Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Đề cao vai trò của người dân
Thành Đạt - 24/05/2014 07:36
 
() TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Khóa XII cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần nhấn mạnh vai trò và lợi ích của người dân trong công tác bảo vệ và giám sát môi trường đối với doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tăng quyền tiếp cận thông tin môi trường của người dân
Giờ Trái đất tiết kiệm được bao nhiêu điện?
Việt Nam cần 30 tỷ USD cho phát triển xanh
Quảng Ninh di chuyển hai dự án xi măng gây ô nhiễm
17 điều cấm trong Luật bảo vệ môi trường
“Xử lý ô nhiễm cần sự tham gia của cộng đồng dân cư”

Nhiều chuyên gia cho rằng, Luật BVMT (sửa đổi) cần đề cao vai trò và lợi ích của của người dân trong bảo vệ môi trường, vì họ chính là đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất khi ô nhiễm xảy ra. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Điều 43 của Hiến pháp mới (2013) quy định, mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

   
  TSKH Nghiêm Vũ Khải  

Nhằm cụ thể hóa tinh thần này, đồng thời kế thừa Luật BVMT 2005, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) tiếp tục quy định những nguyên tắc, chế tài  nhằm thực hiện quyền hiến định của công dân. Một trong những nguyên tắc đó là “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật” (Khoản 8 Điều 4 - Nguyên tắc BVMT).

Gần 10 năm thực hiện Luật BVMT 2005 cho thấy, đã xảy ra nhiều sự cố môi trường, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, đô thị, khu khai thác tài nguyên thiên nhiên và các làng nghề. Nhiều doanh nghiệp vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên cố tình vi phạm các quy định về BVMT. Một số địa phương chỉ vì chú trọng thu hút đầu tư mà đã phê duyệt những dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người.

Quán triệt nguyên tắc phát triển bền vững và rút kinh nghiệm trong gần 10 năm thực hiện Luật 2005, Luật BVMT (sửa đổi) tiếp tục đặt trọng tâm và đề cao hơn nữa vai trò và lợi ích của người dân trong BVMT. Thực tế chứng minh rằng, nhiều khi mặc dù luật đã có các quy định rất rõ ràng, hợp lý nhưng việc thực hiện lại chưa nghiêm minh do ý thức của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, công tác quản lý còn nhiều bất cập.

Vậy theo ông, để người dân có thể giám sát việc thực hiện Luật BVMT (sửa đổi) một cách nghiêm túc, luật này cần quy định việc tiếp cận thông tin môi trường của người dân như thế nào? Và người dân có thể phản hồi đến cấp nào khi phát hiện vi phạm?

Dự thảo Luật đã quy định về quyền và trách nhiệm của cộng đồng đối với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, cộng đồng có quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về môi trường, biến đổi khí hậu, trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước. Cộng đồng cũng có trách nhiệm tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự thảo dành 1 điều quy định các thông tin môi trường sau đây phải được công khai: báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; thông tin về các nguồn thải, các loại chất thải, xử lý chất thải; khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; các loại báo cáo về môi trường; kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường. Hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin. Cơ quan công khai thông tin môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin được công khai.

Tôi cho rằng, Luật BVMT (sửa đổi) cần quy định rõ hơn, khả thi hơn quyền cho người dân phản ánh các đề xuất, kiến nghị của mình đến các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư trước khi dự án được phê duyệt; kiến nghị đó phải được xem xét trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án; có cơ chế để người dân kiểm soát được các hoạt động liên quan đến môi trường của doanh nghiệp.

Đơn cử, năm 2008, Công ty Vedan bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại sông Thị Vải, ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất nông, ngư nghiệp của hàng ngàn hộ nông dân tại 3 địa phương là Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM. Với sự lên tiếng của dư luận, sự vào cuộc của chính quyền và cơ quan chức năng, nhất là khi người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm của Vedan, công ty này đã phải bồi thường một khoản tiền khá lớn cho nông dân. Thực ra, chính quyền, cơ quan chuyên môn, người dân biết việc xả thải chất gây ô nhiễm của công ty này từ nhiều năm trước. Nhưng do những yếu kém, bất cập đã nêu trên, việc phát hiện và xử lý quá chậm. Vì vậy, nếu người dân được trao quyền thực sự  hơn và cơ chế thực thi quyền đó rõ ràng hơn, cũng như các cơ quan quản lý nghiêm túc, quyết liệt hơn trong việc kiểm soát ô nhiễm, thì tính thực thi của luật sẽ được nâng cao.

Khi người dân phát hiện ô nhiễm, thì các chế tài đối với đối tượng gây ô nhiễm cần được quy định như thế nào để các đối tượng này không dám tái phạm?

Điều 49 của Luật hiện hành quy định rất rõ mức độ xử lý đối với các hành vi gây ô nhiễm rất cụ thể, bao gồm xử phạt hành chính, tạm đình chỉ hoạt động để nâng cấp công nghệ xử lý chất thải, di dời đến địa điểm khác mà sức tải của môi trường có thể chấp nhận được. Nếu các biện pháp đó không đáp ứng yêu cầu BVMT, thì đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2008 (Chương 17 - Tội phạm môi trường) còn quy định hình phạt tù đối với cá nhân gây ô nhiễm môi trường gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng và tài sản của tổ chức, cá nhân. Rất đáng tiếc là, từ khi những điều luật trên được sửa đổi, vẫn chưa xử lý hình sự được trường hợp nào, mặc dù hậu quả diễn ra rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Vướng mắc lại nằm ở chỗ giải thích từ ngữ trong các luật liên quan. Điều này cần khắc phục ngay, để pháp luật được thực thi nghiêm minh, góp phần BVMT.

Luật BVMT (sửa đổi) sẽ quy định chi tiết hơn nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về BVMT. Đồng thời, các luật có liên quan về hình sự, dân sự, xử phạt hành chính cũng phải điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi của hệ thống pháp luật về BVMT.

Trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã quy định các cơ chế khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch hơn; cơ chế phát triển xanh, áp dụng nguyên tắc 3R trong sản xuất, bao gồm Reduce (Giảm phát thải), Reuse (Tái sử dụng) và Recycle (Tái chế). Hoạt động 3R hiện đã triển khai tại nhiều nước trên thế giới, được khuyến khích phát triển nhằm góp phần sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thực hiện phát triển bền vững. Chính phủ các nước này đã đưa ra các chính sách tài chính, như giảm thuế khi đầu tư công nghệ tái chế; thành lập Quỹ tái chế chất thải để phát triển hoạt động 3R. Các chương trình tái chế chất thải cũng đã huy động sự tham gia hiệu quả của tư nhân và các cộng đồng dân cư.

Luật BVMT (sửa đổi) nên có các quy định như thế nào để vừa hài hòa lợi ích của các bên (người dân, các nhà quản lý và doanh nghiệp), vừa đảm bảo tính thực thi và vừa đảm bảo được bảo vệ môi trường?

Có nhiều ý kiến cho rằng, đã sản xuất kinh doanh thì phải phát thải, nếu quy định quá chặt chẽ, thì doanh nghiệp “bó tay” hoặc tìm cách “lách luật”. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, phát thải lớn. Vì vậy, nếu tính đủ chi phí môi trường và nghĩa vụ xã hội, thì không thể duy trì sản xuất kinh doanh. Hiện nay, các doanh nghiệp như vậy tồn tại được là nhờ vào cơ chế ưu đãi, nhờ vào việc trốn tránh trách nhiệm BVMT. Theo tính toán của chuyên gia nước ngoài, tăng trưởng GDP hằng năm của Trung Quốc trong nhiều năm gần đây là hai con số; nhưng do hậu quả môi trường quá lớn, nên thực chất, thì mức tăng trưởng này phải trừ đi không dưới 3%.

Trong điều kiện kinh tế đang gặp khó khăn, việc bảo đảm sự hài hòa giữa 3 trụ cột phát triển bền vững gồm tăng trưởng kinh tế - tiến bộ xã hội - bảo vệ môi trường là một bài toán khó. Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nếu thực hiện tốt sẽ là lời giải thông minh nhất cho bài toán này.

Người dân có quyền đòi bồi thường thiệt hại môi trường Người dân có quyền đòi bồi thường thiệt hại môi trường

Người dân và các tổ chức dân sự, chính trị và xã hội phải có quyền đòi bồi thường và được bồi thường theo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư