Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đẩy nhanh chuyển đổi xanh để độc lập về năng lượng
Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh sẽ tăng cường khả năng độc lập của Việt Nam về năng lượng và giúp tránh được các cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai.
Phát triển xanh sẽ thúc đẩy an ninh năng lượng và giảm thiểu rủi ro trước các cú sốc từ bên ngoài. Ảnh: Đức Thanh

Thị trường năng lượng đã nhanh chóng phản ứng

Cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã đẩy giá dầu Brent lên 120 USD/thùng vào đầu tháng 3/2022. Giá khí đốt tự nhiên trên thị trường giao ngay tăng đột biến, đạt mức kỷ lục 6 USD/MMBTU. Giá than và lúa mì toàn cầu cũng tăng mạnh. Mặc dù thị trường giao ngay có xu hướng phản ứng quá mức và giá năng lượng đã giảm một phần, nhưng về cơ bản, vẫn ở mức rất cao.

Một số nhà phân tích lo lắng về sự quay trở lại của tình trạng “lạm phát đi kèm suy thoái”. May mắn thay, Việt Nam đang ở trong tình trạng tốt để tiếp tục quá trình phục hồi. Các nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam, nhờ sự ổn định kinh tế và nguồn cung lao động dồi dào. Việc mở lại biên giới cho du lịch sẽ mang lại nguồn thu và tạo việc làm cho toàn thị trường, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ. Hơn nữa, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ gói kích cầu gần 350.000 tỷ đồng (15,4 tỷ USD) trong giai đoạn 2022-2023.

Lạm phát sẽ tăng, nhưng trong tầm kiểm soát

Cuộc khủng hoảng năng lượng đã không ngoại trừ người dân Việt Nam. Giá xăng và dầu diesel đã tăng nhiều lần kể từ đầu tháng 1/2022. Giá xăng RON85 đã tăng khoảng 25% kể từ đầu năm, lên gần 30.000 đồng/lít vào giữa tháng 3.

Tuy nhiên, đến nay, lạm phát vẫn ở mức thấp, chỉ 1,4% trong tháng 2/2022. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng giá ở khu vực đồng euro (5,8%) và Hoa Kỳ (7,9%). Lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp do Chính phủ kiểm soát giá nhiều hàng hóa và dịch vụ, như điện, xăng dầu, giao thông - vận tải, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, đồng thời can thiệp để giá của các mặt hàng cơ bản này tăng với tốc độ chậm hơn nhằm giảm nhẹ tác động lên cuộc sống của người dân.

Ngoài việc điều tiết giá cả, Chính phủ có thể cắt giảm thuế để kiềm chế lạm phát. Đối với xăng dầu, thuế và phí chiếm 42-43% giá bán lẻ tại Việt Nam, do đó, mặt hàng này có thể được xem xét để cắt giảm thuế.

Đầu năm nay, Chính phủ đã quyết định giảm thuế suất VAT 2%, nhưng các sản phẩm xăng dầu đã bị loại khỏi danh sách này. Chính phủ đang đề xuất cắt giảm 50% thuế môi trường đối với xăng và dầu diesel từ ngày 1/4. Việc này sẽ giúp ích đáng kể cho người dân, nhưng nó cũng sẽ làm cho ngân sách nhà nước giảm tương ứng.

Năng lượng chiếm đáng kể chi phí trong các hộ gia đình Việt Nam. Theo một nghiên cứu sử dụng số liệu từ Ngân hàng Thế giới và www.globalpetrolprices.com, tại Việt Nam, đổ đầy một bình xăng 40 lít cho xe hơi tốn 20,6% thu nhập trung bình hàng tháng, cao hơn nhiều so với mức chi phí ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Mặc dù số người sở hữu ô tô ở Việt Nam còn hạn chế, nhưng các hộ gia đình đang phải trả chi phí cho năng lượng cao hơn cho việc đi lại, sưởi ấm, làm mát, nấu ăn và sử dụng các thiết bị điện. Ở nhiều quốc gia, giá năng lượng tăng vọt đang kéo theo nguy cơ “nghèo đói năng lượng”.

Các cuộc khủng hoảng năng lượng trước đây thường có hậu quả là làm chậm lại tăng trưởng kinh tế và lạm phát tăng cao, hay còn gọi là “lạm phát và suy thoái”, nhưng điều này khó có thể xảy ra lần này.

Việc đưa ra các dự báo chính xác là không thể vì thị trường đang rất bất ổn, nhưng các tổ chức kinh tế lớn đã cắt giảm ở mức khiêm tốn các dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2022.

Giá năng lượng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của tầng lớp dân cư thu nhập thấp. Do đó, nhiều chính phủ đã quyết định giúp đỡ tầng lớp này. Các chính sách bao gồm hỗ trợ các khoản tiền mặt, cắt giảm thuế cho các sản phẩm năng lượng, kiểm soát giá năng lượng và đánh thuế lợi nhuận siêu ngạch của các công ty năng lượng.

Trung Quốc và Hoa Kỳ đã sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu để hạ giá xuống. Ở Pháp và Nhật Bản, việc tăng giá điện và khí đốt tự nhiên đã được kiềm chế và các hộ gia đình có thu nhập thấp được hỗ trợ tiền mặt. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, đã có hơn 90 biện pháp được các thành viên thực hiện nhằm can thiệp để hạ giá năng lượng vào cuối tháng 2/2022.

Việt Nam có thể tham khảo một số biện pháp, như cắt giảm thuế xăng và dầu diesel, hỗ trợ tiền mặt cho người dân có thu nhập thấp, hay hoãn thuế, hoàn thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo độc lập về năng lượng

Các biện pháp can thiệp rất hữu ích trong ngắn hạn và giúp làm giảm rủi ro “lạm phát và suy thoái” ở Việt Nam cũng như ở các nước khác, nhưng chúng không giải quyết được các vấn đề về lâu dài.

Việt Nam đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào năng lượng nhập khẩu, nên không thể thoát khỏi sự biến động trên thị trường toàn cầu. Việt Nam sản xuất một lượng tương đối nhỏ dầu thô, khí đốt tự nhiên và than đá, không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu là điều khó tránh khỏi trong ngắn hạn, nhưng giảm sự phụ thuộc này là cần thiết trong trung hạn. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam sẽ là một chiến lược đạt được 2 mục tiêu cùng một lúc: giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và cải thiện an ninh năng lượng của mình, cũng như góp phần chống biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời áp mái. Điện gió ngoài khơi cũng là một nguồn điện sạch tiềm năng rất lớn ở Việt Nam.

Chuyển đổi xanh sẽ thúc đẩy an ninh năng lượng và bảo vệ Việt Nam trước các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong một thế giới đầy bất ổn.

Tại Hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh), Việt Nam cam kết đạt mức không phát thải ròng vào năm 2050, cắt giảm 30% lượng khí mê-tan phát thải vào năm 2030, giảm dần và loại bỏ sản xuất nhiệt điện than trong giai đoạn 2030-2040 và tăng cường bảo vệ rừng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần phải vượt qua nhiều rào cản, như cần có các khoản đầu tư lớn, các nguồn tài trợ mới, công nghệ tiến tiến và một lượng lớn lao động được đào tạo lại.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ góp phần tái định vị Việt Nam sau đại dịch
Các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế theo hướng tích hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số giúp các quốc gia thúc đẩy phát triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư