Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Đẩy nhanh tăng trưởng dựa trên năng suất
Câu hỏi mà Việt Nam phải đối mặt hiện nay là làm thế nào để đạt được mức thu nhập cao, thông qua tăng trưởng năng suất lao động và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Tốc độ phát triển của Việt Nam được coi là phi thường. GDP của Việt Nam tăng từ 21 tỷ USD năm 1994, lên 363 tỷ USD vào năm 2021. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trị giá 55 tỷ USD năm 2007, đã tăng lên 340 tỷ USD vào năm 2021. Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, sau Brazil, cả về khối lượng và giá trị. Việt Nam cũng là nhà xuất khẩu cá và hải sản lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

Tăng trưởng kinh tế - động lực giảm nghèo mạnh nhất, đã cải thiện phúc lợi của người dân Việt Nam. GDP bình quân đầu người năm 1994 chỉ là 281 USD, tới năm 2021 đã đạt mức 3.694 USD.

Câu hỏi mà Việt Nam phải đối mặt hiện nay là làm thế nào để đạt được mức thu nhập cao thông qua tăng trưởng năng suất lao động và bảo vệ tài nguyên. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, bao gồm đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035, thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được mức phát thải các-bon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong một thế giới đang trỗi dậy hậu Covid-19 và hiện phải đối mặt với những tác động toàn cầu của xung đột Nga - Ukraine, các ưu tiên hàng đầu trong ngắn hạn đối với người dân Việt Nam có thể sẽ là tiếp tục nâng cao thu nhập, tìm kiếm việc làm tốt hơn, tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao hơn và giáo dục đại học tốt hơn, đồng thời với cải thiện môi trường đô thị.

Chương trình nghị sự phát triển đầy tham vọng của Việt Nam cũng đòi hỏi phải tăng trưởng thích ứng với khí hậu, giảm thiểu phát thải khí các-bon từ quá trình sản xuất và cơ cấu năng lượng.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc, quốc gia đã thành công trong việc chuyển từ nghèo đói sang thịnh vượng trong 3 thập kỷ, có thể cung cấp một số bài học sâu sắc cho Việt Nam. Không giống như Hàn Quốc, tài nguyên thiên nhiên phong phú đã hỗ trợ cho con đường đi lên vững chắc của Việt Nam và việc quản lý vốn tự nhiên sẽ là một phần quan trọng trong việc định hướng phát triển đất nước.

Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong khi con đường từ mức thu nhập thấp lên mức trung bình chủ yếu diễn ra thông qua tích lũy vốn vật chất và con người, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thì quá trình chuyển đổi từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao được thúc đẩy bởi việc sử dụng hiệu quả các tài nguyên mới và tài nguyên hiện có, bao gồm cả nguồn nhân lực.

Ngân hàng Thế giới (WB) từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ và hỗ trợ nhiều cho Việt Nam. Sự hỗ trợ toàn diện của WB đối với Chính phủ Việt Nam trong thiết lập lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đóng một vai trò quan trọng để Việt Nam hội nhập thành công. Gần đây, việc công bố Báo cáo Việt Nam 2035 đã cung cấp nhiều ý tưởng chính sách mới để giúp đất nước đạt được các mục tiêu và tầm nhìn dài hạn.

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã đóng vai trò xúc tác huy động hơn 5 tỷ USD vốn đầu tư dài hạn để giúp khu vực tư nhân của Việt Nam phát huy tiềm năng và trở thành động lực tăng trưởng kinh tế.

Để duy trì tăng trưởng, xây dựng thành công đất nước trong 25 năm tới, Việt Nam đã nêu rõ nhu cầu và nguyện vọng của mình, WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được những điều đó. Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Năng suất lao động của Việt Nam đứng ở đâu so với các nước ASEAN-6
Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2019 cao hơn các nước ASEAN-6.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư