tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt.

Huy động tối đa nguồn lực, đầu tư trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá; các tuyến kết nối đến các vùng động lực về phát triển kinh tế, xã hội, đô thị, du lịch.

Theo ông An, việc xây dựng và nâng cấp hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay tạo ra một mạng lưới giao thông kết nối, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển các ngành kinh tế khác (du lịch, dịch vụ,…), góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Không những vậy, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là góp phần mở rộng không gian, khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn lực tái đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Việc xây dựng hạ tầng GTVT còn góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Kết cấu hạ tầng giao thông thuận lợi, đồng bộ, kết nối thuận lợi các khu vực, khu công nghiệp đến sân bay, cảng biển, nhà ga… là yếu tố quyết định lựa chọn đầu tư của các nhà đầu tư.

“Với việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ này, tôi tin rằng, ‘bộ mặt’ hạ tầng GTVT của tỉnh sẽ nhiều thay đổi, hứa hẹn tạo ra một động lực, sức bật vô cùng to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền, khu vực kinh tế trọng điểm. Ngoài ra, việc tạo đột phá trong thu hút đầu tư, khắc phục các điểm nghẽn, nút thắt về cảng biển và cảng hàng không được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo trong thời gian tới”, ông An nhấn mạnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đã có chỉ đạo ngành GTVT khắc phục khó khăn, tồn tại, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Sở GTVT thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm lĩnh vực GTVT, hoàn chỉnh phương án quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; phối hợp với các cơ quan Trung ương để tăng cường công tác quản lý, điều hành các hoạt động vận tải, triển khai các dự án cảng hàng không, cảng biển, đường sắt”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo.

Hải Dương tiếp tục tạo đột phá trong thu hút đầu tư
Năm 2024, Hải Dương tiếp tục ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng trong và ngoài nước; nhà đầu tư đến từ các quốc gia có nền kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư